Vườn trong nhà

Trong xu thế đô thị hóa, đất chật người đông và giá cả bất động sản cao đến chóng mặt; thì việc sở hữu một ngôi nhà có sân vườn bao quanh, hay chỉ một khoảng sân vườn nhỏ cũng là điều rất khó khăn với nhiều người. Tuy vậy, mong ước một khoảng xanh gần không gian sống, gần gũi với thiên nhiên là một điều rất tự nhiên và chính đáng, chẳng của riêng ai. Những khoảng xanh ấy đã được kéo vào trong nhà. Đó là sự thích ứng một cách linh hoạt, và cũng tạo nên những giá trị nhất định, tích cực và thú vị trong không gian nội thất.

Khi không còn đất làm vườn

Rất nhiều người vẫn thích vườn, muốn có vườn trong ngôi nhà của mình. Đó có thể là một tình yêu thiên nhiên, yêu màu xanh; có thể là một thói quen, nhu cầu chăm chút, chăm sóc nhà cửa; cũng có thể là để tìm thấy sự cân bằng trong một không gian kiến trúc – nội thất khô cứng bởi những vật liệu công nghiệp… Và vườn đã được đưa vào trong nhà bằng nhiều cách, ở nhiều vị trí, mang nhiều phong cách khác nhau.

Với nhiều kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất, việc đưa vườn gắn liền với không gian nội thất là thủ pháp để làm thiết kế hoàn thiện và hiệu quả thẩm mỹ cao hơn, cùng hiệu ứng tích cực về mặt vi khí hậu trong công trình.

Thời gian gần đây, vườn trong nhà xuất hiện khá nhiều trong các công trình nhà ở gia đình, như một thứ “tiêu chuẩn”, nhu cầu thiết yếu. Điều đó cũng dễ hiểu bởi mức sống càng cao thì nhu cầu về các giá trị vật chất, tinh thần cũng tăng lên. Vườn trong nhà thỏa mãn được nhu cầu đó.

Kiến trúc sư cũng thường chủ động với vấn đề này trong quá trình tư vấn thiết kế. Khi đưa vườn vào nhà, hay muốn có một mảng xanh ngay trong ngôi nhà, nên là một quyết định chắc chắn, có chủ đích ngay từ ban đầu, đồng bộ với việc thiết kế để vườn trong nhà thật sự có ý nghĩa, phát huy được hiệu quả, và có thể tồn tại lâu dài.

Vườn phải được đặt thiết kế ở nơi thông thoáng, có tiếp xúc với môi trường bên ngoài, có ánh sáng tự nhiên, có nắng trực tiếp; vườn phải tạo được những góc nhìn đẹp trong không gian, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ và môi trường. Đồng thời vườn trong nhà cũng phải ở những vị trí dễ dàng tiếp cận để chăm sóc thường xuyên.

Những nơi có thể làm vườn trong nhà

Trong nhà rất nhiều chỗ có thể làm vườn, làm thành những khoảng xanh được. Nhưng nói chung, vườn trong nhà phải cần ở những nơi có ánh sáng, thông thoáng tự nhiên, và có thể đón được ánh nắng.

Vườn trong nhà ít nhiều có khác vườn ngoài trời - đặc biệt là các điều kiện tự nhiên. Vì vậy cần căn cứ vào các đặc điểm cụ thể của vị trí vườn mà lựa chọn kiểu vườn cho thích hợp. Ví dụ cùng là vườn dưới giếng trời ở tầng trệt nhưng ở nhà 2 tầng lầu sẽ khác nhà 4 tầng lầu (giếng trời càng cao thì càng hạn chế ánh sáng ở phía dưới “đáy giếng”, ngoài ra còn phụ thuộc vào độ rộng giếng trời, giếng trời có mái, bán mái hay là hoàn toàn không có mái.

