Vùng đất thiêng… vào Xuân
Xuân Quý Mão 2023, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân H.Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) đón thêm nhiều thành tựu mới trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh…
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Côn Đảo Lê Văn Phong cho biết, những kết quả năm 2022 là tiền đề để quân và dân huyện nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của năm 2023 - năm bản lề tạo động lực mới hoàn thành nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 trên địa bàn.
* Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống
Nhắc đến Côn Đảo dù đã đến hoặc chưa đến nhưng hầu hết người Việt đều biết đến cụm từ “địa ngục trần gian” với những “chuồng cọp”, “chuồng bò” - hình thức giam cầm, hành hạ, tra tấn của quân xâm lược đối với những chiến sĩ, những người con yêu nước Việt Nam... Lần mở những trang sử Côn Đảo, ngày 1-2-1862, Bonard - thủy sư đô đốc Pháp đã ký quyết định thành lập nhà tù Côn Lôn (Côn Đảo). Kể từ đó, đây trở thành nơi giam giữ những người tù chính trị Việt Nam với hệ thống “chuồng cọp” nổi tiếng. Vì vậy, dưới thời Pháp thuộc, dân ta thường có những câu ca dao “Côn Lôn đi dễ khó về. Già đi bỏ xác, trai về nắm xương” để minh chứng cho sự khắc nghiệt, gian nan đó.
Côn Đảo là địa danh ghi dấu lịch sử sự đấu tranh kiên cường, bất khuất của các anh hùng, chiến sĩ cách mạng. Nơi đây có hệ thống nhà tù khủng khiếp của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với nhiều trại giam, khu nghĩa trang Hàng Dương - nơi chôn cất hàng chục ngàn tù nhân, chủ yếu là các chiến sĩ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc.
Cũng chính vì điều này, Côn Đảo được gọi “vùng đất thiêng” - nơi lưu giữ “vết son” của tháng năm hoạt động cách mạng đã hằn sâu trong tâm thức của nhiều cựu tù cách mạng. Ở đó, ký ức về một thời hoa lửa bi thương mà hùng tráng, sống mãi tình đồng đội sâu nặng, yêu thương. Nơi được coi “trường học cộng sản giữa trùng khơi” rèn ý chí của những con người kiên trung, bất khuất, không sợ hiểm nguy trước họng súng quân thù - “địa chỉ đỏ” của giáo dục truyền thống cách mạng đã, đang và tiếp tục được phát huy trong giai đoạn hiện nay.
Theo bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh, người từng bị giam cầm tại khu “chuồng cọp” và trại 4 kể lại, kẻ thù nhốt 5 người trong 1 buồng để phân tán lực lượng của ta.
“Khi bị bắt giam có thể 1-2 tháng không cho tắm, có những lúc chúng tôi chỉ mặc đồ lót vì nóng bức quá không chịu được, rất cơ cực, nhất là vào những “ngày” của phụ nữ. Do bị đối xử tàn tệ, nhiều chị em bị thần kinh, bị điên. Phòng tôi có 3/5 người bị tàn tật, nhiều chị em đã chết trong tù” - bà Trần Thị Hòa xúc động nhớ lại.
Cũng theo bà Trần Thị Hòa, ở nhà tù Côn Đảo, mỗi lần tù chính trị đấu tranh, địch lại đổ vôi bột xuống rồi dội nước làm cơ thể bị lở loét. Nhưng trước sự đàn áp dã man đó, tù chính trị không khuất phục, luôn đấu tranh và xem nhà tù là “chiến trường”, “trường học cộng sản” trui rèn tâm trí của những người tù cách mạng. Tạo niềm tin son sắt thôi thúc các chiến sĩ tiếp tục đứng lên đấu tranh, tin tưởng vào sự thắng lợi cuối cùng.
Hàng năm, bà Trần Thị Hòa cùng đồng đội thường trở lại vùng đất thiêng - nơi lưu giữ ký ức về những tháng năm bi tráng để tưởng nhớ, tri ân đồng đội đã khuất.
“Về đây, chúng tôi thường không ngủ để tưởng nhớ đồng đội, những người một thời cùng sống, chết có nhau. Về đây còn để tri ân chị Sáu (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu). Người con gái Đất Đỏ đã làm rạng rỡ truyền thống của phụ nữ Việt Nam, niềm tự hào, chỗ dựa tinh thần của chúng tôi trong những năm tháng lao tù. Về Côn Đảo còn là dịp để mỗi chúng tôi tự nhắn nhủ phải biết sống tốt hơn, xứng đáng hơn với những hy sinh mà đồng chí, đồng đội của mình đã nằm lại” - bà Trần Thị Hòa bộc bạch.
* Vùng đất xưa chuyển mình mạnh mẽ
48 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, H.Côn Đảo ngày nay đã và đang trở thành điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước; vùng biển đảo của hòa bình, dựng xây để phát triển theo hướng bền vững trên cơ sở kế thừa “địa chỉ đỏ truyền thống”, xây dựng và phát triển “địa chỉ xanh của du lịch sinh thái”.
Theo ông Lê Văn Phong, ngoài du lịch, Côn Đảo còn là trung tâm ngư trường khai thác hải sản của ngư dân các tỉnh phía Nam. Riêng H.Côn Đảo có đội tàu khá lớn, hàng năm đánh bắt hàng chục ngàn tấn hải sản các loại.
Những năm gần đây, cuộc sống và sinh hoạt của hơn 12 ngàn dân Côn Đảo đổi thay rõ nét. Đường sá, sân bay, bến cảng được đầu tư xây dựng. Ngư trường Côn Đảo sôi động với nhiều hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá. Tàu các tỉnh cặp vào Côn Đảo ngày càng nhiều; du khách trong và ngoài nước đến Côn Đảo ngày càng đông…
Ông Lê Văn Phong cho biết thêm, kết quả lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn năm 2022 đều đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết.
“Đặc biệt, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch của huyện (chiếm khoảng 90% cơ cấu kinh tế) được phục hồi, phát triển mạnh mẽ. Các hãng vận chuyển tàu, máy bay hoạt động trở lại, dần tăng tần suất vận chuyển đã đưa lượng du khách đến Côn Đảo đạt trên 550 ngàn lượt khách, đưa tổng doanh thu từ thương mại dịch vụ đạt trên 3.181 tỷ đồng, tăng hơn 67% so cùng kỳ năm 2021; trong đó doanh thu từ dịch vụ đạt gần 158%; du lịch hơn 136%...” - ông Lê Văn Phong nhấn mạnh.
Bí thư Huyện ủy cho rằng, Côn Đảo hiện đang tập trung xây dựng, phát triển theo hướng khai thác các yếu tố truyền thống, tâm linh gắn với phát triển ngành thương mại du lịch xanh, du lịch sinh thái bền vững, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng từng bước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh trong tổng thể phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo chú trọng việc phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gắn bó keo sơn tình đoàn kết quân dân, đoàn kết các lực lượng thông qua các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, tuyên truyền nhân dân, ngư dân theo tinh thần Nghị định 03/2019-NĐCP ngày 5-9-2019 của Chính phủ về phối hợp giữa hai Bộ Quốc phòng và Công an đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong 113 năm tồn tại của hệ thống nhà tù Côn Đảo (1862-1975), Côn Đảo là minh chứng sống kết án chính sách xâm lược của thực dân, đế quốc. Đồng thời trở thành trường học giáo dục truyền thống với nhiều địa danh lịch sử như: Nghĩa trang Hàng Dương với mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu, cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh; cầu tàu 914…
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202301/vung-dat-thieng-vao-xuan-3155051/