Vượt vũ môn
Sóng to, gió cả dường như đã ở lại phía sau, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua vũ môn trong năm Giáp Thìn 2024 để sẵn sàng bứt phá trong năm Ất Tỵ 2025.
Có lãi trở lại
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán trong những ngày đầu năm mới Dương lịch 2025, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh trong ngành sản xuất tiêu dùng cho biết, trải qua 2 năm Covid-19 trước đó, doanh nghiệp còn không khó khăn như trong năm 2023. Sức cầu yếu, doanh nghiệp khó tiêu thụ hàng, thậm chí nhiều mặt hàng phải bán dưới giá vốn để đẩy hàng tồn kho.
Tuy nhiên, trong gian khó, nhiều ý tưởng được thắp lên, nhất là trong công tác bán hàng, marketing, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, nhờ đó doanh nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024.
Không chỉ doanh nghiệp trên, trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp khác cũng không nhìn thị trường toàn màu tối, mà luôn nỗ lực để tìm ra cơ hội mới.
Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp đã năng động, tìm cách xoay xở, tìm kiếm nguồn vốn ở nhiều kênh khác, lập mô hình dự án thu hút sự hợp tác của nhà đầu tư, khơi thông dòng vốn, nhờ đó đã có lãi trở lại trong năm 2024 sau thời gian dài thua lỗ.
CTCP Masan MEATLife (mã chứng khoán MML) là ví dụ điển hình cho câu chuyện vượt vũ môn thành công trong năm Rồng.
Kể từ quý II/2022 đến quý II/2024, MML có 9 quý ghi nhận lợi nhuận âm. Công ty thực sự thoát lỗ trong quý III/2024 với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 20 tỷ đồng, đánh dấu kỳ đầu tiên có lãi trở lại sau 2 năm vất vả, long đong.
Tăng trưởng doanh thu từ mảng thịt ủ mát, mảng thịt chế biến giúp Công ty có bức tranh kinh doanh sáng hơn.
Cùng với tăng trưởng doanh thu, chi phí sản xuất được kiểm soát tối ưu, đặc biệt là mảng trang trại gà và chi phí thức ăn chăn nuôi giảm đã góp phần làm tăng lợi nhuận. MML cho biết, Công ty đầu tư thêm vào mảng thịt chế biến để đạt được lợi nhuận bền vững.
Năm 2024, MML đặt mục tiêu doanh thu trong khoảng 7.100 - 7.800 tỷ đồng, tương ứng tăng 2 - 12% so với năm 2023 nhờ tập trung đầu tư vào mảng kinh doanh thịt heo, thịt gà có thương hiệu và thịt chế biến.
Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân liên tục được cải thiện khiến nhu cầu tiêu thụ thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam tăng cao. Do đó, ngành thịt của Việt Nam được dự báo sẽ có bước tăng trưởng đáng kể để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Trong đó, riêng thị trường thịt heo và gà có giá trị hơn 15 tỷ USD, là mảng lớn nhất trong ngành F&B. Tuy nhiên, hiện sản lượng thịt sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 95% sức tiêu thụ. Vì vậy, MML có nhiều dư địa để bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, khi đã có công thức chuẩn cho mình trên hành trình chinh phục người tiêu dùng.
Tương tự, CTCP Sản xuất Kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã chứng khoán GIL) từng khiến cổ đông thất vọng trong thời gian dài khi kể từ quý III/2022, kết quả kinh doanh lao dốc do khách hàng lớn nhất là Amazon cắt đơn hàng. Sang năm 2023, lãi ròng của Gilimex giảm tới 92% và dòng tiền kinh doanh ghi nhận mức âm kỷ lục (âm 319 tỷ đồng).
Nhận thấy hoạt động kinh doanh dệt may suy giảm, Gilimex đã chuyển hướng tập trung phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp - lĩnh vực có triển vọng tích cực khi dòng vốn FDI liên tục tăng mạnh trong các năm qua.
Nhờ tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, Gilimex đã thực sự hồi sinh mạnh mẽ từ quý IV/2023, qua đó giúp tránh được một năm thua lỗ. Mức lợi nhuận tiếp tục được duy trì đều đặn trong các quý của năm 2024, dù không có sự đột biến như quý IV/2024.
Bước sang năm 2025, Gilimex được nhận định sẽ bắt đầu tăng tốc ở mảng bất động sản khu công nghiệp. Cụ thể, Công ty Chứng khoán DSC dự phóng, Gilimex có tối thiểu 60 ha bất động sản khu công nghiệp được bàn giao.
