'Vượt khó' để tỏa sáng, các nghệ sĩ trẻ khẳng định sức sống của nghệ thuật chèo
Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, cuộc thi 'Tài năng trẻ sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2020', do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam đã khép lại. 28 huy chương Vàng và Bạc đã được trao cho các diễn viên trẻ xuất sắc.
57 trích đoạn của 64 diễn viên trẻ thuộc 11 đơn vị nghệ thuật truyền thống chèo trên cả nước, đã để lại nhiều ấn tượng đối với những người làm nghề cũng như công chúng khán giả yêu nghệ thuật chèo ở tỉnh Hà Nam. Cuộc thi là minh chứng điển hình cho lòng yêu nghề vẫn đang rực cháy trong các thế hệ nghệ sĩ sân khấu chèo hôm nay.
Đằng sau thành công của các diễn viên trẻ là sự nỗ lực lớn của lãnh đạo các đoàn, là công sức của các thế hệ nghệ sĩ lớn tuổi khi đã vượt khó đưa lớp diễn viên trẻ tài năng đến với cuộc thi lần này.
Nói khó là bởi, trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã thực hiện sáp nhập các đơn vị nghệ thuật lại. Có địa phương sáp nhập 3 đoàn gồm chèo, kịch nói và cải lương thành một đoàn, kinh phí cấp hàng năm chỉ đủ cho một loại hình nghệ thuật dựng vở. Nếu chèo dựng vở thì cải lương và kịch thôi và ngược lại.
Hơn nữa, mức lương theo hạng, bậc của các nghệ sĩ đã thấp nhưng các khoản bồi dưỡng lại ngày càng ít đi do không có nguồn thu... đã ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của các nghệ sĩ trẻ dành cho nghệ thuật chèo.
Đồng thời, nghệ thuật truyền thống nói chung, trong đó có nghệ thuật chèo đang bị những loại hình nghệ thuật đương đại lấn át trên mọi phương diện và điều này tác động rất lớn đến định hướng nghề nghiệp của giới trẻ. Có một thực tế là, trong nhiều năm liền, khoa Sân khấu truyền thống của các trường rất khó để tuyển đủ số lượng học sinh theo chỉ tiêu.
Một số bộ môn còn phải dừng đào tạo và điều này đang báo hiệu sự mai một của loại hình nghệ thuật và với nghệ thuật chèo cũng không đứng ngoài xu thế này. Một số đơn vị nhiều năm liền không cử, hay cử số lượng rất ít thí sinh trẻ tham dự cuộc thi chính là chỉ dấu cho sự mai một của loại hình chèo tại địa phương đó.
Vấn đề này cũng đặt ra cho cơ quan quản lý bài toán cần lời giải, đó là cần phải làm gì để chèo có thể tồn tại và phát triển trong thời kỳ mới? Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi chia sẻ, trong kế hoạch công tác năm 2021, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã chủ động báo cáo, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó đặt mục tiêu hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn. Đây sẽ là một văn bản quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều chục năm quản lý bằng quy chế, Thông tư rồi Nghị định, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ tiến tới xây dựng một văn bản Luật.
Ở đó sẽ có những quy phạm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển; tiếp theo là xây dựng một Đề án phát triển tài năng và bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu với lãnh đạo Bộ những nội dung, biện pháp trong định hướng phát triển sự nghiệp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về VHNT trong thời gian tới.
Trước thực trạng ảm đảm của nghệ thuật truyền thống, sự xuất hiện của 64 gương mặt nghệ sĩ trẻ được coi như điểm sáng, làm dấy lên những hy vọng về sự tiếp nối và bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc của cha ông.
Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi nhận định, phần lớn các diễn viên trẻ tham gia đều thể hiện thành công các làn điệu chèo bài bản và một số làn điệu khó, đồng thời biểu diễn nhuần nhuyễn trên sân khấu, lôi cuốn, tạo ấn tượng với khán giả. Qua đây báo hiệu một thế hệ tiềm năng sẵn sàng kế thừa lớp trước.
