Vướng mắc của nhà đầu tư khi triển khai thu phí không dừng
Do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn từ cơ chế chính sách, sự thiếu đồng bộ trong kết nối thu phí cũng như số lượng phương tiện sử dụng thẻ E-Tag còn ít, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án thu phí không dừng.
Dữ liệu giữa các loại thẻ ETC không đồng bộ
Theo ông Trần Anh Tú - Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), đến nay, VIDIFI đã lắp đặt hệ thống thu phí tự động (ETC) tại 32/62 làn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Kể từ khi hệ thống thu phí ETC đưa vào vận hành đã phát sinh một số vướng mắc, ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông của các phương tiện qua trạm thu phí. Cụ thể, lưu lượng xe sử dụng dịch vụ ETC trên toàn tuyến đường đến nay chỉ đạt trung bình khoảng 15% tổng lưu lượng xe qua các trạm thu phí, trong khi số làn thu phí ETC đã lắp đặt chiếm hơn 50% tổng số làn (32/62 làn). Tỷ lệ xe sử dụng dịch vụ thu phí ETC ít nên dễ dẫn đến ùn tắc tại các trạm thu phí.
Tỷ lệ hỏng lỗi thẻ (xe dán thẻ đủ điều kiện nhưng barie không mở), dán sai quy cách khá nhiều (đặc biệt là các phương tiện dán thẻ Epass của Công ty Cổ phần Giao thông số (VDTC)) dẫn đến thiết bị không đọc được thẻ, phương tiện phải chuyển sang thanh toán làn thu phí 1 dừng (MTC) gây mất ATGT, cản trở việc lưu thông qua các trạm thu phí. Một số phương tiện dán thẻ Epass của VDTC kết nối Viettel Pay thường bị lỗi khi qua các trạm của Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) quản lý do không thể kiểm tra được số dư trong tài khoản giao thông dẫn đến barie không mở. Đường truyền tín hiệu từ trạm thu phí về trung tâm thanh toán của đơn vị cung cấp dịch vụ đôi khi còn chậm, lỗi. Nhiều xe không có thẻ ETC vẫn đi vào làn thu phí ETC nên mất nhiều thời gian để xử lý. Việc phối hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ ETC chưa tốt nên việc xử lý các lỗi về thẻ, phần mềm... chưa kịp thời, gây bức xúc cho khách hàng.
Mặt khác, tốc độ gia tăng phương tiện ngày càng tăng nhanh, trong khi ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ tốc độ, biển báo hiệu, phân làn xe, chưa nắm được lợi ích của việc sử dụng hệ thống ETC nên không sử dụng dịch vụ ETC, gây cản trở giao thông..., từ đó dẫn tới việc ùn tắc giao thông tại trạm thu phí. Nếu những nguyên nhân này khiến nhà đầu tư BOT phải tạm dừng thu phí sẽ tạo ra dư luận không tốt trong xã hội, các phương tiện sẽ cố tình không sử dụng dịch vụ ETC để xếp hàng, gây ùn tắc tại các làn thu phí MTC để tạo sức ép cho nhà đầu tư BOT phải “xả trạm thu phí” là không đúng với chủ trương của Chính phủ.
“Trước những khó khăn, bất cập, để giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí do ít xe sử dụng dịch vụ ETC hoặc xe đã có thẻ ETC nhưng không đảm bảo theo quy định, VIDIFI đề xuất Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN không tạm dừng thu, “xả trạm thu phí” khi nguyên nhân gây ùn tắc tại trạm thu phí là do: ít phương tiện sử dụng dịch vụ ETC (lại phải dành một số làn thu phí ETC), các phương tiện không có thẻ/không đủ tiền trong tài khoản thanh toán vẫn đi vào làn ETC... không phải từ việc quản lý, tổ chức thu phí của nhà đầu tư”, ông Tú nhấn mạnh. Đồng thời, cần tăng cường xử phạt nghiêm đối với các phương tiện không đủ điều kiện đi vào cửa thu phí ETC gây UTGT; yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí điện tử tự động không dừng thực hiện tốt công tác dán thẻ, định danh loại xe... để giảm thiểu các lỗi xảy ra khi lưu thông qua trạm thu phí.
