'Vượt nắng thắng mưa' trên các công trình trọng điểm ở thành phố mang tên Bác
Các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh luôn được giữ nhịp, đẩy nhanh tiến độ và tăng tốc để sớm chạm đích đúng vào dịp 50 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, 30/4/2025. Đây là những công trình giao thông, chỉnh trang cải tạo đô thị ở thành phố mang tên Bác với mục tiêu chung góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tạo bộ mặt đô thị khang trang hơn, nâng cao chất lượng sống của hàng triệu hộ dân, qua đó liên kết vùng Đông Nam Bộ để phát triển bền vững.
Dốc sức thi công 63km tuyến kênh dài nhất thành phố
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên khởi công tháng 2/2023, đi qua 7 quận, huyện gồm: Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Trung ương 4.000 tỷ đồng, vốn ngân sách thành phố 4.200 tỷ đồng).
Chiều dài hai bên tuyến kênh là 63,4km, được xem là dự án cải tạo và chỉnh trang đô thị dọc kênh có quy mô dài nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án còn giúp tăng cường năng lực giao thông cho trục bắc nam, kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn.
Dự án sẽ chỉnh trang đô thị, xây dựng bờ kè kênh, nạo vét kênh, cải tạo cảnh quan dọc tuyến; xây dựng đường giao thông hai bên bờ tuyến kênh dài 63km, bề rộng từ 7-12m…
Chính vì tầm quan trọng này, chủ đầu tư và nhà thầu cần tăng cường nhân lực để triển khai thi công các hạng mục công trình theo tiến độ đã đề ra. Công tác thi công chia làm nhiều ca kíp, kể cả thời tiết nắng nóng công trường vẫn “giữ nhịp” thường xuyên.
Các địa phương có dự án đi qua nỗ lực vận động bà con nhân dân ủng hộ dự án, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Các sở, ngành hỗ trợ thủ tục, di dời hạ tầng điện…, phấn đấu hoàn thành công trình vào đúng dịp chào mừng Lễ kỷ niệm 50 Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, 30/4/2025.
Kỹ sư Nguyễn Đức Hùng, Chỉ huy trưởng một gói thầu ở khu vực đầu tuyến, quận Bình Tân dù đến giờ ăn trưa vẫn không rời công trường, nhắc nhở anh em công nhân tuân thủ kỷ luật an toàn lao động. Đội thi công do anh phụ trách gồm 60 người, làm xuyên suốt để kịp hoàn thành khối lượng đóng cọc, gia cố bờ kè. Anh Hùng cho hay, nhà thầu đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 2,3km kè vào tháng 7 năm nay.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Hạ tầng đô thị), chủ đầu tư, cho biết, hiện nay 10/10 gói thầu đã được triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến. Tổng khối lượng thực hiện chung đạt khoảng 36%. Về công tác giải ngân, trong hai năm 2022 và 2023, dự án đã giải ngân hơn 3.600 tỷ đồng; dự kiến năm 2024 giải ngân 2.300 tỷ đồng.
Trong năm 2024, các nhà thầu sẽ tập trung thi công hoàn thành các hạng mục xây lắp, cùng với đó là hệ thống thoát nước, công trình nền hạ đường giao thông, nền hạ của công viên và hệ thống chiếu sáng toàn tuyến…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ghi nhận sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu trong thời gian qua để đạt được kết quả như hiện nay, đồng thời đề nghị chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng, nhịp nhàng, làm sao công trình phải hoàn thành đúng dịp 30/4/2025.
Đồng chí đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có dự án đi qua không để tình trạng tái lấn chiếm, những khó khăn phát sinh thì tính toán bồi thường cho người dân hợp tình, hợp lý.
Dự án Vành đai 3: Nhộn nhịp trên công trường ngày lễ
Ông Thái Văn Hưng (quê Nghệ An) cùng tốp thợ đang lắp dàn khung sắt trên dàn bê-tông của cầu cạn thuộc Dự án Vành đai 3, mũi thi công thuộc gói thầu Xây lắp 3, thành phố Thủ Đức. Tốp thợ này gồm 80 người, chia làm 3 ca làm việc, và làm xuyên suốt không nghỉ lễ.
