Vượt khó, sáng tạo
Các phong trào lao động sáng tạo trong CNVC-LĐ TP HCM đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nâng cao vị thế cạnh tranh
Là một đơn vị có truyền thống vượt khó, sáng tạo, người lao động (NLĐ) Tổng Công ty Liksin luôn có mặt trong Giải thưởng Tôn Đức Thắng hằng năm do UBND TP HCM phối hợp cùng LĐLĐ TP, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức. Bên cạnh Giải thưởng Tôn Đức Thắng, công nhân (CN) Liksin còn đoạt các giải như "Người thợ trẻ giỏi toàn quốc", CN trẻ tiêu biểu. Để có được kết quả đó, Đảng ủy, Công đoàn (CĐ) và Ban Giám đốc Tổng Công ty Liksin có kế hoạch phát động thi đua cụ thể cho từng năm và khen thưởng tương xứng với từng công trình, sáng kiến.
Ai cũng có sáng kiến
Nói về phong trào sáng kiến tại đơn vị, ông Lê Đức Dục - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Sáng kiến Tổng Công ty Liksin - cho biết vào tháng 1 hằng năm, tổng công ty sẽ tổng kết phong trào sáng kiến cải tiến năm trước và phát động phong trào sáng kiến, cải tiến cho năm mới.
Với chủ đề "Nâng cao hệ thống quản trị - Xây dựng nhà máy thông minh", trong năm 2020, Liksin đã nhận được 1.119 sáng kiến với tổng giá trị làm lợi gần 15 tỉ đồng, tính bình quân mỗi NLĐ của Liksin có 1,3 sáng kiến, trong đó tất cả đảng viên đều có sáng kiến. Các sáng kiến tập trung ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa sản xuất và quản trị, phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới theo hướng đột phá bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị và các lợi thế đầu tư. Hội đồng sáng kiến tổng công ty đã xếp loại các sáng kiến A, B, C để khen thưởng. "Ngay cả khi NLĐ có ý tưởng, chưa thể thành sáng kiến, chúng tôi vẫn khen thưởng động viên. Kết quả, trong năm 2020, Liksin đã khen thưởng cho các sáng kiến với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng" - ông Lê Đức Dục cho hay.
Một cá nhân điển hình trong phong trào lao động sáng tạo là anh Bùi Thanh Nghị, Tổ trưởng Tổ Quản lý chất lượng Xí nghiệp Bao bì An Khang Liksin - Tổng Công ty Liksin, đã có 10 sáng kiến trong năm 2020, trong đó có 2 sáng kiến đạt loại A của Tổng Công ty Liksin (loại cao nhất) là "Phát triển màng thổi PP.EVOH có tính ngăn cản cao" và "Ứng dụng cấu trúc màng PA.EVOH cho bao bì bảo quản nông sản". Riêng sáng kiến "Phát triển màng thổi PP.EVOH có tính ngăn cản cao" tạo doanh thu hơn 1 tỉ đồng còn sáng kiến "Ứng dụng cấu trúc màng PA.EVOH cho bao bì bảo quản nông sản" tạo doanh thu hơn 500 triệu đồng. Với 2 sáng kiến này, Liksin đã tạo ra được bước đột phá trong dòng sản phẩm bao bì có tính ngăn cản cao, vừa giúp bảo quản sản phẩm lâu hơn mà ít chất bảo quản, phụ gia trong thực phẩm hơn.
Mở ra cơ hội thăng tiến
Khi Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động chương trình "75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển", các cấp CĐ ngành cao su đã ngay lập tức hưởng ứng bằng cách xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai đến các đơn vị. Theo ông Võ Việt Ngân, Phó Chủ tịch CĐ Cao su Việt Nam, chương trình hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững và gắn kết NLĐ. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho CN phát huy hết khả năng sáng tạo, CĐ Cao su Việt Nam đã chỉ đạo tất cả CĐ cơ sở thành lập "Tổ hỗ trợ sáng kiến" để hỗ trợ CN ngay từ khi họ có ý tưởng đến các bước tiến hành rồi mô tả sáng kiến và đánh giá giá trị làm lợi của sáng kiến. Ngành cao su đặt mục tiêu đến ngày 20-4 sẽ thực hiện 500 sáng kiến.
Hằng năm, thông qua các phong trào thi đua lao động sáng tạo, CĐ ngành và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam còn tổ chức xét chọn và tôn vinh những gương "CN ngành cao su Việt Nam ưu tú", Giải thưởng Cao su Việt Nam, Sao Vàng cao su… Đây là những danh hiệu cao quý, ghi nhận nỗ lực của đội ngũ kỹ sư, CN trong ngành. Ông Võ Việt Ngân nhấn mạnh: "Niềm đam mê sáng tạo của NLĐ không chỉ tạo đà cho DN phát triển mà còn giúp NLĐ thăng tiến trong sự nghiệp của mình". Điển hình như anh Nguyễn Trọng Nhân, Phó Giám đốc Xí nghiệp Chế biến cao su - Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Từ một nhân viên kỹ thuật, với tinh thần vượt khó, sáng tạo, anh đã nhanh chóng vươn lên làm phó giám đốc xí nghiệp. Gần 10 năm gắn bó với đơn vị, anh đã cống hiến nhiều sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí cho DN. Tiêu biểu là sáng kiến "Cải tiến quy trình đánh đông mủ skim" trong năm 2020 đã giúp DN tiết giảm chi phí nguyên phụ liệu, tăng mức độ an toàn cho người vận hành và góp phần bảo vệ môi trường. Theo anh Nhân, sáng tạo không chỉ giúp người thợ trưởng thành hơn mà còn mở ra cơ hội thăng tiến cho chính mình.
Gắn kết trách nhiệm
Tại Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), phong trào thi đua được phát động ngay từ đầu năm, các phòng, ban tùy theo chức năng, nhiệm vụ sẽ đăng ký thực hiện sáng kiến nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng chất lượng sản phẩm... Với việc cụ thể hóa nội dung thi đua gắn với công việc chuyên môn, phong trào thi đua do Công đoàn khởi xướng thu hút đông đảo CNVC-LĐ tham gia. Mỗi năm có hàng trăm sáng kiến được CNVC-LĐ đăng ký và thực hiện, trong đó nhiều sáng kiến được cấp liên hiệp công nhận và nhân rộng. Điển hình như trong các đợt cao điểm chống dịch, phòng thí nghiệm của Saigon Co.op đã tìm hiểu và chế tạo gel rửa tay khô, máy rửa tay tự động... nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng và cán bộ, nhân viên. "Phong trào thi đua được xây dựng sát sườn với đặc thù kinh doanh của DN không chỉ tạo hứng khởi cho NLĐ mà còn gắn kết trách nhiệm của họ với tập thể. Tinh thần chung sức chung lòng của họ sẽ giúp DN trụ vững trong khó khăn" - ông Tạ Quang Bắc, Phó Chủ tịch CĐ Saigon Co.op, khẳng định.
Kỳ tới: Tiết kiệm tiền tỉ cho doanh nghiệp
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/vuot-kho-sang-tao-2021032521073735.htm