Vườn măng cụt chết héo, chồng nghèo lao đao vay tiền cứu vợ vỡ động mạch não
Cái Tết năm nay đối với ông Nguyễn Văn Hy quá đỗi nặng nề, bởi bệnh tình của vợ kéo dài, phải đón năm mới ở bệnh viện. Mà ông cũng chẳng thể nào vay mượn thêm để trang trải viện phí.
Nằm trên giường bệnh, bà Nguyễn Thị Vân nhìn chăm chăm theo bóng dáng của chồng. Khi thấy ông Hy đi ra cửa, bà dùng hết sức mình, khó nhọc ngước đầu dậy, đôi mắt bộc lộ sự hoang mang, lo sợ bị bỏ lại một mình. Ông Hy nhìn vợ, mặt buồn so. Gần 4 tháng nay, một mình ông ở bệnh viện chăm sóc vợ, vừa đuối sức, vừa lo lắng đến kiệt quệ.
“Sau ca mổ đầu tiên, bà ấy đã mất hết ý thức, không nói chuyện được, phải ăn qua đường ống, nửa người bên phải bị liệt, tiêu tiểu không tự chủ… Một mình tôi chăm sóc vô cùng khó khăn”. Ông Hy nói nhỏ, rồi bước tới vén chăn cho vợ.
Cách đây gần 4 tháng, sau đợt đau đầu, nôn ói, rồi rơi vào hôn mê, bà Vân được đưa lên bệnh viện tỉnh, bác sĩ nói tình trạng bệnh của bà đã trở nặng, phải chuyển gấp lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến giờ, ông Hy vẫn chưa hết bàng hoàng, nếu đưa đi viện chậm hơn một chút nữa thôi, có lẽ vợ ông sẽ khó mà giữ được tính mạng.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Vân được chẩn đoán vỡ túi phình động mạch não gây tụ máu trong não, phải trải qua 2 lần phẫu thuật mở hộp sọ mới có thể tạm vượt qua nguy hiểm. Hiện tại, vỏ não của bà Vân đang được nuôi cấy chờ ngày sức khỏe hồi phục sẽ tiến hành ca ghép sọ. Thế nhưng, di chứng sau 2 lần phẫu thuật khiến sức khỏe bà còn suy yếu, phải chuyển qua Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp để theo dõi, điều trị nhằm nâng tổng trạng.
Ông Hy chưa từng nghĩ bệnh của vợ mình sẽ kéo dài lâu đến vậy, khiến chi phí vượt quá xa với khả năng của gia đình ông. Gần 4 tháng vợ ông nằm viện, chi phí đã vượt quá 100 triệu đồng, hầu hết trong số ấy là tiền đi vay mượn. Vì vậy, khi nghe bác sĩ nói sẽ chuẩn bị phẫu thuật lần thứ 3 cho bà Vân do não bị ứ dịch, ông lo lắng đến mất ngủ, chật vật gọi điện cầu cứu khắp nơi nhưng không được.
“Ở quê chúng tôi đa phần làm chỉ đủ ăn, đợt dịch bệnh kéo dài khiến cho ai cũng khó khăn cả. Ai có thì cho vay vài ba triệu là quý lắm rồi, giờ vay tiếp họ cũng chẳng còn nữa. Tôi nào có thể trách ai”, ông Hy ngậm ngùi than thở.
Bác sĩ Khoa Thần kinh sọ não cho biết, cùng với ca phẫu thuật đặt ống dẫn lưu, bà Vân vẫn tiếp tục phải theo dõi, dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, giảm ho đàm và nâng tổng trạng sức khỏe.
Bởi mất đi ý thức nên bà Vân vẫn phải ăn qua đường ống, phải có người túc trực chăm sóc 24/24 giờ, vì vậy, ông Hy không thể bỏ mặc bà ở lại để về quê để vay tiền.
Những năm trước, gia đình ông Hy sống dựa vào mảnh vườn trồng cây măng cụt. Nhưng đợt nước mặn năm 2020 khiến cho cả vườn cây chết héo hết cả. Vừa trồng lại lượt cây mới thì bà Vân đổ bệnh, ông Hy phải bỏ vườn lên bệnh viện chăm sóc gần 4 tháng nay.
Vợ chồng ông có 2 con trai. Người con đầu đã có vợ con, cuộc sống khó khăn, phải đi ở trọ, làm công nhân. Còn người con út đi làm mướn. Mấy tháng dịch bệnh hoành hành, các con ông chỉ có thể cầm cự qua ngày, chẳng có đồng dắt túi. Thành ra khi vợ ông đổ bệnh, chỉ có một mình ông xoay sở, gánh vác. Cứ hỏi vay được ai là ông mừng, chưa kịp nghĩ sẽ trả bằng cách nào.
Mấy ngày giáp Tết, con trai cũng nhín ăn gửi phụ cho bố vài đồng, nhưng số tiền ấy còn chưa đủ để mua bỉm, sữa cho mẹ, nói gì đến đóng viện phí vài chục triệu đồng.
Giờ đây, người đàn ông hơn 60 tuổi ấy đã chẳng còn nơi nào để cậy nhờ, vay mượn. Ông tha thiết khẩn mong vào sự hảo tâm của những tấm lòng thơm thảo.