Vượt lên nghịch cảnh

Đến thôn A Sóc Lìa, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, nhắc đến anh Hồ Văn Phơi, người dân nơi đây đều dành cho anh sự cảm mến và khâm phục. Không chỉ vì anh là người mở quán sửa xe máy đầu tiên của xã, mà họ còn được thấy ở anh nghị lực vượt qua hoàn cảnh tật nguyền, tự tạo dựng cho mình một công việc ổn định. Bên cạnh đó, anh còn giúp đỡ nhiều thanh niên khác vươn lên thoát nghèo.

Anh Phơi (bên trái) hướng dẫn học trò sửa xe máy tại cơ sở của anh -Ảnh: L.A

Anh Phơi (bên trái) hướng dẫn học trò sửa xe máy tại cơ sở của anh -Ảnh: L.A

Không được may mắn như những người khác, ngay từ khi mới sinh ra anh Phơi đã bị dị tật bẩm sinh, đôi chân teo tóp, không thể đi lại bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Mặc dù vậy, ngay từ bé Phơi đã không buông xuôi số phận.

Anh chịu khó học hành, di chuyển hàng chục ki-lô-mét ra thị trấn Khe Sanh để theo học hết THPT. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, không có điều kiện học cao hơn, anh trở về bản làng và tìm kế mưu sinh cho bản thân. Xác định không đủ sức khỏe làm nương rẫy, anh đã mày mò tìm kiếm thông tin để đi học nghề. Ngày đó cả vùng Lìa không có mấy người biết sửa xe máy, thế nên anh Phơi đã quyết định lựa chọn nghề sửa xe máy để theo học. 2 năm trời anh một mình xuống thị xã Đông Hà (nay là TP. Đông Hà) để học nghề.

Trở về quê sau khi đã có nghề trong tay, anh mở quán nhỏ để sửa chữa xe máy cho người dân. Với sự tận tụy và nhiệt tình, anh dần dần chiếm được niềm tin của bà con. Nhờ có quán sửa xe máy của anh đã giúp người dân địa phương không phải vượt hàng chục ki-lô-mét mỗi khi phương tiện bị hư hỏng. “Với điều kiện còn nhiều thiếu thốn, bản thân tôi phải luôn chịu khó, cố gắng tìm tòi học hỏi, tích lũy dần dần để có thêm nhiều kinh nghiệm về nghề sửa xe máy. Đến nay, hầu hết các loại xe máy tôi đều sửa được khi bị hư hỏng”, anh Phơi cho hay.

Sau nhiều năm theo nghề sửa xe máy, vừa tự tìm tòi học hỏi, vừa trải nghiệm thực tế, anh Phơi đã trở thành một trong những người có tay nghề cao ở vùng Lìa. Sau khi đã khẳng định được vị trí của bản thân, anh bắt đầu tiếp nhận và dạy nghề miễn phí cho thanh niên trên địa bàn có nhu cầu học nghề.

Đến nay, sau gần 15 năm, anh đã đào tạo nghề thành công cho 12 học trò. Hầu hết người học nghề là con em người Vân Kiều ở trong, ngoài xã, ngoài ra còn có một số thanh niên người Lào ở sát vùng biên giới. Thanh niên đến học nghề ở chỗ anh Phơi hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện học văn hóa, không có cơ hội học nghề xa nhà. Ngoài đào tạo nghề miễn phí, khi học trò đã thành thạo và có thể tự làm nghề sửa xe máy anh Phơi còn tặng mỗi em một bộ đồ nghề hoàn chỉnh để hành nghề.

Không tự bằng lòng với nghề sửa xem máy, anh Phơi còn dành thời gian tự tìm tòi học thêm nghề mới. Nhận thấy ở vùng sâu vùng xa như xã Lìa, nhu cầu về cơ khí, sắt thép, tấm lợp rất cao, nhưng mỗi khi cần người dân phải tìm đến các địa phương khác vừa tốn kém vừa mất thời gian, anh Phơi tự học hỏi trên internet về nghề cơ khí qua những bài giảng, clip hướng dẫn.

Sau nhiều lần thất bại, đến nay anh có thể lên ý tưởng và hướng dẫn anh em thợ làm giường, bàn, tủ bằng sắt; gia công hàn khung sắt và lợp mái che, đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng. Hiện nay anh là một trong những thợ cơ khí ít ỏi ở vùng Lìa. Với nghề mới này, ngoài tăng thêm thu nhập cho bản thân và gia đình, anh còn tạo việc làm cho 3 - 4 lao động tại địa phương.

Đối với người bình thường, học nghề, làm nghề và sống được với nghề đã khó, với người khuyết tật, điều đó còn khó khăn gấp nhiều lần. Vì thế, câu chuyện về sự nỗ lực của anh Phơi luôn được dân bản nhắc đến như là một tấm gương sáng cho sự vượt khó vươn lên khẳng định được vị thế bằng công sức lao động của bản thân, tạo thu nhập cho gia đình mà còn giúp đỡ cộng đồng bằng những việc làm cụ thể.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/vuot-len-nghich-canh-185978.htm