Vướng quy định đấu thầu, học sinh miền núi Quảng Nam chưa được uống sữa

Vướng quy định đấu thầu, học sinh các huyện miền núi Quảng Nam chưa được uống sữa năm học 2022-2023 từ Chương trình sữa học đường.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành báo cáo trả lời ý kiến cử tri sau kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa X. Theo đó, báo cáo đã thông tin về việc triển khai Chương trình Sữa học đường theo Nghị quyết số 17 ngày 20-7-2022 của HĐND tỉnh.

Trước đó, cử tri thắc mắc vì sao Chương trình sữa học đường trong năm học 2022-2023 chậm triển khai, dẫn đến việc năm học đã kết thúc mà học sinh chưa được uống sữa.

Văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam cho hay nội dung này đã được UBND tỉnh tổ chức họp và chỉ đạo cụ thể.

Sắp kết thúc năm học 2022-2023, nhiều học sinh miền núi Quảng Nam vẫn chưa được uống sữa từ Chương trình sữa học đường. Ảnh: TN

Sắp kết thúc năm học 2022-2023, nhiều học sinh miền núi Quảng Nam vẫn chưa được uống sữa từ Chương trình sữa học đường. Ảnh: TN

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo rút kinh nghiệm nghiêm túc, báo cáo giải trình, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc chậm trễ triển khai thực hiện chương trình, trình UBND tỉnh để báo cáo Thường trực HĐND tỉnh về tiến độ triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh và giải trình các nội dung liên quan.

Cạnh đó, khẩn trương thực hiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để triển khai kịp thời việc cấp phát sữa cho học sinh ngay từ đầu năm học 2023-2024.

Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xây dựng hợp đồng của Sở với đơn vị cung ứng đảm bảo chặt chẽ, trong đó thực hiện việc thanh toán kinh phí theo học kỳ năm học và số liệu thực tế thực hiện. Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương giám sát, triển khai Chương trình sữa học đường.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam Thái Viết Tường, cho hay trước đây, Chính phủ có Chương trình sữa học đường, Bộ Y tế có Thông tư 31 quy định tiêu chuẩn sữa dùng trong học đường.

“Khi Chính phủ hết thực hiện chương trình này, Thông tư 31 cũng bị hủy nên hiện nay đang bí, chưa biết dùng tiêu chuẩn gì để đưa vào hồ sơ mời thầu, đấu thầu”, ông Tường nói.

Theo ông Tường, một nguyên nhân khác là vì từ trước tới nay, năm học bắt đầu từ tháng 9 năm nay đến tháng 5 năm sau, nhưng giao ngân sách cho sữa học đường giao theo năm tài chính từ tháng 1 đến tháng 12 hàng năm. Vì vậy, khi triển khai chương trình gặp vướng mắc.

“Vừa rồi, Sở tham mưu cho UBND tỉnh sửa lại cơ chế mua sữa cho các trường từ tháng 9 năm nay đến cuối tháng 5 năm sau để phù hợp với thời gian năm học. Không mua sữa theo năm tài chính như từ trước đến nay vì làm học sinh mất ít nhất ba tháng uống sữa học đường”, ông Tường nói.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, vừa qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và Sở Y tế cùng ngồi lại bàn bạc nhưng vẫn không tìm ra quy chuẩn. “Sở Y tế nói rằng sữa học đường do Bộ Công thương quản lý chứ không phải Bộ Y tế, cho nên vừa qua tôi tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương họp với các ngành liên quan để tìm ra quy chuẩn sữa học đường để đấu thầu”, ông Tường nói thêm.

Chương trình sữa học đường theo Nghị quyết 17 HĐND tỉnh Quảng Nam là chương trình nhân văn, thiết thực đối với học sinh các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tăng thêm nguồn dinh dưỡng hợp lý, an toàn, lành mạnh góp phần cho sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh. Tuy nhiên, việc tham mưu triển khai thực hiện Chương trình sữa học đường của Sở Giáo dục và Đào tạo còn chậm trễ, chưa thực hiện được trong năm học 2022-2023.

THANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/vuong-quy-dinh-dau-thau-hoc-sinh-mien-nui-quang-nam-chua-duoc-uong-sua-post734420.html