Vững vàng bản sắc ngoại giao 'cây tre Việt Nam'
Ngoại giao 'cây tre Việt Nam' đã thể hiện những bản sắc riêng giúp nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Bản sắc ngoại giao
Trong bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu biến động phức tạp, tạo ra nhiều cơ hội và cả những thách thức không hề nhỏ, ngoại giao "cây tre Việt Nam" đã thể hiện những bản sắc riêng giúp nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Cây tre Việt Nam sinh sôi, bám chắc ở mọi vùng đất, từ đất phù sa tới những nơi cằn cỗi, khắc nghiệt. Ngoại giao “cây tre Việt Nam” bén rễ từ nền văn hóa Việt Nam với truyền thống hòa hiếu nhưng cũng rất quật cường.
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu nhắc đến “trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Tiếp đó, đến Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào tháng 12/2021, đồng chí Tổng Bí thư nhắc lại nhưng có bổ sung thêm rằng “trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”".
Bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, định hướng là: "Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" để bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy". Theo đó, "gốc vững" là sự tự lực, tự cường, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên. "Thân chắc" là bản lĩnh kiên cường trước mọi thử thách, khó khăn; "sẵn sàng" là đối tác tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. "Cành uyển chuyển" là cách ứng xử linh hoạt, kịp thời thích nghi với sự biến động, thách thức.
Bản sắc này dựa trên nền tảng Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại; cụ thể là: Phải độc lập, tự chủ trong đối ngoại và hợp tác quốc tế; Luôn có tinh thần hòa hiếu, "thêm bạn, bớt thù"; Xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; Nhất quán phương châm "Dĩ bất biến ứng vạn biến" trong hoạt động đối ngoại…
Xuyên suốt nhiều năm qua, đường lối đối ngoại của Việt Nam luôn nhất quán với Tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời thường xuyên được bổ sung, hoàn chỉnh để phù hợp với diễn biến, xu thế toàn cầu. Việt Nam luôn hướng đến giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Trong mọi giai đoạn lịch sử đều đặt ra những thách thức mới, bao hàm cả những thách thức cho chính đường lối đối ngoại của Việt Nam. Thách thức là vậy, nhưng chính đường lối ngoại giao của Việt Nam đã hàm chứa nền tảng để ứng phó thách thức vừa nêu và thực tế đã phát huy hiệu quả suốt nhiều năm qua.
Và, nhờ sự nhất quán đường lối ngoại giao, Việt Nam đã khẳng định được sự đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Minh chứng là tháng 10/2022, Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Việt Nam khi đó được các thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.
Đáng chú ý, việc tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đánh dấu tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong các vấn đề ở châu Á. Đây là lần thứ 2 Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Trước đó, ở lần đầu tiên tham gia (nhiệm kỳ 2014 - 2016), Việt Nam đã thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về "Biến đổi khí hậu và quyền con người", trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em…). Tất cả khẳng định kết quả mà Việt Nam đạt được bằng bản sắc ngoại giao riêng, gọi chính xác là: Ngoại giao cây tre Việt Nam.
Trước tình hình thế giới và khu vực, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, đồng thời đóng góp tích cực, có trách nhiệm cho hòa bình, hợp tác, phát triển của thế giới và khu vực, được cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc, trong đó có 30 Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện gồm tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 14 nước Ủy viên không thường trực, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và 17 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20)…
Từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung và khép kín, đến nay Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa có liên kết kinh tế sâu rộng, đã ký và tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP, thu hút khoảng 400 tỷ USD vốn FDI đăng ký,…
Việt Nam là thành viên của hầu hết tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quan trọng, đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn cũng như hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021), Hội nghị cấp cao ASEAN (1998, 2010 và 2020), Hội nghị cấp cao ASEM (2004), Hội nghị thượng đỉnh APEC (2006, 2017), Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (2018), Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên (2019), cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc, Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng trong việc thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch Covid-19 thành công; vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân…
Những thành tựu đối ngoại nói trên là kết tinh nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam, là điểm sáng trong thành tựu chung của đất nước Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong thành tựu chung đó, có đóng góp rất quan trọng của đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới.
Xây dựng ngành ngoại giao vững mạnh, toàn diện, hiện đại
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về công tác đối ngoại, trong gần 40 năm qua, ngoại giao Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn. Từ tạo lối, mở đường, từng bước phá thế bao vây, cấm vận, ngoại giao đã đi đầu kiến tạo và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, huy động nhiều nguồn lực bên ngoài cho tăng cường tiềm lực, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế uy tín quốc tế của đất nước.
"Tự hào với thành tựu đạt được, ngành ngoại giao nghiêm túc soi mình nhận thấy vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, có việc còn làm chưa tốt. Tất cả kết quả và hạn chế cũng như toàn bộ công tác sôi động của ngành ngoại giao trong thời gian qua đã để lại nhiều bài học rất sâu sắc để xây dựng, phát triển ngành ngoại giao vững mạnh, toàn diện, hiện đại" - Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh và cho rằng, trước đòi hỏi của nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, ngành ngoại giao đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại và xây dựng, phát triển ngành ngoại giao; kế thừa và phát huy truyền thống ngoại giao của dân tộc, vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, tiếp thu chọn lọc tư tưởng tiến bộ của nhân loại, mạnh dạn tìm cách làm mới, hướng đi mới, lĩnh vực mới để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và ngành ngoại giao trong giai đoạn hiện nay.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, ngành ngoại giao lấy phục vụ Đảng, Tổ quốc và nhân dân làm động lực phát triển; ngoại giao kinh tế lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Điều cốt yếu là xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện về bản lĩnh, phẩm chất và trí tuệ, vững vàng về tư tưởng, sâu sắc về tư duy, sáng tạo về hành động, hiện đại về phong cách, chuyên nghiệp về kỹ năng. Mỗi cán bộ ngoại giao cần không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc, kiên quyết chống mọi biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách, pháp luật về đối ngoại, ngoại giao cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ đối ngoại và phát triển ngành ngoại giao trong giai đoạn hiện nay.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 78 năm qua, thế hệ cán bộ ngoại giao ngày nay tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tri ân sâu sắc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ và lớp lớp cán bộ ngoại giao đã dày công gây dựng và vun đắp nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Phát huy bề dày truyền thống vẻ vang, ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm xây dựng nền ngoại giao Việt Nam vững mạnh, toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết và đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vung-vang-ban-sac-ngoai-giao-cay-tre-viet-nam-269072.html