Vùng Đông Tam Kỳ gian lao mà anh dũng
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông bình Chiêm, mở cõi vào phía Nam lập nên phủ Thăng Hoa gồm 3 huyện Lễ Giang, Hy Giang và Hà Đông (nay là Tam Kỳ, Quảng Nam). Trong đó các xã vùng Đông được người đàng ngoài vào khai cơ lập nghiệp từ rất sớm. Trải qua 550 năm hình thành và phát triển, vùng đất này ngày càng đông đúc, phồn vinh.
Vùng đất xưa
Huyện Hà Đông có 8 tổng, 46 làng, trong đó vùng Đông có 7 làng gồm: Quảng Phú Đông, Quảng Phú Tây, Tứ Chánh, Phước Xuyên, Ngọc Sơn, Phú Quý Hạ, Phú Quý Thượng. Đến thời vua Gia Long thứ 13 (1813) lập lại 12 xã mới gồm: An Hà, Quảng Phú Đông, Quảng Phú Tây, Phú Thạnh, Ngọc Mỹ, Tam Quý, Phú Ngọc, Quý Thượng, Hòa Thanh Hạ, Hòa Thanh Trung, Hòa Thanh Thượng và Tỉnh Thủy (tổng An Hòa, phủ Thăng Bình). Sau cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công, vùng Đông Tam Kỳ nhập lại còn 5 xã gồm: Hòa Thanh, Tam Phú, Quý Phú, Tứ Dân và Tỉnh Thủy (H. Tam Kỳ, tỉnh QN-ĐN). Tháng 3 năm 1949, 5 xã này nhập lại thành 1 xã lấy tên Tam Thanh. Từ tháng 10- 1954 đến trước ngày thống nhất đất nước, vùng Đông Tam Kỳ có thêm 4 lần tách lập. Sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền cách mạng dựa theo địa giới cũ (1949) lập lại xã Tam Thanh. Tháng 10-1976, lấy các thôn vùng Đông thành lập xã Tam Phú, thôn Tỉnh Thủy (xã Kỳ Anh Đông) hợp nhất với các thôn vùng biển thành lập xã Tam Thanh ngày nay; Xã Kỳ Anh Tây và một phần xã Kỳ Anh Đông thành lập xã Tam Thăng. Riêng xã Tam Phú đến tháng 2-2002 được điều chỉnh địa giới hành chính thành lập P.An Phú và xã Tam Phú (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam)…
Để khai khẩn đất hoang, lập làng xã, vua Lê Thánh Tông khuyến khích nông dân các tỉnh phía Bắc di cư vào vùng Đông Tam Kỳ để khai cơ lập nghiệp. Theo gia phả của nhiều họ tộc ghi lại cuộc di dân ở vào thời kỳ này phần lớn là người ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Do địa hình, địa vật hiểm trở, sông biển xâm thực nên họ tập trung định cư ở khu vực bên kia sông Trường Giang, dọc theo sông Bàn Thạch, trảng cát An Hà... Gần nửa thế kỷ sau mới mở rộng địa bàn sản xuất, lập chợ trao đổi hàng hóa, lập làng xã, họ tộc quần tụ trên vùng đất mới. Các xã vùng Đông có hơn 70% dân số bị đói nghèo và 90% dân nghèo bị mù chữ, cuộc sống cơ cực nhưng nhân dân đoàn kết một lòng, nhất tề đứng lên giương cao ngọn cờ khởi nghĩa lần lượt đánh thắng các đội quân xâm lược. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân vùng Đông Tam Kỳ nêu cao tinh thần “Một tấc đất, một tấc vàng/ Một góc giang sơn, một dòng máu đỏ”, quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”, kiên trì trụ bám đào hầm hào, nuôi giấu chở che cán bộ, chiến sĩ cách mạng lãnh đạo nhân dân đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, giải phóng xã Kỳ Anh, Kỳ Phú vào năm 1965. Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Tam Thanh, Tam Phú và P.An Phú ghi rõ, qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân đóng góp quỹ quốc phòng được hơn 900 tấn lúa, 10 tấn thực phẩm, 4 tấn đồng thau và 5 triệu bạc tín phiếu. Với phong trào thi đua “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, quân và dân các xã vùng Đông Tam Kỳ đã đánh 456 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 1966 tên địch; phá banh, phá rã 11 ấp chiến lược, giải phóng trên 10.000 người dân, san bằng và bứt rút 7 cứ điểm, thu nhiều vũ khí các loại..., góp phần cùng đồng bào cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.
Khát vọng vươn lên
Sau ngày đất nước thống nhất, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì đáng kể. Đến nay, các trường học đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm đầy đủ trang thiết bị phục vụ tốt cho công tác dạy và học. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm tăng cao cả về số lượng và chất lượng. 100% trường học ở các xã vùng Đông đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng khám chữa bệnh cho người dân không ngừng nâng cao. Các công trình giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, bê tông hóa nội đồng... được đầu tư xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” góp phần làm cho cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm ngày càng khang trang, sạch đẹp. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao được tổ chức thường xuyên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm, hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” năm sau luôn cao hơn năm trước. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị các địa phương vùng Đông Tam Kỳ đã được công nhận xã nông thôn mới, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.
Và để phát triển vùng Đông, Thành ủy Tam Kỳ đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 30-10-2017 “ Một số vấn đề cơ bản phát triển vùng Đông thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2017-2025”. Mới đây nhất, Thành ủy tiếp tục ban hành Chương trình số 11 ngày 12-10-2021 để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 07 ngày 4-5-2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về “Định hướng phát triển vùng Đông Nam của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Cùng với mục tiêu , định hướng và sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhân dân cũng đã hiến đất, cây cối, vật kiến trúc để Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường Điện Biên Phủ. Tuyến đường này kết nối với các tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, QL40B, QL1A... Cây cầu bắc qua sông Trường Giang dài hơn 330m, mặt cắt ngang 16m cũng đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng tiếp tục mở ra hướng phát triển mới trong tương lai cho vùng Đông Tam Kỳ. Nhà nước đã đầu tư để nối dài tuyến đường 129 đoạn từ Dốc Diên Hồng (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) đến sân bay Chu Lai (H.Núi Thành). Đặc biệt, khu công nghiệp Tam Thăng đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10.000 lao động là con em địa phương vùng Đông Tam Kỳ và các huyện lân cận. Không chỉ có sự đầu tư của nhà nước, phong trào xã hội hóa để mở đường, xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng được nhân dân ở các địa phương vùng đông hưởng ứng rất tích cực... tạo ra diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới tươi đẹp.
Cuộc sống đổi thay hôm nay đã minh chứng cho khát vọng sống vươn lên của các thế hệ người dân vùng Đông. Nơi hình thành, nuôi giữ và phát huy truyền thống cách mạng từ trong lịch sử dựng nước, giữ nước cho đến hòa bình dựng xây.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/vung-dong-tam-ky-gian-lao-ma-anh-dung-post266984.html