Với những khu vực trong nhà có đủ các điều kiện ánh sáng, thông thoáng như giếng trời rộng, không có mái, đủ khối tích, chiều sâu đất trồng cây… thì hoàn toàn có thể tổ chức vườn như vườn ngoại thất, với cây trồng trực tiếp.

 Vườn được đưa vào nhà để tạo sự cân bằng, để thể hiện tình yêu thiên nhiên.

Vườn được đưa vào nhà để tạo sự cân bằng, để thể hiện tình yêu thiên nhiên.

Với những vườn nằm dưới giếng trời sâu, nên chú ý khai thác ánh sáng theo phương ngang nếu điều kiện thực tế cho phép. Cũng không nhất thiết vườn là phải trồng toàn cây. Có thể thiết kế và sử dụng ở một dạng khác như bể cả cảnh, thác tràn, hoặc đơn giản hơn chỉ là một dạng vườn khô để trang trí. Việc quyết định làm theo hướng nào cần đánh giá điều kiện cụ thể của vị trí vườn, các giải pháp kỹ thuật thích ứng cũng như khả năng vận hành, chăm sóc của người sử dụng.

Những khu vực hiên, logia… cũng có thể tổ chức thành vườn. Ưu điểm của những nơi này là thoáng sáng, song nhược điểm là không đủ đất để trồng cây lớn. Nên khai thác các loại cây hoa, cây leo có thể trồng trong chậu, vừa tăng thẩm mỹ, cảnh quan, vừa có tác dụng chắn nắng, chống nóng.

Sân thượng, mái là các khu vực lý tưởng để làm vườn và cũng có thể coi là vườn trong nhà vì nó nằm hoàn toàn trên diện tích xây dựng. Có ưu thế diện tích rộng hơn nhiều so với các vị trí vườn khác trong nhà, lại ở trên cao nhiều nắng gió; vườn sân thượng, vườn trên mái chống nóng rất tốt, và có thể tổ chức thành những khu vườn thực sự đẹp, kết hợp với các hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí.

Hiện nay, bên cạnh kiểu vườn trải trên mặt bằng truyền thống còn có công nghệ vườn trên mặt đứng, với một hệ thống kỹ thuật riêng biệt (cấu tạo khung, bộ phận chứa đất trồng cây, giống cây, quy trình tưới, chăm sóc…). Công nghệ vườn trên mặt đứng hiện đã có tại nước ta, được ứng dụng thực tế nhưng chưa rộng rãi (một phần do chi phí cao, chăm sóc phức tạp). Giải pháp này có thể đưa mảng xanh vào nhiều nơi trong công trình, với tính linh hoạt rất cao; nhất là đối với những công trình thiếu diện tích hoặc công trình… không có vườn trong nhà, mà muốn cải tạo bổ sung mảng xanh.

Vườn trong nhà, được và mất, dễ và khó

Vườn trong nhà, cho dù hiện nay đã rất phổ biến, thì vẫn là có chút khác thường theo một logic chung, theo cách nhìn thông thường; và vì thế nó cũng có những vấn đề riêng không thể không bận tâm.

Vườn trong nhà, với mục đích chính là để làm cảnh, để làm đẹp; thì hiển nhiên nó là một thành phần quan trọng của nội thất, đòi hỏi tính thẩm mỹ cao (chứ không thể là những bụi cây phát triển tự do như vườn bình thường ở ngoài sân, ngoài trời).

Làm vườn trong nhà, có được và có mất, dễ mà cũng khó…

Cái được của vườn trong nhà là nhiều: đó là tăng giá trị thẩm mỹ nội thất, tạo nên sự sinh động trong không gian, là điểm nhấn thú vị; góp phần tạo nên môi trường vi khí hậu tốt cho môi trường sống.

Gần đây, nhiều người đã tự trồng rau trên những mảnh vườn “tự chế” ở trong nhà (thường là ở sân thượng). Nếu như vườn dạng này được nghiên cứu thiết kế và tổ chức khoa học, bài bản, thì việc này còn hiệu quả hơn rất nhiều.