Ông Hưng quệt mồ hôi lăn dài dưới cái nắng gay gắt những ngày cuối tháng 4 cho hay: “Gần một năm nay, tôi theo anh em ở quê vào đây làm gần như không nghỉ ngày lễ, dịp lễ 30/4 và 1/5 này cũng vậy. Nhận thấy đây là công trình trọng điểm nên tôi động viên anh em công nhân cố gắng làm việc. Mỗi người choàng gánh một chút nên dù mệt cũng thấy vui”.
Ghi nhận thực tế trên công trường, gói thầu Xây lắp 3 cũng là một trong số các gói thầu tại mũi thi công phía đông, thuộc thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh có khối lượng thực hiện đạt cao.
Trong đó, khối lượng chung đạt gần 20%. Về tiến độ giải phóng mặt bằng, hiện thành phố Thủ Đức đã bàn giao thực hiện gói thầu Xây lắp 3 đạt tỷ lệ 93% nên là điều kiện thuận lợi để nhà thầu xúc tiến triển khai xây dựng nhanh các hạng mục cầu và đường.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là dự án vành đai có tính kết nối liên vùng duy nhất đến thời điểm này ở khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Hệ thống đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh có chiều dài khoảng 76,34km; trong đó, đoạn đi qua Thành phố dài 47,5km. Chính quyền Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành phần đường cao tốc vào tháng 4/2025, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Ban Chỉ huy dự án Thành phần 2-Dự án Vành đai 3, tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã bàn giao khoảng 98% diện tích toàn dự án cho chủ đầu tư triển khai toàn bộ các gói thầu xây lắp, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NĐ-CP.
Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu, hoàn thành xuất sắc công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án Vành đai 3 so với ba địa phương còn lại. Thành phố Hồ Chí Minh có 1.679 trường hợp ảnh hưởng, thu hồi đất thực hiện Dự án Vành đai 3 với 410ha.
Từ kết quả thực hiện công tác bồi thường Dự án Vành đai 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn kiến nghị và được Quốc hội chấp thuận đưa vào Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, là cơ sở pháp lý để triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố.
Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất: Gấp rút để về đích
Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình đưa Nhà ga hành khách T3 Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất vào khai thác trước 2 tháng đúng ngày 30/4/2025 nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam thống nhất đất nước, lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) yêu cầu Ban Quản lý dự án cùng các liên danh nhà thầu huy động mọi nguồn lực máy móc, con người, nguyên vật liệu.
Tinh thần của Thủ tướng Chính phủ "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp" làm việc ngày đêm cả thứ 7, chủ nhật đang được lan tỏa trên công trường để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, bảo đảm an, ninh an toàn với chất lượng và hiệu quả cao nhất.
“Hiện tại, dự án đã hoàn thành hơn 81% khối lượng thi công phần thô của dự án, công tác thi công các hạng mục công trình đang được kiểm soát và thực hiện đúng với kế hoạch tiến độ đã đề ra. Chúng tôi thực hiện trên tinh thần công trình đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả và trên hết chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công cùng cam kết sẽ thực hiện đúng với kế hoạch tiến độ đã cam kết”, ông Vũ Thế Phiệt -Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết.
Tại lễ phát động thi đua mới đây, Ban Quản lý dự án Nhà ga hành khách T3 đưa ra cam kết các hạng mục thi công như: Các đơn vị sẽ hoàn thành kết cấu phần thô nhà ga vào 30/4/2024; hoàn thành kết cấu phần thô nhà xe và trung tâm dịch vụ phi hàng không vào 15/6/2024; lắp đặt thiết bị thang máy thang cuốn, soi chiếu an ninh, băng chuyền hành lý, cầu ống dẫn khách từ 29/5/2024 đến 20/4/2025...
Công trình Nhà ga hành khách T3-Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng khi tăng công suất khai thác của Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất lên gần gấp đôi để góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất khai thác 20 triệu hành khách/năm với quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500m2 và hạng mục nhà để xe cao tầng kết hợp dịch vụ.
Với quy mô 90 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy làm thủ tục hành lý tự động và 42 quầy làm thủ tục check in tự động, áp dụng công nghệ mới nhất kết hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để triển khai làm thủ tục; 27 cửa ra tàu bay; 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách. Đặc biệt, nhà ga T3 được thiết kế với 8 cửa kiểm soát an ninh và 1 khu riêng biệt phục vụ khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên…