'Vương quốc' chè Shan dưới đỉnh cao mây ngủ
Bắt đầu vào vụ chè Thu, chúng tôi thực hiện chuyến khảo sát vùng chè hữu cơ trên dãy Tây Côn Lĩnh và Chiêu Lầu Thi - vùng nguyên liệu chè Shan tuyết lớn nhất, nắm giữ hơn 80% diện tích chè Shan tuyết trên cả nước, Hà Giang có một vị trí đặc biệt trên bản đồ chè Việt. Dưới sương mờ của hai đỉnh Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi là bạt ngàn chè Shan và những giống chè đặc hữu như chè Móng rồng, Bạch tiên… khiến cho sản phẩm của ngành chè Hà Giang phong phú bậc nhất.
Mỗi ngọn núi trong dãy Tây Côn Lĩnh là một “giang sơn” riêng, đem lại hương vị riêng biệt cho mỗi vùng chè. Từ hương cốm, hương hoa lan, hương trái cây… cho đến những hương vị khác mà không ở đâu có được. Những vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ quanh đỉnh Tây Côn Lĩnh có thể kể ra như: Cao Bồ, Thượng Sơn, Xín Chải, Thanh Thủy (Vị Xuyên), Phương Độ, Phương Thiện (thành phố Hà Giang) Thông Nguyên, Nậm Ty, Hồ Thầu (Hoàng Su Phì)…
Mở đầu cho chặng đường khám phá chè rừng Hà Giang chúng tôi đến xã Hồ Thầu, nằm dưới đỉnh Chiêu Lầu Thi, nơi có chè Bạch tiên và Móng rồng, là hai danh chè đặc biệt của núi rừng Hà Giang đã được giới trà đạo trên thế giới công nhận.
Với độ cao 2.402 m, sánh đôi cùng đỉnh Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi là “nóc nhà” thứ hai của vùng Đông Bắc Việt Nam. Chiêu Lầu Thi có thời tiết biến đổi mạnh mẽ theo thời gian trong ngày, có lúc lạnh thấu xương, khi khác lại nóng cháy da. Chính vì những điều kiện ấy mà các rừng chè dưới đỉnh Chiêu Lầu Thi ở độ cao 1.700 m so với mực nước biển, tạo thành những giống chè riêng, với hương vị đặc sắc mà không ở đâu có được. Các vùng nguyên liệu lớn dưới đỉnh cao này có thể kể đến như Hồ Thầu, Nàng Đôn (Hoàng Su Phì), Quảng Nguyên, Trung Thịnh (Xín Mần)…
Dưới ngọn núi kỳ vĩ quanh năm mây phủ này có hai loại chè đặc biệt nhất Việt Nam đó là Bạch tiên và Móng rồng. Chè Bạch tiên có đặc trưng là những chiếc lá non màu đỏ tím, búp to, dài, nhiều lông tuyết và hàm lượng cafein rất thấp. Đây là giống chè hiếm có trên thế giới, chỉ mọc trong tự nhiên ở những nơi có điều kiện thời tiết đặc biệt. Chính vì nằm ở nơi hiểm địa, lại có thân cao lớn, việc thu hái chè Bạch tiên cũng vô cùng gian nan, bà con quanh vùng mỗi lần hái chè phải mất cả ngày leo rừng, uống nước suối. Vì thân chè quá cao, nên việc leo đến những cành non có búp lá cũng thật nhiều rủi ro. Những búp chè trên các tán cao nhất gần như không thể thu hái. Chè Móng rồng là một biến thể mới lạ, được biết đến và hiện nay vẫn chưa có những công trình nghiên cứu cụ thể. Cây chè Móng rồng cao chừng 2 – 2,5 m lá nhỏ, ít răng cưa hơn lá của các giống chè thông thường, tán cây xòe rộng, hơi rũ, lá non có màu ngả vàng.
Xen giữa những cây chè Shan tuyết cổ thụ, hai giống chè quý này trước kia không hề được biết đến bởi hình dạng khác biệt của cây và lá nhưng giờ đây 2 loại chè này đang có giá thành cao nhất trên thị trường.
