Vượt qua thách thức 'kỷ nguyên số'

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ góp phần tạo thuận lợi cho nhiều lĩnh vực phát triển, trong đó có lĩnh vực thông tin - truyền thông, báo chí. Việc đổi mới tư duy, cách làm báo, đặc biệt là việc tiếp cận với công nghệ với người làm nghề là tất yếu. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nếu không bắt kịp với sự phát triển này, các cơ quan báo chí cũng như đội ngũ người làm báo sẽ bị tụt hậu.

Thách thức thời công nghệ số

Thời điểm hiện tại, nhắc đến những khái niệm như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… hẳn chẳng mấy ai xa lạ.

Với góc độ thông tin, truyền thông, điều bất kỳ ai cũng có thể nhận ra, khoảng 2 năm trở lại đây, Tiktok – một nền tảng mạng xã hội có tốc độ phát triển chóng mặt, sở hữu lượng người dùng khổng lồ, bên cạnh Facebook, Youtube. Sự tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ của các kênh mạng xã hội đã trực tiếp hoặc gián tiếp đẩy các cơ quan báo chí vào cuộc đua về tốc độ cung cấp thông tin. Nói cách khác, báo chí không chỉ còn là phương tiện truyền thông độc quyền, ngoài việc cạnh tranh nội tại thì báo chí còn phải cạnh tranh với nhiều phương tiện truyền thông khác. Và trong dòng chảy đó, báo in dường như trở nên “yếu thế” hơn các loại hình báo chí khác khi lượng phát hành mỗi năm đều có xu hướng sụt giảm. Tương tự, để tồn tại, báo điện tử cũng thường xuyên phải làm mới, cập nhật và tích hợp công nghệ mới, đa phương tiện, đẹp hơn và nhanh hơn.

Công nghệ phát triển giúp cho quá trình tác nghiệp của phóng viên, nhà báo dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng là thách thức lớn, đòi hỏi phóng viên, nhà báo phải học tập không ngừng để làm chủ công nghệ. Ảnh: Đinh Luyện

Công nghệ phát triển giúp cho quá trình tác nghiệp của phóng viên, nhà báo dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng là thách thức lớn, đòi hỏi phóng viên, nhà báo phải học tập không ngừng để làm chủ công nghệ. Ảnh: Đinh Luyện

Bàn về những thách thức của báo chí trong bối cảnh hiện nay, tại tọa đàm “Người làm báo trong kỷ nguyên số”, nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, công nghệ đã và đang làm cho thế giới thay đổi. Mới đây nhất, sự ra đời của các sản phẩm trí tuệ nhân tạo đã đặt ra các vấn đề cấp bách, cần phải giải quyết. Trong đó, đối với bản thân người làm nghề phải nhận thức rõ, để từ đó theo kịp công nghệ và xa hơn là không để công nghệ "giết chết" cảm xúc của người làm báo.

Đồng quan điểm này, nhà báo Nguyễn Văn Học, hiện đang công tác tại Báo Nhân Dân cho rằng, những thách thức của công nghệ số với báo chí là điều những người làm nghề đã và đang phải đương đầu. Tuy nhiên, không vì thế mà báo chí có cái nhìn bi quan. Lấy ví dụ về vấn đề này, theo nhà báo Nguyễn Văn Học, giữa “cuộc chiến” của báo chí và mạng xã hội, hẳn nhiên báo chí không thắng được mạng xã hội về tốc độ đưa tin nhưng sẽ vượt trội hơn về trách nhiệm, tính chuẩn mực và đạo đức làm nghề. Nói cách khác, những người đọc thông minh và tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, họ sẽ căn cứ vào chất lượng của sự thật, chất lượng của bài báo. Nói cách khác, người làm báo, tòa soạn báo sẽ vượt trội hơn mạng xã hội nhờ bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, đạo đức và tâm thế làm nghề với phương châm khách quan, tôn trọng sự thật, vì lợi ích cộng đồng, lợi ích đất nước.

