Vượt tiền lệ, đón cơ hội

Tính đến hết tháng 5-2022, trung bình cả nước tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phát sinh hồ sơ mới đạt khoảng 30%, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến mới đạt khoảng 32%, trong khi cả nước có trên 97,3% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp dưới hình thức DVCTT mức độ 4. Trong kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, mục tiêu phải đạt 80% DVCTT phát sinh hồ sơ, 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến. Quyết tâm này được Bình Phước cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 170 về triển khai Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm (từ ngày 1-6 đến 31-8-2022) 'Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT; đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số'.

Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã mang lại kết quả bất ngờ. Quá trình triển khai chiến dịch đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm quý cho các sở, ngành, địa phương trong chặng hành trình tiếp theo xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.

Chủ trương đúng, đồng thuận cao, hành động quyết liệt

Trong thời gian đẩy mạnh chiến dịch, ở mỗi sở, ngành, địa phương đều có đặc thù riêng và mỗi nơi có những cách triển khai linh hoạt khác nhau. Tại thị xã Bình Long, trước chiến dịch 92 ngày đêm, đa phần người dân vẫn còn mang hồ sơ đi nộp trực tiếp thì nay đã có sự thay đổi. Chỉ qua vài thao tác hướng dẫn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, trải nghiệm, thực hành thực tế thì nhiều người dân đã có thể sử dụng dịch vụ công để đăng ký nộp các thủ tục hành chính đơn giản tại nhà.

Anh Phạm Nguyễn Thái Duy, phường An Lộc, thị xã Bình Long chia sẻ: “Mình làm thủ tục đăng ký kết hôn, ban đầu cũng mang hồ sơ lên phường để đăng ký nhưng lên đây thì cán bộ công chức hướng dẫn mình nộp trực tuyến. Mình loay hoay mãi vì chưa thực hiện trực tuyến bao giờ, sau vài lần đăng ký thất bại do nhập thiếu hoặc sai thông tin thì mình cũng đã thực hiện thành công. Với những người trẻ, nhanh nhạy tiếp cận công nghệ thì nộp hồ sơ trực tuyến sẽ không là trở ngại cho những lần nộp sau”.

“Sự vào cuộc rất nhanh từ các xã, phường, phòng, ban chuyên môn cùng với tinh thần quyết tâm, sâu sát của lãnh đạo thị xã thì các chỉ tiêu quan trọng đề ra trong chiến dịch đã có sự chuyển biến rất rõ rệt. Trong quá trình triển khai, thị xã đặt mục tiêu mỗi gia đình sẽ có ít nhất một thành viên có thể thực hiện DVCTT. Còn về lâu dài là giúp người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức, thói quen thực hiện các dịch vụ hành chính công từ trực tiếp sang trực tuyến, không để ai phải đi lại nhiều lần” - bà Hoàng Thị Hồng Vân, Chủ tịch UBND thị xã Bình Long nhấn mạnh.

60 tổ công nghệ số cộng đồng ở thị xã Bình Long là nòng cốt đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân

60 tổ công nghệ số cộng đồng ở thị xã Bình Long là nòng cốt đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân

Từ cách làm của thị xã Bình Long có thể thấy, yếu tố quyết định thành công của chiến dịch là sự tham gia của cả hệ thống chính trị và chủ động nhập cuộc của nhân dân. Tinh thần này cũng được lan tỏa trong toàn tỉnh, thể hiện rõ nhất qua các tổ công nghệ số cộng đồng. Toàn tỉnh đã thành lập 111 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 1.080 thành viên, 844 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với gần 6.000 thành viên.

Bà Lê Thị Thanh Nga, Bí thư Chi bộ khu phố 2, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng phường Phước Bình, thị xã Phước Long bộc bạch: “Các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng là đoàn viên thanh niên và cả người lớn tuổi, nắm chắc đặc điểm từng hộ gia đình, khu dân cư và rành về công nghệ nên người biết chỉ cho người chưa biết, cứ thế tạo sức lan tỏa mạnh mẽ”.

Chiến dịch cũng tạo sức “nóng” vì khối lượng công việc của cán bộ, công chức ở cơ sở tăng lên với yêu cầu cao và tiến độ khẩn trương. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức văn phòng đăng ký đất đai các cấp; đội ngũ làm công nghệ thông tin, vận hành Trung tâm IOC thường không có ngày nghỉ, làm việc với trách nhiệm và quyết tâm cao nhất. Do đó cả 8 chỉ tiêu đặt ra trong chiến dịch đều hoàn thành vượt kế hoạch. 100% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện đã phát sinh giao dịch thanh toán lệ phí trực tuyến.