Ẩn dưới tán rừng Tây Côn Lĩnh là nơi sinh trưởng của chè rừng, với những vùng chè có độ cao từ 800 – 1.700 m so với mực nước biển. Theo các nghiên cứu khoa học, lông tuyết trên búp chè được sản sinh do thời tiết khắc nghiệt và sự tương quan nhiệt lượng ngày đêm. Cây chè phải phát triển lông tuyết để tăng cường quang hợp. Bởi thế chè Shan tuyết mang những hợp chất riêng khiến những búp chè luôn đậm đà hương vị, ngọt hậu và uống được nhiều tuần trà. Trong cuốn sách Cây chè Việt Nam của 2 tác giả Đỗ Ngọc Quỹ và Nguyễn Kim Phong nhận định: Chè Shan tuyết có búp to và dài hơn các loại chè khác, búp non có một lớp lông mịn trắng như tuyết bao phủ, đây là nguyên liệu được đánh giá rất cao ở các nước tây Âu, còn được ví như “búp vàng, búp bạc”.
Đến với vùng chè Cao Bồ trong một ngày sau mưa chúng tôi được dẫn đến thôn Tham Vè, với khoảng 200 ha chè mọc ở độ từ 800 – 1.100 m, xen giữa các khu trồng quế, Thảo quả cũng như những nương ruộng bậc thang của đồng bào Dao áo dài. Những cây chè cổ thụ ở đây có lá nhỏ, búp xanh sẫm hơi ngả hồng, tán cây vươn dài, thân thấp, to và chắc. Cây không mọc tập trung, mà phân bố giữa các tán rừng và những loài cây khác thành một khu vực rộng lớn. Từ bao đời, đồng bào người Dao đã khai thác những cây chè cổ thụ vừa làm thức uống hằng ngày, vừa tăng thêm thu nhập. Qua tác động của con người, cây chè ngày nay có cành thấp, vươn dài tựa bàn tay đang xòe. Phương pháp thu hái truyền thống của đồng bào không bón phân, không sử dụng thuốc trừ sâu giúp những búp chè vẫn giữ được trọn vẹn hương vị và chất lượng. Chè Cao Bồ đã được chứng nhận vùng hữu cơ và đây là vùng nguyên liệu có giá trị cao nhất cả tỉnh, mỗi kg chè búp 1 tôm, 2 lá có giá dao động từ 30 – 50 ngàn đồng.
Băng qua những dãy núi nhấp nhô bằng những con đường độc đạo cheo leo, chúng tôi đến xã Thượng Sơn. Trên đường đi, giữa những cánh rừng già nguyên sinh, chúng tôi thấy bóng chè cổ thụ. Từ những cây chè đơn độc đứng chung nhau qua bao thế kỷ, đã tạo nên vùng chè rừng Thượng Sơn. Thượng Sơn có 12 thôn, bản; nhưng rừng chè ở Bó Đướt, Đán Khao là nổi bật hơn cả về số lượng lẫn chất lượng. Chè Shan tuyết Bó Đướt, Đán Khao từ lâu được ví là chè ướp mây mang hương vị đặc biệt, chút đắng chát và ngọt hậu nhè nhẹ do khí hậu ít nắng và quanh năm mây phủ. Chè Đán Khao gắn với ông Cốc Riêu Ngấn, một nghệ nhân người dân tộc Cờ Lao đã có hơn 20 năm làm chè. Trong ngôi nhà nhỏ, dưới ánh đèn điện leo lét, ông Ngấn và các con cần mẫn làm ra những mẻ chè Shan tuyết mang hương vị của núi rừng và mây gió. Rời vùng chè Vị Xuyên, tìm đến xã Phương Độ, một trong những cái nôi sản xuất chè ở Hà Giang với địa danh trạm chè và ngày nay là nơi tập trung của 5 xưởng sản xuất quy mô và hiện đại nhất nhì tỉnh. Phương Độ là một trong những vùng nguyên liệu chè sạch nằm dưới chân núi Tây Côn Lĩnh, với hơn 192 ha chè Shan tuyết sinh trưởng tự nhiên. Chè xanh là sản phẩm đặc trưng của bà con nơi đây, được chế biến gần như hoàn toàn thủ công với kỹ thuật tốt được nhiều người biết đến.
Hành trình khám phá vùng nguyên liệu chè Shan tuyết của Hà Giang là một trải nghiệm đáng nhớ với bất kỳ ai. Cây chè Shan tuyết giờ đã trở thành nguồn sinh kế của bà con. Với sự phát triển đa dạng sản phẩm và những định hướng lâu dài cho một vùng nguyên liệu sạch, tin rằng “thủ phủ” chè Shan tuyết Hà Giang sẽ là một điểm nhấn đặc biệt trên bản đồ ngành chè cả nước.
Bài, ảnh: TRỌNG TOAN