Vượt đại dịch Covid-19, Du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến ngành Du lịch Việt Nam gần như đóng băng, hàng triệu lao động mất việc làm.
Từ giữa tháng 3 năm nay, khi Chính phủ chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch, cùng với cả nước, Chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch tại miền Trung đã nỗ lực vượt khó, khôi phục mạnh mẽ các hoạt động du lịch. Thành công của Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022 tạo nền tảng để lấy đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp không khói.
Di sản Văn hóa Thế giới Hội An, tỉnh Quảng Nam những ngày cuối năm, trên các tuyến phố cổ rất đông du khách quốc tế. Nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ thêm sôi động. Khó ai hình dung, một năm trước đây, phố cổ Hội An đìu hiu, vắng vẻ. Thành phố có đến 2/3 dân số làm việc trong lĩnh vực du lịch đã trải qua hơn 2 năm lao đao, cuộc sống người dân bị đảo lộn bởi đại dịch Covid-19. Giờ đây, Hội An đã khôi phục lại hình ảnh của một thành phố du lịch, như chưa từng có “cơn bão đại dịch” nào quét qua nơi đây.
Chị Nguyễn Thanh Tâm, chủ Biệt thự An, thành phố Hội An tất bật chuẩn bị chương trình đón khách du lịch dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán Quý Mão. Theo chị Nguyễn Thanh Tâm, khoảng thời gian khó khăn trong 2 năm qua đã giúp người làm du lịch tại Hội An thích ứng và tự làm mới mình để tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững, theo đuổi cách làm du lịch xanh. Dù Bộ Tiêu chí Du lịch xanh mới được tỉnh Quảng Nam ban hành vào tháng 3 năm nay nhưng thực tế, rất nhiều cơ sở kinh doanh du lịch tại Hội An đã thực hiện các tiêu chí này từ rất lâu. Cụ thể như nói không với rác thải nhựa, hạn chế dùng bao bì, hộp nhựa một lần, làm du lịch thân thiện với môi trường. Chị Nguyễn Thanh Tâm cho biết, ban đầu nhân viên phục vụ và cả du khách đều lạ lẫm, nhiều người không đồng tình nhưng nhờ kiên trì thực hiện nên giờ đây trở thành thói quen.
Chị Tâm nói: “Xu thế mới bây giờ của khách nước ngoài và các bạn trẻ Việt Nam đều có ý thức rất cao về bảo vệ môi trường. Khi họ nhận thấy mình đã theo đuổi được con đường này thì họ rất ủng hộ. Họ chia sẻ cho nhau và cùng giới thiệu trên mạng xã hội. Nhờ đó mà mình cảm thấy được động viên, khuyến khích hơn khi theo đuổi mô hình du lịch xanh.”
Hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến 42.000 lao động trong lĩnh vực du lịch tại thành phố Đà Nẵng mất việc làm. Con số này tại 2 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam dao động từ 14.000 đến 18.000 lao động. Tuy nhiên, sau khi mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, tỉnh Quảng Nam đã đón 4,8 triệu lượt khách du lịch và tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 3.800 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 16.000 lao động. Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết, dù khó khăn nhưng đơn vị đã nỗ lực giữ chân 125 lao động làm việc. Khi mở cửa trở lại, Mỹ Sơn đã đón hơn 105.000 lượt khách du lịch, tăng hơn 110% so với kế hoạch năm 2022.
Ông Phan Hộ nói: “Trong suốt thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi không có khoản thu nhập nào. Đối với một đơn vị tự chủ hoàn toàn về tài chính là rất khó khăn. Chúng tôi động viên lực lượng cán bộ, người lao động, đồng thời sử dụng nguồn quỹ dự phòng để trang trãi mức lương tối thiệu cho họ. Đội ngũ cán bộ, người lao động tin tưởng vào đơn vị và họ cùng nỗ lực để vượt qua khó khăn.”
