Thôn A Xay vươn mình phát triển
Trước năm 2021, thôn A Xay (xã Tây Khánh Vĩnh) là một trong những thôn nghèo nhất tỉnh Khánh Hòa. Nhờ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025), đến nay thôn A Xay đã có bước chuyển mình với diện mạo khang trang, cuộc sống người dân ngày càng no đủ, hạnh phúc. Với những kết quả đã đạt được, mới đây, thôn A Xay được UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình này.

Ông Mạc Văn Hùng - Trưởng thôn A Xay hướng dẫn hộ bà Cao Thị Dung nuôi bò sinh sản.
Toàn thôn A Xay có 176 hộ dân với 658 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ ĐBDTTS chiếm trên 94%; tỷ lệ hộ nghèo lên đến gần 40%; thu nhập bình quân chỉ khoảng 18 triệu đồng/người/năm; điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt; chất lượng nguồn nhân lực thấp; nhận thức của người dân có nhiều hạn chế; trình độ lao động sản xuất còn lạc hậu; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Mạc Văn Hùng - Trưởng thôn A Xay chia sẻ: Trước đây thu nhập người dân trong thôn chủ yếu từ trồng bắp, mì và làm thuê, làm mướn. Hạ tầng giao thông nội thôn, nội đồng chưa có điều kiện đầu tư. Một số tuyến đường dẫn vào các vùng sản xuất khi trời nắng thì bụi bặm, trời mưa thì lầy lội, gây khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển nông sản, nên vào thời điểm thu hoạch hoa màu, thương lái lấy cớ là xe chở hàng không vào được để ép giá và đòi chi phí vận chuyển cao. Thêm vào đó, nhiều khu vực còn thiếu nước sinh hoạt và nhà cửa tạm bợ, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn". Trước khó khăn trên, với quyết tâm cao và bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS. Từ nguồn vốn được phân bổ, thôn được đầu tư 4 công trình giao thông, sửa chữa, nạo vét kênh mương, công trình thủy lợi xuống cấp với kinh phí gần 6,5 tỷ đồng; đào tạo nghề cho 50 thanh niên trong thôn; thực hiện sửa chữa, đưa vào sử dụng nhà văn hóa, nhà cộng đồng; hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị... Đặc biệt là các mô hình sinh kế cộng đồng cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi heo đen, trồng bưởi da xanh, nuôi bò sinh sản.
Theo Trưởng thôn Mạc Văn Hùng, trong các mô hình kể trên thì mô hình nuôi bò sinh sản được bà con thực hiện đạt hiệu quả nhất với 49 hộ tham gia (trong đó có 35 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo và 3 hộ sản xuất giỏi). Các hộ được chia thành 3 nhóm tổ; các nhóm tổ được tập huấn về kỹ thuật, chuồng trại, giống cỏ, thức ăn và hỗ trợ phối giống; tổng số bò giống được hỗ trợ tại chương trình là 72 con. Sau 1 năm triển khai, đàn bò phát triển tốt trong đó có 40 bò giống đã cho sinh sản lứa đầu tiên. Chỉ tay về phía chú bê con 15 ngày tuổi, chị Cao Thị Dung - thành viên mô hình nuôi bò sinh sản chia sẻ: “Mô hình triển khai đã phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực của người dân trong thôn, tạo không khí vui tươi, đoàn kết, phấn đấu hăng say lao động”.

Nhiều ngôi nhà mới, khang trang được mọc lên nhờ thu nhập từ trồng bưởi da xanh, heo đen và nuôi bò sinh sản.
Ngoài ra, đến nay, thôn đã triển khai hiệu quả mô hình trồng bưởi da xanh, với khoảng 80% người dân trong thôn trồng bưởi da xanh với hơn 40ha, những trái bưởi trồng tại thôn thơm ngon, mọng nước khiến nhiều thương lái tìm đến tận vườn mua và đã có sản phẩm bưởi da xanh trong thôn đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Nhiều hộ trong thôn đã có thu nhập ổn định từ cây bưởi da xanh, heo đen, bò sinh sản như hộ ông Cao Dáng, Cao Thị Dung, Nông Thị Đạo...
Bà Ca Tông Thị Mến - Chủ tịch UBND xã Tây Khánh Vĩnh cho biết: "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi đã tạo được sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tăng nhanh hơn trước. Cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chỉ còn 7,43% (giảm 31,96% so với đầu nhiệm kỳ), nhờ đó, thôn A Xay đã thoát khỏi diện thôn đặc biệt khó khăn. Đời sống phát triển, thu nhập bình quân đầu người toàn thôn tăng lên 28 triệu đồng/người/năm, trong đó thu nhập của ĐBDTTS đạt 25 triệu đồng/người/năm; kết cấu hạ tầng được cải thiện, hệ thống giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng, tình trạng thiếu nhà ở cơ bản được giải quyết, không còn hộ dân sống trong nhà tạm, nhà dột nát; các giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy, mạng lưới thông tin, văn hóa, thể thao phát triển, bà con ra sức thi đua làm kinh tế, tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng thôn A Xay ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với danh hiệu “thôn Bác Hồ”".
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202507/thon-a-xay-vuon-minh-phat-trien-1035927/