Vượt qua lầm lỗi, làm lại cuộc đời
Tâm lý chung của không ít người sau khi chấp hành xong án phạt tù là mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp… nhiều người đã rời bỏ quê hương đến miền đất mới làm ăn, sinh sống, cắt đứt liên lạc với người thân, bạn bè.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có rất nhiều người may mắn được sự quan tâm giúp đỡ của gia đình, người thân, chính quyền địa phương, thường xuyên thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, vượt lên nghịch cảnh, làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội.
Nhìn đôi chân tàn tật, yếu ớt, đi lại khá khó khăn, ít ai biết rằng bà Nguyễn Thị Dưỡng (58 tuổi, ở thôn 5, xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cũng đã từng có một quá khứ lầm lỗi. Đó là khoảng thời gian đầu năm 2022, nghe theo lời dụ dỗ của người khác, bà Dưỡng tham gia ghi lô, đề trái pháp luật. Hành vi của bà Dưỡng sau đó đã bị lực lượng Công an phát hiện, bắt quả tang. Cái kết cho sự thiếu hiểu biết, làm giàu từ con đường không chính đáng ấy là những tháng ngày ngồi sau song sắt. Tòa án nhân dân huyện Nga Sơn tuyên phạt bà Dưỡng 6 tháng tù giam vì hành vi mua bán số lô, đề.
Bà Dưỡng hối hận: “Những ngày đầu vào trại, tôi hoang mang, buồn tủi, suy sụp. Nhiều đêm trằn trọc, thức trắng suy nghĩ về những việc đã làm. Suy nghĩ nhiều khiến tôi gầy ốm, may thay được chồng, con trai thường xuyên đến thăm, động viên; cán bộ trại giam quan tâm, giúp tôi lấy lại tinh thần để nỗ lực cải tạo, ra tù”.
Cuộc sống 6 tháng trong trại giam giúp bà Dưỡng hiểu hơn về giá trị của cuộc sống, giá trị của sự tự do. Sau khi hoàn thành việc chấp hành án, tháng 8/2022, bà Dưỡng trở về nhà, được gia đình, người thân “tiếp sức”, bà Dưỡng nỗ lực, tu chí phát triển kinh tế gia đình, làm lại cuộc đời bằng việc kinh doanh vàng mã; mua cói của bà con trong thôn về dệt thảm rồi nhập lại cho thương lái. “Đôi chân ngày càng yếu, đi lại khó khăn nên tôi mới mua cái xe máy điện 3 bánh cho tiện di chuyển. Xe máy điện này được tôi mua bằng tiền bán hàng mã và tết cói đấy” - bà Dưỡng khoe với chúng tôi.
Mới đây, khi Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nga Sơn triển khai chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, với số vốn vay 100 triệu đồng, bà Dưỡng mạnh dạn đầu tư nhập hàng, nguyên liệu làm thảm và mua thêm một chiếc máy photocopy, ép plastic để mở cửa hàng photocopy, in ấn. “Ở đây gần chợ, trường học nên đông đúc, nhiều khách hàng lắm. Đến thấy mình tật nguyền họ lại thương, giới thiệu cho nhiều mối khách mới. Mỗi tháng tôi thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng, số tiền này đủ trang trải cuộc sống” - bà Dưỡng cho hay.
Được tiếp cận nguồn vốn vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm... anh Mai Văn Long (24 tuổi, ở thôn Lục Hải, xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) mạnh dạn mua thêm con giống, cải tạo chuồng trại, mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi.
Anh Long nhớ về quá khứ lầm lỗi: “Năm 2021, khi đang là công nhân giày da, tôi theo đám bạn xấu tụ tập chơi bời, đánh bài. Hết tiền, tôi đem chiếc xe máy ra huyện Hà Trung để cầm cố có tiền đánh bạc. Càng đánh càng thua, tôi đến tiệm cầm đồ nói muốn chuộc lại xe nhưng rồi lại cướp xe tháo chạy. Tôi bị Công an bắt giữ và Tòa án nhân dân huyện Hà Trung đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt 18 tháng tù giam vì tội trộm cắp tài sản".
Từ khi bị bắt, anh Long nhận thức được hành vi, hối hận về những việc mình đã làm nên có ý thức tốt, chấp hành nghiêm quy định trong thời gian chấp hành án và đã được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật, ra tù trước thời hạn. “Khi ra khỏi trại giam, trong lòng tôi rất chông chênh, nhưng rồi được bố mẹ, gia đình quan tâm, động viên, giúp tôi lấy lại tinh thần, rũ bỏ quá khứ làm lại cuộc đời. Nhất là từ khi Ngân hàng Chính sách xã hội có chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, nguồn vốn vay đã giúp tôi có cơ hội để tập trung phát triển kinh tế”.
Hiện tại, với hơn 2.000m2 đất nông nghiệp, gia đình anh Long trồng gối vụ, mùa nào rau nấy nên ngày nào cũng có hàng đi chợ. Ngoài trồng rau, anh Long còn chăn nuôi gà, lợn. Đàn lợn lúc đông nhất là 50 con, đàn gà lên đến cả trăm con. Vì nuôi bằng bã nấu rượu, rau, củ và cám gạo nên lợn, gà lớn nhanh, được thương lái ưa chuộng, tìm mua. Mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí sản xuất, chăn nuôi, anh Long thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga Giáp cho biết, từ khi chấp hành án xong trở về địa phương, anh Mai Văn Long chịu khó làm ăn, không còn tụ tập chơi bời. Mô hình trồng trọt, kết hợp với chăn nuôi lợn, gà của anh Long rất hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho bản thân, gia đình.
Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đối tượng vay vốn gồm: Người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá. Cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Mức vốn vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Với cơ sở sản xuất, kinh doanh thì mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/vuot-qua-lam-loi-lam-lai-cuoc-doi-i721019/