Vượt khó vận hành thông suốt chính quyền mới
Sau 4 ngày chính thức đi vào vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hàng loạt khó khăn nảy sinh do những hạn chế về cơ sở vật chất, hạ tầng mang lại. Vượt lên tất cả, với phương châm 'vì Nhân dân phục vụ', từng cán bộ, công chức giữ vững quyết tâm chính trị, đảm bảo chính quyền mới được vận hành thông suốt.
Những trụ sở “3 tạm”
Từ ngày 1/7, cùng với cả nước, Điện Biên bước vào "cuộc cách mạng” với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Từ 129 xã, phường, thị trấn, nay giảm xuống còn 45 xã, phường. Số người làm việc gia tăng, trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư theo mô hình cũ nên cơ bản đều chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Đa phần cán bộ, công chức các xã trên địa bàn hiện nay phải làm việc trong các trụ sở “3 tạm” (nơi làm việc tạm, nghỉ tạm và ăn tạm).

Cán bộ các phòng, ban chuyên môn và Trung tâm dịch vụ tổng hợp của xã Sam Mứn hiện nay đang phải làm việc tạm trong Nhà thi đấu đa năng.
Nằm ngay trên tuyến quốc lộ 12, trụ sở UBND xã Pom Lót (cũ) nay được bố trí thành trụ sở xã Sam Mứn trên cơ sở sáp nhập 2 xã: Pom Lót, Na Ư (cũ). Thiết kế ban đầu chỉ để phục vụ bộ máy chính quyền 1 xã, với khoảng 40 cán bộ, công chức, nên sau sáp nhập, với số người làm việc gấp đôi. Con người gia tăng, các nhu cầu về bố trí nơi làm việc, chỗ nghỉ ngơi... của cán bộ cũng tăng theo. Để đảm bảo yêu cầu bộ máy vận hành thông suốt từ 1/7, chính quyền xã phải khắc phục nhiều khó khăn, khẩn trương bố trí tạm thời.
Ông Phạm Thiết Chùy, Chủ tịch UBND xã Sam Mứn cho biết, hiện xã có gần 80 cán bộ, công chức, trong khi trụ sở cũ chỉ đáp ứng cho hơn 20 người làm việc. Do vậy, phần lớn cán bộ, công chức các phòng chức năng và Trung tâm Dịch vụ tổng hợp đang phải làm việc tạm trong nhà thi đấu đa năng của xã. Các điều kiện phục vụ nhu cầu làm việc tại đây đều ở mức độ tạm thời đảm bảo, như: Hệ thống máy móc, thiết bị, bàn ghế, điện thắp sáng, công tác phòng cháy chữa cháy… Không những vậy, toàn bộ cán bộ xã Na Ư (cũ) khi di chuyển về xã mới cũng phải bố trí nơi ăn, chốn nghỉ tạm.
“Trước mắt, chúng tôi mượn 2 phòng dôi dư của Trường Tiểu học Pom Lót để làm nhà công vụ cho cán bộ, các điều kiện vật chất trong phòng đều ở mức cơ bản. Xã cũng chưa có bếp ăn tập thể nên cán bộ đều phải ăn quán bên ngoài. Hiện chúng tôi đang bắt tay vào lắp đặt 2 dãy nhà tạm (11 phòng) khung sắt để bố trí nơi làm việc, nghỉ ngơi đảm bảo hơn cho cán bộ các phòng, ban” - ông Chùy cho hay.

Dãy nhà công vụ tạm đang được UBND xã Sam Mứn dựng lên để bố trí nơi làm việc cho cán bộ.
Xã Thanh Nưa cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự khi biên chế đã tăng gần 4 lần. Theo Chủ tịch UBND xã Chu Văn Bách, hiện nay xã phải cân đối chức năng, nhiệm vụ từng bộ phận để bố trí, phân chia 3 trụ sở làm việc khác nhau tại các xã cũ, gồm: Thanh Nưa, Hua Thanh và Thanh Hưng. Tại mỗi điểm, đều phân cán bộ túc trực để hướng dẫn giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, các nhu cầu chính đáng của người dân, không để trường hợp nào phải đi lại quá xa khi không thực sự cần thiết.
“Để đảm bảo nơi làm việc, cán bộ, công chức tại xã đã phải mất nhiều ngày sắp xếp, tu sửa trụ sở, từ việc sơn lại từng mảng tường cũ bong chóc, mối mọt; đến vận chuyển, bố trí, lắp đặt máy móc, thiết bị… đều tự tay anh em làm. Từ 1/7 đến nay cán bộ, công chức xã đã rất nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì vận hành thông suốt bộ máy chính quyền theo mô hình mới. Nhưng đây mới chỉ là cơ bản, còn rất nhiều khó khăn, bộn bề phía trước cần sự đồng lòng, quyết tâm hơn nữa” - ông Bách chia sẻ.