Việc sở hữu một ngôi nhà có sân vườn bao quanh hoặc một khoảnh vườn nhỏ là mơ ước của nhiều người.

Việc sở hữu một ngôi nhà có sân vườn bao quanh hoặc một khoảnh vườn nhỏ là mơ ước của nhiều người.

Vườn trong nhà cần sự chăm sóc chu đáo, cũng là sự tác động, gây ảnh hưởng tới một thói quen, nếp sống tốt trong việc chăm sóc nhà cửa của những thành viên trong gia đình, nuôi dưỡng một tình yêu thiên nhiên, cây xanh và ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Và làm vườn trong nhà cũng có cái mất, cái khó nhất định. Trước hết, đó là mất một khoảng diện tích nhất định cho việc sử dụng mục đích khác. Trong trường hợp nhà có diện tích nhỏ thì điều đó cũng cần phải cân nhắc. Tiếp theo, đã làm vườn trong nhà là sẽ phức tạp hơn ở một số vấn đề kỹ thuật xây dựng, như các việc xử lý chống thấm, chống úng, cấp thoát nước (nếu như có bể cảnh, mặt nước). Mặc dù vườn trong nhà có quy mô rất nhỏ song việc chăm sóc lại đòi hỏi kỹ hơn, công phu và tỉ mỉ hơn nhiều, nếu muốn cây cối được xanh tươi và vườn luôn đẹp.

Thông thường thì vườn trong nhà sẽ nằm kế bên những không gian sinh hoạt khác, có thể là phòng khách, phòng ăn, thậm chí là phòng ngủ, là những không gian nội thất sạch sẽ. Song vườn thì không thể sạch như vậy được, khi có cành gẫy, lá rụng, thậm chí có thể có côn trùng gây hại… ít nhiều gây ảnh hưởng tới vệ sinh của các không gian kia.

Trong quá trình ở, không thể tránh được những việc phải làm như trồng cây, thay cây, bê chậu, đổ đất… ít nhiều đều gây khó khăn, phiền hà, mất vệ sinh cho không gian chung, lối giao thông, cầu thang trong nhà vốn sạch sẽ – nhất là vị trí vườn ở các tầng lầu, ở sân thượng, trên mái. Với nhiều người, làm vườn hay chăm sóc nhà cửa là một niềm vui, nhưng cũng có người coi là một việc làm miễn cưỡng, không thích thú.

Cuộc sống hiện đại thời công nghiệp luôn gấp gáp, ai cũng thấy không có nhiều thời gian, thì việc chăm sóc vườn cảnh trong nhà cũng có thể là vấn đề không đơn giản…

Vậy nên, một chậu cây nhỏ, một khoảng xanh trong nhà cũng trở nên quý giá.

Vậy nên, một chậu cây nhỏ, một khoảng xanh trong nhà cũng trở nên quý giá.

Làm vườn trong nhà, dù là ở giếng trời, sân thượng hay trên mái…; dù trồng cây cảnh hay trồng rau; ngoài việc có một thiết kế tốt để vườn có thể đẹp, hệ thống kỹ thuật vận hành hiệu quả và an toàn, thì bạn hãy cân nhắc xem mình có đủ thời gian và tình yêu đối với cây trồng, vật nuôi, với thiên nhiên hay không.

Hãy tránh việc làm vườn cảnh, bể cảnh mà không đầu tư thời gian chăm sóc. Bởi nếu thiếu bàn tay chăm sóc, thì chắc chắn bể cảnh sẽ thành ao tù, và rồi vườn cũng sẽ thành vườn xấu, vườn khô, vườn chết…; khi ấy là mất nhiều hơn được!

Bài: KTS Nguyễn Trần Đức Anh - Ảnh: Nguyễn Thời Gian

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/vuon-trong-nha-21440.html