Khi DVCTT được người dân, doanh nghiệp sử dụng thuận tiện, dễ dàng và hài lòng về chất lượng thì đó là thành công của chiến dịch. Nếu chỉ có sự nỗ lực của cán bộ, công chức thì chưa đủ mà mỗi người dân cần tự “nâng cấp” mình thành những “công dân số”, nếu không làm quyết liệt thì khó thực hiện mục tiêu chuyển đổi số tỉnh đã đề ra.

Ông NGUYỄN THANH PHONG,

Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Cơ hội tăng tốc mạnh mẽ

Hiện tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến tỉnh Bình Phước đã tăng lên 100%. Qua đó cho thấy quyết tâm của Bình Phước mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong các cuộc họp đánh giá quá trình triển khai chiến dịch, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh nêu rõ chiến dịch phải tạo chuyển biến thực chất, không làm chung chung, quá trình triển khai minh bạch, trung thực, hiệu quả thực tế chứ không làm hình thức. Và kết quả đạt được của chiến dịch đã chứng minh quyết tâm này.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số ở nhiều địa phương khác cũng đang diễn ra nhưng Bình Phước đã có những thành công nhanh chóng chỉ sau khoảng 3 năm trở lại đây. Với tinh thần quyết tâm, không ngại khó, không bàn lùi, chủ động nhập cuộc, sự quyết liệt của người đứng đầu đã tạo động lực để các sở, ngành, địa phương và nhiều nơi gặt hái những trái ngọt, nền hành chính trong tỉnh đã có những thay đổi rõ rệt từ sau chiến dịch. Tuy nhiên, theo bà Huỳnh Thị Bé Năm, Phó giám đốc Sở Nội vụ thì chuyển đổi số là quá trình dài và kết quả cải cách hành chính, chuyển đổi số hiện nay chỉ là những kết quả bước đầu. Để duy trì và tiếp tục đạt được những thành công hơn nữa trong thời gian tới, chúng ta cần lựa chọn lĩnh vực, nội dung ưu tiên, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để chuyển đổi số diễn ra ngày một thực chất hơn.

Kết thúc chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm, tỷ lệ xử lý DVCTT cấp tỉnh, huyện tăng lên 100%. Trong ảnh: Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng xã Phú Trung, huyện Phú Riềng hướng dẫn người dân sử dụng các phần mềm giải quyết thủ tục hành chính

Trước đây, nói đến Bình Phước người ta nghĩ đến tỉnh nông nghiệp, “vùng trũng“ về công nghệ. Thế nhưng vị trí này đã có sự thay đổi trong những năm gần đây, đặc biệt Bình Phước đã có bước lội ngược dòng, là một trong 10 tỉnh, thành dẫn đầu về chuyển đổi số và định vị vị trí trên bản đồ chuyển đổi số của cả nước. Vị trí này khẳng định nỗ lực không ngừng của Bình Phước trong hành trình xây dựng nền hành chính hiện đại. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định: Kết quả Bình Phước đạt được không chỉ riêng ở Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm mà cả quá trình dài chúng ta đang đi đúng lộ trình đã vạch ra. Chiến dịch không chỉ dừng lại ở ngày 31-8-2022 mà còn tiếp tục thực hiện sâu rộng, thực chất hơn trên cơ sở kết quả đạt được trong chiến dịch lần này.

Kết quả của chiến dịch là cơ sở để tỉnh hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; đồng thời tiếp tục giúp Bình Phước duy trì thứ hạng dẫn đầu về đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Chính từ sự vượt tiền lệ đó đã góp phần đưa Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm về đích như kế hoạch. Đây còn là động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển của Bình Phước không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài trong xu thế hội nhập và phát triển.

Kết thúc chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm, tỷ lệ xử lý DVCTT cấp tỉnh, huyện tăng lên 100%; cấp xã cũng tăng lên 99%, có nhiều địa phương xuất sắc đạt 100%, vượt xa so với mục tiêu của tỉnh đề ra là phải đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn đã giảm xuống dưới 0,4%.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/136493/vuot-tien-le-don-co-hoi