'Vương quốc' một thời của hổ Đông Dương

Tuyến biên giới các tỉnh Tây Nguyên hiện có 2 Vườn Quốc gia Chư Mo Ray thuộc tỉnh Kon Tum và Yook Đôn thuộc tỉnh Đắk Lắk. Thuở hồng hoang cho đến những năm cuối thế kỷ XX, nơi đây hiện hữu những cánh rừng đại ngàn với sự đa dạng, phong phú hệ động thực vật.

“Chúa sơn lâm” giờ đây ngày càng “vắng bóng” trên những cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên. Ảnh: internet

“Chúa sơn lâm” giờ đây ngày càng “vắng bóng” trên những cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên. Ảnh: internet

Thiên nhiên luôn có sự liên hệ mật thiết với nhau: Khi cỏ cây hoa lá phát triển thì muôn thú cũng sẽ sinh sôi và sự hiện diện của những loài thú ăn thịt là lẽ tự nhiên trong chuỗi cân bằng hệ sinh thái. Với sự sắp đặt ấy, Chư Mo Ray và Yook Đôn một thời được mệnh danh là “vương quốc” của loài hổ Đông Dương…

"Đụng độ" chúa sơn lâm

Trải rộng trên biên giới, vào những năm cuối thế kỷ XX trở về trước, cả Chư Mo Ray và Yook Đôn đều được phủ kín bởi những rừng nguyên sinh, riêng khu vực “vùng lõi” Vườn quốc gia thì tuyệt nhiên không một dấu chân người. Ở chốn thâm sơn cùng cốc ấy, ngoài các đồn Biên phòng (BP) làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia “đếm chưa đủ” trên đầu ngón tay thì “năm thì mười họa” mới có nhóm thợ tìm trầm bén mảng vào đây để thử vận may. Tuy nhiên, cũng phải “to gan” lắm, đám này mới dám đặt cược với tính mạng của mình, bởi chỉ cần sơ sẩy một chút thôi như lạc đường, ngã vực, hoặc bị thú dữ tấn công… là coi như hết đường về quê mẹ.

Sống trong điều kiện như thế, chuyện ra đường gặp… hổ đối với lính BP diễn ra khá thường xuyên. Song, có một điều rất lạ là chưa một ai bị “chúa sơn lâm” tấn công gây thương tích nặng, ngoại trừ những cuộc đụng độ ngoài ý muốn mà kết quả thì thường là từ thắng đến… hòa dành cho con người.

Đại tá Quách Dũng, Giám đốc Công ty Bảo vệ Biên cương (nguyên Chủ nhiệm Hậu cần, BĐBP Đắk Lắk) nhớ lại câu chuyện xảy ra cách đây gần 40 năm, ngày anh vừa tốt nghiệp sĩ quan BP ra trường được điều động về nhận công tác ở Đồn BP Sê Rê Pốk, nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Yook Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Hôm đó, Đội trưởng Vũ trang Quách Dũng dẫn một chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên biên giới. Hai người đang vừa đi, vừa trò chuyện thì bỗng nhiên xuất hiện một con hổ trưởng thành từ phía xa lao tới tấn công. Nhanh như cắt, chàng sĩ quan BP kéo anh lính trẻ nép vào gốc cây rồi giương khẩu AK lên siết cò. Loạt đạn đi đúng đích và “ông ba mươi” chỉ kịp gầm lên một tiếng rồi đổ gục…

“Quá may mắn. Lúc đó, tôi chỉ bắn theo phản xạ tự nhiên thôi. Nếu con hổ chỉ bị thương thì chúng tôi sẽ phải bỏ mạng. Sau này, nghe những thợ săn kinh nghiệm nói chuyện, tôi mới biết, con hổ đó không chủ định bắt mồi nên tốc độ tiếp cận mục tiêu của nó không quá nhanh và mình vẫn kịp trở tay” - cựu chiến binh BP Quách Dũng bồi hồi nhớ lại.

