Vượt gian khó, giữ trọn niềm tin nơi phên giậu Tổ quốc
Không nhà công vụ, không phòng làm việc cơ bản, hạn chế cả điều kiện sinh hoạt và thiết bị làm việc... Dù thiếu thốn đủ bề sau thành lập mới, cán bộ các xã vùng biên tỉnh ta vẫn nỗ lực vượt khó, duy trì hoạt động chính quyền hiệu quả, gần dân.
Cán bộ “ba không”, chính quyền “trăm việc”
“Ba không”: Không nhà công vụ, không phòng làm việc đủ điều kiện cơ bản, không đồ dùng, trang thiết bị đáp ứng là miêu tả thực chất tại xã Sín Thầu. Sín Thầu là xã biên giới cực Tây Tổ quốc, thành lập mới trên cơ sở sáp nhập 3 xã cũ: Sín Thầu, Sen Thượng và Leng Su Sìn. Sau sáp nhập, Sín Thầu trở thành xã có diện tích lớn nhất tỉnh (trên 516km2) và xa trung tâm hành chính tỉnh nhất (hơn 230km đường bộ). Với địa bàn rộng, 21 bản, hơn 6.100 nhân khẩu của 4 dân tộc cùng sinh sống, tiếp giáp 2 nước: Lào, Trung Quốc, cấp ủy, chính quyền xã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về quản lý, phục vụ dân sinh và đảm bảo an ninh biên giới.

Phòng làm việc chật hẹp được ngăn vách trong nhà văn hóa cũ của xã Sín Thầu.
Mới đi vào hoạt động, cơ sở vật chất của xã chưa kịp đầu tư đồng bộ. Gần 100 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách của xã đang phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn. Ngoài trụ sở cũ, xã sử dụng nhà văn hóa, lắp vách tạm để ngăn thành 7 gian nhỏ, bố trí làm việc cho hơn 50 cán bộ các phòng, ban. Mỗi khi cần tổ chức hội nghị từ 25 người trở lên, xã phải mượn nhà thi đấu đa năng của trường học để sử dụng.
Không chỉ khó về nơi làm việc, vấn đề nơi ở càng nan giải. Do xã chưa có nhà công vụ, hơn 60 cán bộ mỗi ngày phải di chuyển từ 18 - 30km từ nơi cư trú đến nơi làm việc. Khu vực xung quanh trụ sở cũng không có nhà dân cho thuê. Buổi trưa, phần lớn cán bộ phải ngả lưng tạm ngay tại phòng làm việc.
Anh Lưu Bá Thượng, cán bộ Văn phòng HĐND và UBND xã Sín Thầu chia sẻ: “Điều kiện làm việc hiện tại của chúng tôi thật sự khó khăn, thời tiết nắng nóng, phòng làm việc chật chội, oi bức. Nhưng tôi cùng anh em các bộ phận quyết tâm duy trì bộ máy hoạt động trơn tru, không để người dân phải chờ đợi”.

Một phần trụ sở làm việc của xã Sín Thầu.
Với tinh thần đó, sau 3 tuần đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Sín Thầu đã tiếp nhận và xử lý gần 60 thủ tục hành chính, trong đó hơn 40 thủ tục được thực hiện theo hình thức trực tuyến.
Chia đôi trụ sở, chia sẻ khó khăn
Không riêng gì Sín Thầu, xã Quảng Lâm cũng đang trải qua giai đoạn đầu với nhiều thách thức. Quảng Lâm thành lập mới trên cơ sở sáp nhập 2 xã Quảng Lâm cũ và Na Cô Sa. Trụ sở chính đặt tại trung tâm xã cũ không đủ diện tích sử dụng, nên phải bố trí thành 2 địa điểm làm việc tách biệt. Khối Đảng, đoàn thể và Trung tâm Phục vụ hành chính công được bố trí tại trụ sở UBND xã cũ; còn khối UBND xã sử dụng lại cơ sở vật chất của trường tiểu học cũ, gồm 7 phòng cấp 4.

Dù thiếu hụt trầm trọng phòng làm việc, xã Quảng Lâm vẫn bố trí Trung tâm Phục vụ hành chính công khang trang, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân.
Phòng làm việc thiếu hụt trầm trọng, chính quyền xã ưu tiên phòng rộng hơn cho các bộ phận đông người như Văn phòng, các phòng: Kinh tế, Văn hóa – Xã hội. Còn lãnh đạo xã, dù khối lượng công việc lớn vẫn chấp nhận ngồi chung, làm việc trong các phòng nhỏ hơn để nhường chỗ cho các bộ phận chuyên môn xử lý hồ sơ. Tại trụ sở mượn của trường tiểu học cũ không có nước sạch, cán bộ xã phải dùng nước suối để sinh hoạt. Mới đây UBND xã mới lắp 2 máy lọc nước để đảm bảo sử dụng. Dù thiếu thốn và bị chia tách địa điểm làm việc, đội ngũ cán bộ vẫn phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo giải quyết công việc kịp thời, đúng tiến độ.
Khó khăn về chỗ ở càng rõ nét hơn khi hơn một nửa cán bộ xã được phân từ huyện Nậm Pồ, Mường Nhé cũ và xã Na Cô Sa cũ, nay phải đi lại quãng đường từ 30 - 60km. Xã chỉ bố trí được nơi ở tạm tại trạm y tế xã cũ cho 7 - 8 người. Những cán bộ còn lại buộc phải tự tìm thuê nhà gần nơi làm việc. Chị Nguyễn Thị Bích Đào, công chức Phòng Văn hóa - Xã hội là một trong số đó. Nhà chị ở trung tâm xã Mường Nhé, cách nơi làm gần 40km. Không thể đi lại hàng ngày, chị thuê nhà dân ở ghép cùng một đồng nghiệp. “Xa gia đình, cả tuần mới về nhà một lần thăm con, nhiều khi nhớ con đến quay quắt nhưng công việc không thể gián đoạn. Mình động viên nhau cố gắng, vì dân, vì trách nhiệm với xã mới” - chị Đào chia sẻ.

Vượt lên những khó khăn, cán bộ xã Quảng Lâm tập trung cho công việc.
Kỳ vọng từ gian khó
Những ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp tại các xã vùng cao không tránh khỏi thiếu hụt về nhân lực, vật lực, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, chính tinh thần dấn thân và phục vụ nhân dân đã giúp chính quyền cấp cơ sở từng bước khắc phục trở ngại, duy trì nền hành chính hoạt động liên tục, ổn định. Ông Đặng Thành Huy, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu nhấn mạnh, ngay từ khi thành lập xã mới, tập thể lãnh đạo và cán bộ xã đã thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, vượt qua khó khăn, vận hành bộ máy chính quyền mới một cách thông suốt, hiệu quả.

Bộ máy chính quyền các xã vùng biên đang đi vào hoạt động thông suốt, nền nếp. Trong ảnh: Cán bộ xã Sín Thầu thực hiện thủ tục hành chính.
Không chỉ Sín Thầu hay Quảng Lâm, những xã biên giới xa xôi nhất tỉnh ta đang chứng minh rằng hiệu lực và hiệu quả của bộ máy Nhà nước không chỉ nằm ở thiết chế, mà còn nằm ở sự tận tâm và vượt khó của từng cán bộ. Kỳ vọng về một nền hành chính gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn đang dần thành hình từ những gian khó nơi phên giậu của Tổ quốc.