'Vùng phát thải thấp' để Thủ đô Hà Nội trong lành

Để Hà Nội thực sự trong lành không bị khói của các phương tiện giao thông xả thải trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số ngày một cao là những nội hàm cần triển khai trong Luật Thủ đô 2024.

Lựa chọn từ thực tế

Hiện Hà Nội có hơn 7,8 triệu phương tiện tham gia giao thông; trong đó xe máy là 6,6 triệu, ô tô là hơn 1 triệu. Tốc độ tăng trung bình mỗi năm là 4-5%, riêng ôtô tăng 18%. Riêng lượng xe máy đã cũ, không được bảo trì thường xuyên, khói đen thải ra môi trường... là nguồn phát thải bụi mịn PM2.5.

Theo các chuyên gia, nguyền nhân chính của tình trạng trên là bụi mịn PM2.5 trong không khí. TS Hoàng Dương Tùng - Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, thậm chí đã so sánh bụi mịn như “sát thủ vô hình” đặc biệt nguy hiểm khi có thể gây nên bệnh hen suyễn, ung thư phổi, gây nhiễm độc máu nhau thai, khiến thai nhi chậm phát triển…

Trong một loạt các hành động nhằm giảm thiểu phương tiện cá nhân, Hà Nội đã thực hiện được 31/37 nhóm giải pháp và hiện đang được rà soát, cập nhật thêm. Trong đó có đề án thu phí xe ôtô vào nội đô và phân vùng hoạt động xe máy, đang được xây dựng theo hướng mở rộng phạm vi không gian ra ngoài Vành đai 3 và lùi thời gian dừng hoạt động xe máy đến năm 2035. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 10 năm sau và ngay bây giờ việc “làm sạch” không khí là cần làm ngay, làm gấp bằng những giải pháp phù hợp, thực tế hơn.

Hiện Hà Nội có hơn 7,8 triệu phương tiện tham gia giao thông; trong đó xe máy là 6,6 triệu, ôtô là hơn 1 triệu.

Hiện Hà Nội có hơn 7,8 triệu phương tiện tham gia giao thông; trong đó xe máy là 6,6 triệu, ôtô là hơn 1 triệu.

Từ kết quả này, nằm trong chuỗi các hành động triển khai Luật Thủ đô 2024, nhằm giảm lưu lượng xe và ô nhiễm môi trường trong khu vực nội đô, UBND thành phố Hà Nội đang giao các sở, ngành có liên quan xây dựng Nghị quyết Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định "vùng phát thải thấp" trên địa bàn thành phố.

Khi triển khai Nghị quyết, Thành phố sẽ dựa vào một số tiêu chí về đặc điểm dân cư - kinh tế; mức độ ô nhiễm không khí; tính khả thi về hạ tầng giao thông... để xác định vùng phát thải thấp. Dự kiến trong giai đoạn từ năm 2025 đến 2030, thành phố sẽ xây dựng 5 vùng có mức phát thải thấp (vùng an toàn) để hạn chế phương tiện giao thông.

Hiện, xem xét các tiêu chí về mật độ dân cư, hạ tầng giao thông và khả năng phục vụ của vận tải hành khách công cộng, cơ quan soạn thảo xác định, địa bàn các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng đều có những khu vực đủ điều kiện để xác định là “vùng phát thải thấp”.

Đầy đủ cơ sở pháp lý

Về vấn đề này, bà Lê Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý Môi trường (Sở TN&MT) Hà Nội, cho biết, tại Điều 28 của Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua đã quy định tiêu chí cùng các giải pháp để xây dựng các vùng phát thải thấp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố định hướng và có cơ sở xây dựng khu vực phát thải thấp

Theo dự thảo đang được lấy ý kiến, những khu vực được xác định là vùng phát thải thấp sẽ phải áp dụng các biện pháp về giao thông và kinh tế để giảm ô nhiễm không khí. Theo đó, Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030 (theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố từ năm 2017).

Theo dự thảo đang được lấy ý kiến, những khu vực được xác định là vùng phát thải thấp sẽ phải áp dụng các biện pháp về giao thông và kinh tế để giảm ô nhiễm không khí.

Theo dự thảo đang được lấy ý kiến, những khu vực được xác định là vùng phát thải thấp sẽ phải áp dụng các biện pháp về giao thông và kinh tế để giảm ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, rà soát, xác định các khu vực đủ điều kiện phát triển không gian đi bộ gắn với các khu vực danh lam thắng cảnh, khu vực bảo tồn, phát triển du lịch trên địa bàn các quận thuộc Thành phố.

Xây dựng và triển khai đề án nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng vận tải hành khách bằng xe buýt tạo sự kết nối hợp lý và thuận tiện. Xây dựng kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể triển khai thực hiện các chỉ tiêu về phát triển vận tải hành khách công cộng đáp ứng phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.

Rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới và lựa chọn phương tiện xe buýt phù hợp với các tuyến đường nâng cao chất lượng hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đồng thời, rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân.

Thành phố cũng sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không bảo đảm an toàn giao thông và xả khí thải; quy định các khu vực cấm ô tô chạy dầu diesel, khu vực hạn chế xe máy, xe tải, taxi và chính sách khuyến khích thay thế xe buýt chạy dầu diesel bằng xe chạy điện. Dự kiến, việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp (LEZ), hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ được thực hiện từ đầu năm 2025.

“Vùng phát thải thấp” lựa chọn phù hợp cho Thủ đô Hà Nội.

“Vùng phát thải thấp” lựa chọn phù hợp cho Thủ đô Hà Nội.

Ủng hộ, phương án triển khai “vùng phát thải thấp”, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết, việc xây dựng vùng phát thải thấp là xu hướng tất yếu, cần nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó có việc hạn chế các xe cộ cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

PGS.TS Bùi Thị An cũng lưu ý, để cấm xe máy, tiến tới hạn chế các phương tiện cá nhân, thành phố Hà Nội cần đánh giá tác động vào xã hội. Bởi khi cấm xe cộ cá nhân thì phải có xe thay thế, phương tiện công cộng phải sạch, tiện lợi. Ngoài ra, để cấm được xe máy cũng cần phải nâng cao chất lượng hạ tầng các xe công cộng, trong đó các tuyến xe buýt cần được xây dựng có tính kết nối cao hơn.

Dự kiến 5 vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố Hà Nội

Thứ nhất, khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; mật độ dân cư cao, có các khu vực/địa danh cần được bảo tồn, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa xã hội; Thứ hai, khu vực đang bị ô nhiễm không khí do nguồn phát thải từ giao thông; Thứ ba, khu vực có hạ tầng đáp ứng được yêu cầu của phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông một cách phù hợp, thuận tiện và khoa học; Thứ tư, khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện; Thứ năm, khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vung-phat-thai-thap-de-thu-do-ha-noi-trong-lanh-180185.html