Việt Nam nằm trong danh sách những nước mở cửa sớm nhất khu vực và được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá là có chính sách mở cửa cởi mở nhất. Năm 2022, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung chủ động tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế; triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, truyền thông đến các thị trường Châu Âu, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, từng bước khôi phục các đường bay quốc tế. Tại thành phố Đà Nẵng, liên tục các đường bay Quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng được khai trương, nối lại sau thời gian gián đoạn đã kết nối thị trường khách quốc tế. Ông Don NeZ Jac Ques, Quốc tịch Bỉ rất ấn tượng vì được đón tiếp nồng hậu khi đến tham quan Đà Nẵng.
Ông Don NeZ Jac Ques cho biết: “Tôi đến Việt Nam cũng nhiều lần. Những nơi tôi đến như Hà Nội,TP Hồ Chí Minh đều rất đẹp, rất hấp dẫn, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến Đà Nẵng. Tôi rất vui vì được tiếp đón nồng hậu. Tôi đã được nghe nói nhiều về thành phố biển này, một số điểm đến như Cầu Vàng ở Bà Nà, phố cổ Hội An. Tôi háo hức chờ đơi để được đến đó khám phá, tham quan trải nghiệm, nhất là sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, rất thoải mái.”
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt. Một trong những giải pháp quan trọng để thu hút khách quốc tế là tiếp tục làm mới điểm đến, đẩy mạnh liên kết du lịch với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Thiên nhiên ban tặng cho các địa phương ở miền Trung những bờ biển đẹp, nhiều vườn quốc gia, khu Bảo tồn thiên nhiên, nhiều khu du lịch sinh thái đa dạng. Khu vực này còn sở hữu nhiều Di sản Văn hóa, Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm du lịch của các địa phương này đều giống nhau, chưa tạo ra bản sắc riêng để thu hút khách du lịch. Trong nỗ lực phục hồi du lịch, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tiếp tục xây dựng kế hoạch liên kết với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy phát triển du lịch. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, liên kết phát triển du lịch là xu thế tất yếu, không chỉ giúp các địa phương phát huy được lợi thế riêng mà còn khai thác những giá trị chung về tài nguyên, di sản văn hóa trong khu vực, góp phần thúc đẩy.000h du lịch phát triển bền vững.
Ông Thanh nói:“Chúng tôi đã xây dựng các gói sản phẩm dựa vào thiên nhiên, khai thác những giá trị mà thiên nhiên ban tặng cho Quảng Nam cũng như giá trị về văn hóa, vùng đất, con người mà Quảng Nam có nhiều ưu thế. Đồng thời cũng sẽ liên kết với các địa phương khác trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung gắn kết và xây dựng những gói sản phẩm phù hợp để quảng bá gói sản phẩm du lịch xanh ra bạn bè quốc tế.”
Về câu chuyện liên kết trong phát triển du lịch, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, liên kết phát triển du lịch cần được xây dựng một cách bài bản trong xu thế cùng nhau phát triển để tạo nên hình ảnh mới cho du lịch Việt Nam.
“Du lịch là kết nối, Đà Nẵng phải kết nối với Quảng Nam, với các tỉnh khác trong khu vực, nhưng đồng thời phải kết nối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Nên tính toán thêm phương án kết nối sâu hơn nữa với các tỉnh Tây Nguyên, tạo ra sản phẩm du lịch liên vùng, đặc sắc", ông Thủy nói.
Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương, Du lịch Việt Nam đã nhận được 16 giải thưởng du lịch, tiếp tục khẳng định thương hiệu, vai trò và vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực và toàn thế giới. Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, việc tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022 đã mang lại hiệu quả cao trong việc thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, tạo nên bức tranh đầy màu sắc và hấp dẫn của ngành du lịch Việt Nam khi khép lại hoạt động du lịch năm 2022.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nói: "Thông qua các sự kiện, hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2022 đã nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân về vai trò của du lịch trong phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, phát huy vai trò của cộng đồng là chủ thể tham gia du lịch. Năm Du lịch quốc gia cũng là cơ hội để các địa phương, điểm đến phát huy, quảng bá các nét đẹp văn hóa, các lễ hội và di sản, đầu tư phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch đa dạng, hấp dẫn với chất lượng tốt… Các hoạt động văn hóa, du lịch hướng đến “xanh”, bền vững được phát huy hiệu quả".