Vướng mắc trong xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Hà Tĩnh hiện còn 245 trụ sở, tài sản công dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố, chưa hoàn thành xử lý.

Chiều 17/7, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, các đại biểu đưa ra nội dung chất vấn về việc giải quyết các trụ sở, tài sản công, nhất là tài sản dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố. Cử tri đề nghị ngành chức năng chỉ rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới.

Ông Đặng Trần Phong - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân kiến nghị ngành Tài chính cần có phương án giải quyết các trụ sở của cơ quan Trung ương không còn nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, cần có phương án ngắn hạn xử lý tạm thời các trụ sở dôi dư để đảm bảo ANTT, vệ sinh môi trường, cảnh quan.

“Trụ sở sáp nhập xã để hoang, lãng phí thì lãng phí thật, để bò vào thì được còn nếu địa phương cho ai mượn, thuê để quản lý sử dụng ngắn hạn lại vi phạm. Vì vậy, cần mạnh dạn đưa ra chính sách nào phù hợp hơn để tránh lãng phí”, ông Phong bày tỏ.

Tại kỳ họp, ông Trịnh Văn Ngọc – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến thời điểm hiện nay, qua rà soát, tổng số cơ sở nhà đất dôi dư chưa hoàn thành xử lý trên địa bàn toàn tỉnh là 245 cơ sở; trong đó số cơ sở dôi dư thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước quản lý là 11; số cơ sở nhà đất dôi dư thuộc các địa phương quản lý là 234.

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh Trịnh Văn Ngọc trả lời chất vấn.

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh Trịnh Văn Ngọc trả lời chất vấn.

“Các tài sản dôi dư có thể được xử lý, điều chuyển cho các đơn vị sử dụng hoặc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, quá trình xử lý do một số quy định hiện hành còn bất cập như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được điều chỉnh; một số tài sản được nhận định tổ chức bán không khả thi, không có người mua. Ngoài ra, trình tự, thủ tục bán tài sản chưa quy định rõ ràng, nhiều bước; một số cơ sở dôi dư còn bị bỏ sót trong quá trình rà soát nên chậm xử lý số tài sản này”, ông Ngọc cho hay.

Ông Ngọc cũng cho biết, địa phương còn có 35 cơ sở cũ của bộ, ngành Trung ương, tới nay, đã giải quyết xong 15 cơ sở, còn 20 cơ sở chưa được xử lý. Theo quy định, nhà, đất thuộc cơ quan Trung ương phải được đơn vị trình bộ, cơ quan Trung ương chủ quản và Bộ Tài chính hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp nhà đất; UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có trách nhiệm phối hợp và tham gia ý kiến theo đề nghị của các bộ, ngành.

Do vậy, việc xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc nhóm này phụ thuộc phần lớn vào tiến độ phê duyệt phương án và xử lý của các cơ quan Trung ương. Điều này dẫn đến một số cơ sở nhà, đất, mặc dù địa phương đã đôn đốc, phối hợp và có văn bản có ý kiến kịp thời, tuy nhiên vẫn còn chậm trễ trong phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý.

Hàng loạt trụ sở dôi dư, chưa được xử lý sau sáp nhập ở Hà Tĩnh.

Hàng loạt trụ sở dôi dư, chưa được xử lý sau sáp nhập ở Hà Tĩnh.

Thời gian tới, Sở Tài chính sẽ tham mưu thành lập tổ công tác để trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc xử lý đối với các trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp các cơ quan, đơn vị sự nghiệp Nhà nước và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động trong đẩy nhanh tiến độ xử lý các cơ sở nhà đất thuộc phạm vi do địa phương quản lý; rà soát để xây dựng phương án xử lý trình cấp thẩm quyền phê duyệt đối với các cơ sở chưa có phương án xử lý.

Với các cơ sở nhà đất mà hình thức xử lý hiện nay không còn phù hợp thì đề xuất phương án xử lý phù hợp với nhu cầu, hiện trạng và các quy định hiện hành. Trong quá trình chờ phương án xử lý, địa phương chịu trách nhiệm trong chỉnh trang, bảo vệ môi trường, đảm bảo ANTT.

Tại kỳ họp, lãnh đạo Sở Tài chính tiếp tục được chất vấn liên quan tới kết quả giải ngân một số chính sách theo nghị quyết HĐND tỉnh đang đạt thấp; Một số chính sách đã được ban hành nhưng hiệu quả chưa cao; các chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai...

Giám đốc Sở Tài chính nói rằng sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, rà soát bộ thủ tục, phối hợp các ngành liên quan lồng ghép quy định mới để từng bước tháo gỡ khó khăn; rà soát xây dựng phương án từng hồ sơ xử lý vướng mắc và có lộ trình hằng năm.

Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII diễn ra trong 2 ngày 17-18/7.

Phạm Trường

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vuong-mac-trong-xu-ly-tai-san-doi-du-sau-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-o-ha-tinh-post1655837.tpo