Vượt 1.000 ca mắc COVID-19, Bình Dương mở rộng khu cách ly, điều trị
Tính đến trưa 8/7, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã ghi nhận vượt 1.000 ca mắc COVID-19. Điều đáng quan tâm, nhiều ổ dịch tại các doanh nghiệp đông người lao động vẫn phát sinh thêm các ca nhiễm mới. Dịch cũng đã lan đến cả khu vực nông thôn, trong đó có huyện Dầu Tiếng.
Lũy kế đến nay, Bình Dương đã có 1.044 ca mắc COVID-19 (gồm: 32 công dân Việt Nam từ nước ngoài về, 7 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh và hơn 1.000 ca lây nhiễm trong cộng đồng).
Trước tình hình trên, ngày 8/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà đã ký Công văn số 3081/UBND-VX về việc chỉ đạo tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Bình Dương yêu cầu giám đốc; thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 22/06/2021.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ COVID-19 cộng đồng, Tổ An toàn COVID-19 trong công tác giám sát dịch tại khu dân cư và doanh nghiệp; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc đối với người đến từ vùng dịch theo quy định; xây dựng phương án mở rộng thêm các khu cách ly tập trung (theo kế hoạch đáp ứng 20.000, 30.000 giường) để chủ động đáp ứng kịp thời yêu cầu tiếp nhận người cần đưa đi cách ly tập trung.
Trước mắt, tỉnh giao ngành y tế chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất cần thiết để đưa vào hoạt động khu cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Y tế tỉnh; chịu trách nhiệm chính điều phối toàn bộ các trường hợp phải đưa đi cách ly tập trung trên toàn tỉnh đảm bảo kịp thời, phù hợp, đúng quy định để ứng phó với tình hình thực tế.
Tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẩn trương chỉ đạo, thực hiện các công tác cần thiết để đưa ngay 7 khu điều trị vừa được thành lập vào hoạt động, phục vụ kịp thời công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, với tổng số 1.340 giường bệnh.
Bên cạnh đó, ngành chức năng khảo sát tận dụng thêm cơ sở của Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để sử dụng cơ sở vật chất thành lập thêm các khu điều trị tại Khu A, Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Quốc tế Miền Đông.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh huy động các lực lượng để lập thêm các trạm, chốt, tổ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những đối tượng thuộc diện nguy cơ cao vào Bình Dương và ngăn chặn dịch lây lan từ các thành phố, thị xã phía Nam lên những huyện phía Bắc; chủ động rà soát các cơ sở tạm giam, tạm giữ để kịp thời củng cố, khắc phục những bất cập nhằm quản lý chặt chẽ, an toàn, không để dịch lan vào các cơ sở này.
Ngoài ra, tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải căn cứ hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải để phối hợp với các tỉnh, thành, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và những cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết vấn đề phát sinh về quản lý các phương tiện, phân luồng vận chuyển, sử dụng kết quả xét nghiệm COVID-19; đảm bảo vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất, chuyên gia liên tỉnh và nội tỉnh...