Về giá cho thuê, theo DSC, mức giá cho thuê của Gilimex tại Huế đang ở mức khá thấp (từ 65-70 USD/m2), trong khi dự án tại Vĩnh Long diện tích 400 ha, có vị trí thuận lợi giá thuê ở mức 80-100 USD/m2. DSC đánh giá, mảng bất động sản khu công nghiệp là động lực tăng trưởng chính của Gilimex giai đoạn 2023 - 2028.
Đối với mảng dệt may, bước sang năm 2025, với dự báo lượng đơn hàng phục hồi nhờ hàng tồn kho của các doanh nghiệp thời trang giảm dần, tình hình kinh doanh của Gilimex cũng sẽ tích cực hơn. Cùng với mảng bất động sản khu công nghiệp bắt đầu đóng góp tỷ trọng lớn hơn, kết quả kinh doanh của Gilimex được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện tích cực.
Tái cấu trúc thành công
Không riêng MML, GIL, nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất, tiêu dùng đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2024 nhờ tái cấu trúc thành công. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ có thể kể đến Công ty cổ phần Thế giới di động (mã chứng khoán MWG) và Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT).
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG nêu quan niệm: “Tái cấu trúc là văn hóa mới của Công ty, để đảm bảo không có gì dư thừa trên cơ thể”. Do đó, MWG đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược giảm lượng tăng chất.
Nhờ đó, trong 9 tháng đầu năm 2024, dù số cửa hàng của MWG giảm (đóng 55 cửa hàng Thế giới di động, 160 cửa hàng Điện Máy Xanh), nhưng doanh thu tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 99.767 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 2.881 tỷ đồng, gấp 37 lần so với cùng kỳ và về đích trước 3 tháng so với mục tiêu cả năm.
Tương tự, sau mạch thua lỗ từ giữa năm 2023 do thị trường bán lẻ thiết bị công nghệ khó khăn, FPT Retail đã đẩy mạnh tái cấu trúc mảng FPT Shop, qua đó, giúp mảng bán lẻ điện thoại, điện máy có lãi trở lại trong năm 2024.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo FPT Retail cho biết, Công ty đã thử nghiệm chuyển đổi 10 cửa hàng FPT Shop thông thường sang mô hình FPT Shop Điện Máy với điểm khác biệt về sản phẩm gia dụng, điện máy đa dạng, dịch vụ lắp đặt và giao nhận. Công ty mở thêm 50 cửa hàng FPT Shop Điện Máy trong quý IV/2024, mở rộng dư địa tăng trưởng.
Điển hình cho câu chuyện tái cấu trúc thành công trong năm 2024 là Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC). Trong 2 năm 2022 và 2023, Hòa Bình thua lỗ kỷ lục lần lượt là 2.570,8 tỷ đồng và 1.115,34 tỷ đồng, nhưng trong 9 tháng năm 2024, Công ty đã ghi nhận có lãi trở lại hơn 842 tỷ đồng.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Bình cho biết, Công ty đã vượt qua khó khăn về tài chính, đang nỗ lực tìm kiếm các dự án để làm nhà thầu. Đặc biệt, việc thị trường địa ốc đã có tín hiệu tích cực trở lại, mở ra cơ hội tốt cho Công ty.
Cuối tháng 11/2024, Hòa Bình đã trúng thầu thi công kết cấu phần thân cho 3 tòa tháp cao 38 tầng và 6 tầng khối đế thuộc dự án Khu đô thị thương mại và dịch vụ thể thao cao cấp Newtown (Newtown Diamond), trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Dự án do Công ty TNHH Phát triển Newtown làm chủ đầu tư, tọa lạc trên quỹ đất 1,4 ha tại TP. Đà Nẵng.
Trước đó, Hòa Bình đã trúng thầu dự án Eaton Park trị giá 1.900 tỷ đồng, đánh dấu chuỗi thắng lợi ấn tượng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Ông Hải khẳng định, sẽ sớm đưa cổ phiếu HBC trở lại niêm yết trên HOSE, đảm bảo lợi ích của cổ đông.
Có thể thấy, sau cuộc đại phẫu nhiều đau đớn, sức khỏe của không ít doanh nghiệp đang dần hồi phục trong năm Giáp Thìn 2024 và sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trong năm Ất Tỵ 2025.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/vuot-vu-mon-post362425.html