Thay đổi thời gian thu phí
Ông Đinh Hồng Hà - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) cho biết: Theo thiết kế của QL51 mở rộng chỉ cho phép dưới 15.000 lượt xe/ngày đêm nhưng trong năm 2020, lưu lượng xe qua 3 trạm thu phí trên QL51 từ Đồng Nai về Bà Rịa - Vũng Tàu có thời điểm lên đến trên 48.000 lượt, điều này cho thấy áp lực giao thông ở tuyến đường này rất lớn.
Tuy nhiên hiện nay, trong phụ lục hợp đồng BOT giữa Tổng cục ĐBVN và Công ty Cổ phần Đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) ký ngày 27/02/2017, thời gian để chủ đầu tư thu phí hoàn vốn là ngày 12/01/2026 và BVEC được thu thêm 4 năm lợi nhuận, tức là BOT QL51 mở rộng sẽ kết thúc thu phí vào ngày 12/01/2030. Tuy nhiên đến nay, giữa BVEC và các cơ quan liên quan vẫn chưa giải quyết xong các khúc mắc.
Theo đó, dự án BOT mở rộng QL51 dài 73 km do BVEC làm chủ đầu tư với số tiền gần 4.000 tỷ đồng, đưa vào thu phí từ năm 2009. Theo phương án ban đầu, vào năm 2018, khi đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đưa vào sử dụng đã chia lưu lượng xe với QL51 khoảng 60%. Nhưng đến nay, tuyến cao tốc nay chưa triển khai nên lưu lượng xe đi qua QL51 cao hơn phương án tài chính ban đầu.
Khi tính toán lại đầu vào thực tế của dự án dẫn đến thời gian thu phí thay đổi so với ban đầu. Vì vậy, theo tính toán của Bộ GTVT, dự kiến đến năm 2021, thời gian thu phí của dự án này kết thúc, sớm hơn so với kế hoạch gần 10 năm. Điều này dẫn đến việc, Trạm thu phí BOT QL51 sẽ không tiến hành thu phí điện tử không dừng theo Quyết định số 19/2020 ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thời hạn triển khai thu phí điện tử không dừng với trạm BOT trong toàn quốc.
Còn ít phương tiện dùng thẻ E-Tag
Ông Vũ Ngọc Oánh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thừa nhận, việc triển khai thu phí không dừng còn bộc lộ nhiều khó khăn. Trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, hiện nay nhà đầu tư đã bố trí 5 làn thu phí không dừng (ETC), trong đó hướng Ninh Bình đi Hà Nội có 3 làn ETC; hướng Hà Nội đi Ninh Bình được bố trí 2 làn ETC nhưng rất ít xe sử dụng, gây lãng phí. Theo thống kê, làn ETC thường đông xe vào thứ bảy và chủ nhật, còn những ngày thường trong tuần lượng xe tương đối vắng. Làn thu phí thủ công đông hơn làn ETC, tình trạng ùn tắc ở làn thu phí thủ công cũng vì thế mà xảy ra thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, công nghệ nhận diện thẻ trên phương tiện cũng còn hạn chế. Cụ thể, khi tốc độ xe qua trạm càng cao thì khả năng đọc thẻ tự động càng thấp, dễ dẫn đến sự cố như barie không mở hoặc xảy ra va chạm, gây hư hỏng cơ sở hạ tầng trạm thu phí và thiệt hại cho cả tài xế. Khó khăn khác là hiện lưu lượng xe qua trạm là rất lớn, thường dẫn đến ùn tắc, buộc đơn vị phải điều tiết cho các phương tiện chưa đăng ký thẻ đi vào làn không dừng.
Đại diện chủ đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng nêu thực tế, khi triển khai mỗi bên đường 2 làn thu phí tự động không dừng, nhiều chủ xe không dán thẻ E-tag vẫn đi vào làn đường không dừng, gây khó khăn cho điều tiết giao thông....