Dù có những lợi thế nhất định, tuy nhiên, báo chí hiện đang phải đối mặt với thách thức lớn khi còn một bộ phận biên tập viên, phóng viên làm báo lâu năm họ “ngại” thay đổi và đón đầu xu hướng công nghệ. Nhiều tờ báo hiện nay như Dân Việt, Dân Trí… đã bắt đầu có các sản phẩm báo chí trên mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok... và hẳn nhiên, những nội dung thông tin thu hút lượng độc giả tiếp cận tương đối cao. Tuy nhiên, việc “ngại” thay đổi khiến một bộ phận người làm báo chưa thực sự thích nghi với tư cách người sản xuất nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội. Việc cập nhật những tính năng mới trong cùng một nội dung thông tin như video, đồ họa… vẫn còn hạn chế. Và hẳn nhiên, tính hấp dẫn của một bài báo với cách thể hiện đơn thuần là chữ và ảnh sẽ kém hấp dẫn hơn với độc giả.

Thay đổi để đáp ứng yêu cầu của xã hội

Thực tế, việc cập nhật công nghệ số trong lĩnh vực báo chí đã được các cơ quan quản lý Nhà nước sớm nhìn nhận và quan tâm. Chẳng hạn, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 100% cơ quan báo chí thực hiện chuyển đối số, đổi mới toàn diện hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ. Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội sẽ trở thành một trong các kênh truyền tải thông tin tuyên truyền chủ lực trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Hay mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. Đặc biệt, trong Quy hoạch, 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số…

Rõ ràng, các hoạch định, đường lối chiến lược cho phát triển báo chí đã có. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra thì còn cần rất nhiều các điều kiện như: hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí số; phát triển nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Trở lại câu chuyện, những thách thức của công nghệ số với báo chí, hiện để thích ứng nhiều tòa soạn báo chí đã xây dựng các chương trình đa phương tiện để hấp dẫn công chúng. Các tác phẩm báo chí đa phương tiện trên các trang báo điện tử ngày càng phổ biến. Trong đó, có nhiều loại hình thông tin được kết hợp với nhau, như: văn bản, hình ảnh, video, đồ họa… góp phần mang mang lại tính tương tác cao, cung cấp thông tin cho độc giả một cách linh hoạt và hấp dẫn hơn.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, dù phải đương đầu với những thách thức từ công nghệ song báo chí truyền thông xét cho cùng cũng là sản phẩm của con người. Nói cách khác, dù ở bất kỳ thời kỳ nào, tinh thần cống hiến, chiến đấu của các nhà báo cũng không thay đổi. Công nghệ số càng phát triển, trách nhiệm của nhà báo càng lớn hơn. Nội dung và công nghệ luôn phải song hành. Trong bối cảnh kỷ nguyên số, nội dung báo chí đương nhiên phải có chất lượng tốt để có bạn đọc. Khi có nội dung tốt thì cần phương tiện truyền thông để giúp lan tỏa.

Dù đối mặt nhiều thách thức, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng công nghệ dù có phát triển song không thể hoàn toàn thay thế nhà báo. Bởi vậy, về cơ bản công tác đào tạo báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng. Dễ thấy, nếu như hiện nay nhờ công nghệ AI chỉ sau vài phút người sử dụng công nghệ đã có những tác phẩm báo chí đa phương tiện, chất lượng. Tuy nhiên, công nghệ không có trái tim, lý tưởng, mục tiêu, giá trị đạo đức, trách nhiệm xã hội. Và khi người làm báo làm chủ được công nghệ, trong các tác phẩm báo chí được tích hợp giải pháp báo chí số thì sức lan tỏa, hấp dẫn, khả năng độ tin cậy… rất cao.

Rõ ràng, trong sự phát triển của công nghệ số, việc người làm báo phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của xã hội là tất yếu. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực, trau dồi kỹ năng và tiếp cận công nghệ từ mỗi người làm báo thì công tác đào tạo cũng hết sức quan trọng. Việc người làm nghề được đào tạo bài bản sẽ giúp tích hợp đa kỹ năng làm báo. Khi có kỹ năng tốt với công nghệ, người làm nghề sẽ chủ động hơn trong việc đưa tin, chọn lọc thông tin và ứng dụng công nghệ vào phân tích, đánh giá vấn đề.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vuot-qua-thach-thuc-ky-nguyen-so-172472.html