Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản
Dịch Covid-19 đã làm cho lượng nông sản, thực phẩm tiêu thụ trong và ngoài nước giảm mạnh. Trước thực trạng này, các địa phương vùng trọng điểm kinh tế phía Nam đang tăng cường chuỗi liên kết để bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm an toàn, đồng thời hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong vùng tiêu thụ sản phẩm.
Phiên chợ nông sản thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức thường xuyên nhằm tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản cho các tỉnh, thành phố phía Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ
Nông dân, doanh nghiệp gặp khó
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xem là khu vực phát triển nhất cả nước, có vai trò, vị trí rất quan trọng, gồm nhiều địa phương có trình độ phát triển kinh tế cao: Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước. Đây cũng là vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung với quy mô lớn, cung ứng nông sản thực phẩm cho cả vùng với hơn 22 triệu dân và cả nước.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều sản phẩm nông nghiệp bị rớt giá mạnh, hàng hóa ứ đọng không tiêu thụ được. Giám đốc Hợp tác xã Thanh Long hội quán (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) Trần Văn Tuấn cho biết, hiện tại, giá thu mua thanh long tại vườn chỉ còn 5.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, giảm tới 15.000đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2019. Trong khi đó, tại Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) Đặng Tường Khanh cho biết, công ty rất muốn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ca cao, nhưng gặp nhiều khó khăn trong "đầu ra".
Không chỉ với doanh nghiệp, những hộ trồng rau nhỏ lẻ cũng bị ảnh hưởng. Chị Đặng Thị Thuận trú tại ấp Thạnh An, xã Trung An, huyện Củ Chi lo lắng nói: "Trước khi có dịch Covid-19, bình quân mỗi ngày, gia đình tôi cung cấp ra thị trường 3 tấn rau, nhưng hiện nay mỗi ngày chỉ bán được khoảng 300kg rau".
Trước thực trạng trên, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành các tỉnh, thành phố trong vùng triển khai xây dựng Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” với mục tiêu tăng cường sức tiêu thụ nông sản cho người dân và doanh nghiệp.
Liên kết để phát triển tốt hơn
Hiện nay thành phố Hồ Chí Minh là thị trường và đầu mối tiêu thụ lớn của toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, chỉ tính riêng 2 doanh nghiệp bán lẻ của thành phố là Co.op Mart và Satra đã chiếm đến 30 thị phần bán lẻ toàn vùng. Do vậy, thông qua những đầu mối lớn này, sẽ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho nông dân, doanh nghiệp trong vùng.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đoàn Văn Phương đánh giá: “Từ khi ký kết bao tiêu sản phẩm trái cây với những chuỗi siêu thị lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, nông sản của nhiều nông dân và doanh nghiệp trong tỉnh Tiền Giang đã có đầu ra ổn định hơn”. Còn Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai Dương Minh Dũng cho biết, tỉnh đã xây dựng được 132 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao với sự tham gia của 67 doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến. Nay tham gia chuỗi liên kết toàn vùng, "đầu ra" cho nông sản Đồng Nai chắc chắn sẽ ổn định hơn”. Minh chứng cho nhận định của ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Công ty Chăn nuôi Hương Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) Nguyễn Thị Hương cho biết, doanh nghiệp đã yên tâm đầu tư sản xuất vì tham gia cung ứng hàng hóa cho chuỗi bán lẻ Bách hóa Xanh tại Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn trong thực hiện chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Về việc này, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tiến Khai, giảng viên Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Hệ thống phân phối chuỗi chưa bao tiêu được 100% lượng sản phẩm đạt chuẩn, khiến một phần trong số này phải bán ở chợ truyền thống, lẫn với những sản phẩm thông thường khác, dẫn tới giảm giá trị nông sản”.
Để giải quyết thực tại này, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang cho hay, cần giải quyết theo từng cấp độ. Thứ nhất là mỗi địa phương xây dựng liên kết vùng, quy hoạch sản xuất cấp độ vùng để giải quyết vấn đề tiêu thụ của địa phương. Thứ hai, căn cứ trên nhu cầu mở rộng vùng tiêu thụ nông sản, thành phố Hồ Chí Minh sẽ thống nhất xây dựng kế hoạch sản xuất chung với các tỉnh, đưa nông sản vào chuỗi tiêu thụ nội vùng và hướng tới tăng cường tiêu thụ nông sản liên vùng. “Liên kết tốt sẽ giúp chúng ta sớm loại bỏ được tình trạng sản xuất manh mún “mạnh ai nấy làm”. Điều này cũng nhằm hướng đến mục tiêu vì một nền sản xuất nông nghiệp bền vững hơn”, bà Nguyễn Huỳnh Trang khẳng định.