“Sự xuất hiện của thế hệ diễn viên trẻ trên sân khấu lần này đã cho ta thấy tận mắt những tinh hoa của nghệ thuật Chèo, sức sống ngàn năm cùng với vẻ đẹp và sự cuốn hút của nó. Điều đáng mừng, đáng vui hơn là, cái sức sống, cái vẻ đẹp và sự cuốn hút của nghệ thuật Chèo, vốn được các thế hệ hôm qua giữ gìn và phát huy để trở thành một truyền thống của sân khấu kịch hát dân tộc, thì hôm nay đã được các thế hệ diễn viên trẻ kế thừa và thể hiện một cách sáng tạo”, NSND Thúy Mùi nói.
Tại cuộc thi lần này, khán giả đã tận mắt xem 10 cô Thị Mầu lẳng lơ lên chùa ghẹo tiểu; 8 cô Súy Vân giả điên, giả dại; 6 nàng Thị Nở bập vào cuộc yêu; 5 ông Hề già cười ra nước mắt; 4 gã Trần Phương trăng hoa, phụ bạc; 4 cậu Lưu Bình say đắm Châu Long…
Dẫu phải xem đi xem lại một trích đoạn chèo truyền thống ở nhiều phần thi nhưng sức trẻ hồn nhiên, nhiệt huyết mê say, chất giọng đầy đặn truyền cảm và tươi sáng trong diễn xuất của từng diễn viên thể hiện, đã khiến người xem không thấy nhàm chán mà còn có cơ hội để so sánh, đánh giá được trình độ và khả năng diễn xuất của từng nghệ sĩ.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi đánh giá: Các trích đoạn dự thi được dàn dựng công phu, có sự đầu tư về nghệ thuật và kỹ năng biểu diễn. Cuộc thi được các đoàn xem là ngày hội lớn, là nơi gặp gỡ trao đổi, học hỏi của các đồng nghiệp, bạn diễn để cùng nhau gìn giữ, xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Lòng say mê chèo của các diễn viên trẻ rất đáng trân trọng, qua đó khẳng định các giá trị nghệ thuật truyền thống nói chung và của nghệ thuật chèo nói riêng trong đời sống xã hội hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đề nghị các đoàn nghệ thuật, các đơn vị tiếp tục chăm lo cho các nghệ sỹ trẻ nhiều hơn nữa; coi đây là một trong những công tác quan trọng để duy trì và phát huy nghệ thuật Chèo truyền thống. Các đạo diễn cần tập trung vào việc khai thác chất liệu Chèo, giữ gìn những nét đặc sắc, quý giá của bộ môn Chèo. Bên cạnh đó, các diễn viên trẻ tiếp tục học tập, trau dồi kỹ thuật diễn xuất, học hỏi thêm kinh nghiệm của các nghệ sỹ đi trước để tạo được dấu ấn riêng của mình.
Ban tổ chức đã trao 28 huy chương cho các diễn viên xuất sắc, gồm 10 huy chương Vàng và 18 huy chương Bạc.
10 tài năng trẻ được trao HCV gồm: Phùng Thị Thanh Huyền, Phạm Thị Kim Liên (NH Chèo Hà Nội), Trần Thị Lệ Thu, Nguyễn Thị Thu Hiền (NH Chèo VN), Đặng Thị Quyến (NH Chèo Bắc Giang), Lê Thị Hồng Vân (NH Chèo Thái Bình), Nguyễn Thị Tuyền (NH Chèo tỉnh Ninh Bình), Phạm Văn Hóa (NH NTTT Thanh Hóa), Nguyễn Thị Huyên (NH Chèo Quân đội), Lê Thị Kim Cúc (Trung tâm VHNT Hà Nam).
Bên cạnh đó Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng trao tặng phần thưởng và Bằng khen cho các diễn viên trẻ triển vọng, đơn vị có thành tích xuất sắc cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc đào tạo và bồi dưỡng lớp diễn viên trẻ kế cận là Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Chèo Ninh Bình.