Do số lượng người làm việc gia tăng, hiện nay, cán bộ, công chức xã Thanh Nưa phải bố trí làm việc tại 3 trụ sở khác nhau.
Là một trong những xã có địa bàn rộng và dân số thuộc diện đông nhất tỉnh sau sắp xếp, xã Mường Chà có tới trên 100 cán bộ, công chức. Khi hợp nhất, trụ sở mới được bố trí về UBND xã Chà Cang (cũ). Ông Vàng A Chính, Bí thư Đảng ủy xã Mường Chà cho hay: Trụ sở hiện có khoảng 20 phòng làm việc nên hết sức khó khăn và chật hẹp.
Không những vậy, do xã được thành lập trên cơ sở hợp nhất 4 xã (Chà Cang, Chà Nưa, Nậm Tin, Pa Tần) nằm cách xa nhau, nên có tới gần 60% cán bộ phải di chuyển xa làm việc. Do không thể đi về trong ngày, nên số này buộc phải thuê phòng trọ nhà dân quanh khu vực hoặc ở nhờ các cơ quan, trường học đóng chân trên địa bàn.
“Không chỉ khó khăn về trụ sở làm việc, nơi ăn chốn nghỉ, mà hiện nay cơ sở vật chất từ xã Nậm Tin (cũ) vẫn chưa được bàn giao về xã mới để phục vụ công việc. Nguyên nhân do địa bàn này đặc biệt khó khăn, những ngày vừa qua mưa liên tục, giao thông bị ách tắc không thể vận chuyển. Hiện nay anh em phải nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn để đảo bảo công việc không bị ách tắc” - ông Chính chia sẻ thêm.
Tinh thần phục vụ 5 "biết", 3 "không"
Trong tổng số 45 xã, phường mới của toàn tỉnh, hiện chỉ có 10 đơn vị được thừa hưởng nơi làm việc của cấp huyện cũ, với hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng và các điều kiện phục vụ công việc đảm bảo. Toàn bộ số còn lại hiện đang phải tận dụng từ trụ sở UBND các xã cũ, chật hẹp, thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong khi số lượng người làm việc trung bình đều tăng gấp 2 - 4 lần so với trước đây.

Mặc dù khó khăn về cơ sở vật chất và hạ tầng, song xã Sam Mứn vẫn ưu tiên bố trí, sắp xếp Trung tâm phục vụ hành chính công đảm bảo khang trang, thuận tiện.
Tuy nhiên, quán triệt quan điểm “trụ sở có thể tạm, nhưng tinh thần phục vụ Nhân dân phải là thật”, 5 "biết" 3 "không" ((biết nghe - biết nói - biết làm - biết xin lỗi - biết cảm ơn; không phiền hà - không né tránh - không trễ hẹn) những ngày qua chính quyền các xã mới đã bắt nhịp thay đổi, duy trì vận hành thông suốt. Đặc biệt, Trung tâm Phục vụ hành chính công - bộ phận tiếp nhận và giải quyết nhu cầu hành chính của người dân và doanh nghiệp được các địa phương ưu tiên hàng đầu.
Hiện nay, các khu vực thuận tiện, khang trang và đảm bảo nhất về hạ tầng, cơ sở vật chất đều được UBND các xã lựa chọn đặt Trung tâm Phục vụ hành chính công. Ngoài ra, các xã phân công riêng 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách Trung tâm để đảm bảo vận hành đồng bộ, thông suốt và thường trực giải quyết kịp thời mọi nhu cầu của người dân. Đồng thời, cân đối, tính toán hợp lý để phân công, bố trí cán bộ trực tại một số địa điểm khác nhau tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo không để người dân phải đi quá xa.
“Mặc dù dân số xã không quá đông, nhu cầu thủ tục hành chính trung bình mỗi ngày chỉ tiếp nhận khoảng gần 20 hồ sơ phải giải quyết, tuy nhiên chúng tôi vẫn phân công mỗi phòng chuyên môn từ 1 - 2 cán bộ thường trực, sẵn sàng tăng cường khi nhu cầu về thủ tục hành chính của người dân gia tăng, tránh tắc nghẽn hoặc bà con phải chờ đợi lâu. Đặc là tới đây khi chuẩn bị bước vào năm học mới, nhu cầu xác nhận hồ sơ của học sinh, sinh viên nhiều” - Chủ tịch UBND xã Sam Mứn Phạm Thiết Chùy cho biết.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính trị Trung tâm phục vụ hành chính công của xã Thanh Yên.
Cũng với tinh thần phục vụ nhân dân, theo Bí thư Đảng ủy xã Mường Chà Vàng A Chính, việc đầu tiên khi vận hành bộ máy mới tại địa phương đó là tập trung vào hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công. Trong bối cảnh khó khăn về phòng làm việc, địa phương đã dành riêng khu vực Nhà Văn hóa xã để lắp đặp máy móc, trang thiết bị tốt nhất đảm bảo trung tâm vận hành. Đồng thời, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách Trung tâm được bố trí ngồi làm việc ngay tại đây để kịp thời giải quyết mọi vấn đề, thủ tục liên quan.
Tại mỗi điểm, đều có cán bộ túc trực để hướng dẫn giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, các nhu cầu chính đáng của người dân, không để trường hợp nào phải đi lại quá xa khi không thực sự cần thiết. Từ 1/7 đến nay, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 20 - 30 hồ sơ thủ tục hành chính. Trường hợp hồ sơ đảm bảo, xã yêu cầu cán bộ phải giải quyết ngay, không để người dân phải đi lại. Những hồ sơ còn vướng mắc đều được cán bộ hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về các thủ tục cần bổ sung, làm sao phục vụ nhân dân tốt nhất.
“Ngay sau đây, khi đã ổn định tổ chức, xã sẽ phân công các tổ công tác xuống nắm địa bàn, củng cố cơ sở; đồng thời hoạch định hướng đi cụ thể để bắt tay ngay vào triển khai thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định an ninh - quốc phòng địa phương” - ông Chính khẳng định.