Vùng Đồng bằng sông Hồng được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững
Vùng Đồng bằng sông Hồng được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao...
Tại “Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất”, ngày 20/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ cần “xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng” nhằm đổi mới cách thức hoạt động, điều phối và phương thức liên kết giữa các địa phương trong vùng để phát huy hiệu quả cao nhất những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng.
“Vùng Đồng bằng sông Hồng được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước nhưng phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức và còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như: các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững; một số địa phương phụ thuộc quá nhiều vào một vài dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn.
Cùng với đó, các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành; hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững còn nhiều bất cập; quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều hạn chế; ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, nhất là nước thải, chất thải nguy hại, vấn đề ách tắc giao thông; tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến cuối Trung ương tại Hà Nội chưa được khắc phục; liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, đặc biệt là các vấn đề về lao động, thị trường tiêu thụ, hệ thống kết nối giao thông…
Để đạt được các mục tiêu phát triển chung của vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng kế hoạch hoạt động của Hội đồng vùng trong 6 tháng cuối năm 2023; trong đó, phân công cho 10 bộ, ngành và các thành viên Hội đồng điều phối vùng với 21 nhiệm vụ và mỗi địa phương 3 nhiệm vụ.
Theo đó, các nội dung được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: đó là tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 30-NQ/TW và Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW và kế hoạch hành động của từng bộ, ngành địa phương đã ban hành.
Bên cạnh đó, khẩn trương thành lập Văn phòng Hội đồng điều phối vùng và chủ động thành lập các Tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh để giúp Hội đồng điều phối vùng và các thành viên Hội đồng vùng thực hiện các nhiệm vụ điều phối phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng.
Cùng với đó, Hội đồng vùng nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực gắn với định hướng không gian phát triển để tích hợp trong Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch cấp tỉnh của từng địa phương đang xây dựng; các địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo tiến độ trước ngày 31/12/2023.
Ngoài ra, các bộ, ngành Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương triển khai các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ của trung ương gắn với đảm bảo nguồn lực phù hợp, tiếp tục nghiên cứu thực hiện thí điểm phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, quy hoạch, đất đai, môi trường và tổ chức bộ máy; đồng thời, tăng cường trách nhiệm, vai trò chủ động và sáng tạo huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia… trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất cần tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách trong đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Các địa phương trong vùng cần xác định cơ chế liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng phát triển.