Sống chung với... hổ

Giữa đại ngàn biên giới, con người phải biết cách sống chung với… hổ. Nằm gần khu trung tâm Vườn quốc gia Chư Mo Ray (hiện tại thuộc vùng dự án trồng cao su của Công ty 78, Binh đoàn 15) có một con suối nước nóng rất giàu khoáng chất. Đây là “điểm hẹn” của rất nhiều loài động vật, đêm đến tập trung về đây để bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng, nên người dân bản địa gọi đó là bãi thú. Trong số này không thể không nhắc đến những loài thú ăn thịt, nhất là hổ Đông Dương, thi thoảng lại “ghé thăm” để được lấp đầy bụng đói. Cả một cánh rừng chen chúc, dưới đất là heo rừng, hươu, nai, hoẵng, trên cây là chim chóc tạo nên “bản nhạc rừng” cực kỳ sinh động. Tuy nhiên, khi “ông ba mươi” xuất hiện là ngay lập tức không gian im bặt, nhường lại “sàn diễn” cho “chúa sơn lâm”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, BĐBP Đắk Lắk tuần tra biên giới nơi vùng lõi Vườn Quốc gia Yook Đôn. Ảnh: Thái Kim Nga

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, BĐBP Đắk Lắk tuần tra biên giới nơi vùng lõi Vườn Quốc gia Yook Đôn. Ảnh: Thái Kim Nga

Ông A Blong, già làng Le Rơ Mâm, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) cho biết: “Ngày trước, người dân vùng biên giới Mo Rai luôn phải “kín rào cao cổng” đề phòng hổ tấn công. Mặc dù vậy, năm nào cũng có trường hợp bị hổ “hỏi thăm” khi một mình vào rừng săn bắn hoặc đi làm nương, làm rẫy. Thỉnh thoảng, hổ cũng mò vào nhà dân, già làng đánh trống, thanh niên tập trung đốt lửa xua đuổi. Làng mình có ông A Blé, nguyên là Xã đội trưởng (đã qua đời) hạ được mấy con hổ khi nó mò vào nhà dân rình bắt gia súc”. Cũng theo lời già làng A Blong, cộng đồng người Rơ Mâm, Xê Đăng, Giẻ Triêng nơi vùng Bắc Tây Nguyên vốn rất đề cao loài hổ, những lần triệt hạ “chúa sơn lâm” cũng chỉ là bất đắc dĩ để bảo vệ tính mạng con người.

Sống và công tác giữa Vườn quốc gia Chư Mo Ray, các Đồn BP Mo Rai, Rờ Kơi, Ia Dom (BĐBP Kon Tum) thi thoảng cũng phải miễn cưỡng đón những vị khách không mời đến từ miền sơn cước. Mặc dù khu vực chăn nuôi của các đơn vị lúc bấy giờ đều được quây kín bằng dây thép gai, song chỉ cần một cái bật nhảy nhẹ nhàng, sau đó là tiếng bò, heo kêu rống là y như rằng một con gia súc nặng cả trăm kilogam bị hổ “ôm” chạy vào rừng. Có hôm bị truy đuổi gắt gao, con bò đực giống của đồn lại quá khổ nên “chúa sơn lâm” phải “bỏ của chạy lấy người”.

Thay cho lời kết

Loài hổ Đông Dương giờ đây đang ngày càng “vắng bóng” trên những cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên. Đó là thực tế cần được nhìn nhận khách quan, bởi những tác động cả tiêu cực lẫn tích cực của con người.

Bỏ qua những tác động tiêu cực do nạn săn bắn, tận diệt loài thú quý hiếm này thì các yếu tố kinh tế - xã hội đôi khi lại là nguyên nhân chính khiến cho môi trường sống của hổ bị thu hẹp. Hiện tại, ngoài vùng lõi của Vườn quốc gia thì nhiều khu vực thuộc vùng đệm của cả Yook Đôn và Chư Mo Ray đã có nhiều khu dân cư mọc lên theo đúng quy luật của sự phát triển. Sự hiện diện của con người cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện, công cụ sản xuất... khiến cho môi trường sống của các loài động vật hoang dã vừa bị thu hẹp, vừa suy giảm yếu tố sinh tồn. Chính vì lẽ đó, để giải bài toán bảo tồn loài hổ, phép tính đầu tiên của cơ quan chức năng tại 2 Vườn Quốc gia Yook Đôn và Chư Mo Ray phải làm đó là khoanh vùng nghiêm ngặt và khảo sát đánh giá nguồn thức ăn ngoài tự nhiên (nếu thiếu thì phải bổ sung) trước khi thả một cá thể hổ về rừng. Nói rộng hơn, đối với những vườn quốc gia đã được quy hoạch, cần phải “đóng cửa” rừng hoàn toàn, bởi muốn “giữ chân” loài hổ thì không thể không bảo tồn hệ động thực vật tự nhiên.

Cẩm Xuyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quotvuong-quocquot-mot-thoi-cua-ho-dong-duong-post447470.html