Washington lo ngại ông Trump phóng vũ khí hạt nhân vào tuần cuối cùng
Tổng thống Mỹ có quyền điều quân đội đàn áp bất ổn dân sự và phóng vũ khí hạt nhân. Sau cuộc bạo động ngày 6/1, nhiều người lo ngại ông Trump sẽ có hành động gây nguy hiểm cho Mỹ.
Dù chỉ còn hơn một tuần là nhiệm kỳ của ông Trump sẽ hết, người ta ngày càng lo ngại về quyền hạn của ông trong vai trò tổng tư lệnh quân đội Mỹ và tình trạng của hệ thống chỉ huy lực lượng này.
Bên cạnh đó, người dân phải đọc nhiều tin tức hỗn loạn về vai trò của Phó tổng thống Mike Pence trong việc triển khai Vệ binh Quốc gia ứng phó với cuộc bạo loạn.
Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu hệ thống chỉ huy có bị phá vỡ vào ngày 6/1 hay không, mặc dù Lầu Năm Góc khẳng định chuyện này chưa bao giờ xảy ra.
Trong khi đó, ông Trump vẫn có quyền điều quân đội dập tắt bất ổn dân sự, bên cạnh quyền lực gần như tuyệt đối trong việc phóng vũ khí hạt nhân. Căng thẳng giữa Mỹ với các điểm nóng toàn cầu như Iran vẫn có thể bùng phát trong hai tuần tới.
Mối lo ngại về an ninh quốc gia đang dẫn đến nhiều lời kêu gọi cách chức ông Trump trước lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20/1.
Ai là người điều Vệ binh Quốc gia?
Ngày 8/1, Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sĩ Dân chủ Nancy Pelosi cho biết bà đã gọi cho Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Mark Milley để thảo luận về cách ngăn ông Trump khơi mào chiến tranh hoặc phóng vũ khí hạt nhân.
“Vị tổng thống rối trí này khiến tình hình không thể nguy hiểm hơn. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân Mỹ khỏi đòn tấn công của ông ấy với đất nước và nền dân chủ”, bà Pelosi viết trong bức thư gửi các đồng nghiệp, tiết lộ chi tiết về cuộc gọi.
Ông Milley là cố vấn quân sự hàng đầu của tổng thống nhưng nằm ngoài hệ thống chỉ huy. Trong cuộc gọi với bà Pelosi, ông Milley “trả lời các câu hỏi của bà liên quan đến thẩm quyền chỉ huy việc sử dụng vũ khí hạt nhân”, người phát ngôn của tổng tham mưu cho biết. Người này không cung cấp thêm chi tiết của cuộc gọi.
Tuy vậy, cuộc gọi cho thấy mối quan tâm sâu sắc của các nhà lập pháp trong việc phải làm gì sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol.
Ngày 6/1, ngay sau khi ông Trump kêu gọi những người ủng hộ tuần hành đến tòa nhà quốc hội, một đám đông trong số đó đã tràn vào Điện Capitol, đập vỡ cửa kính, lục lọi văn phòng và trộm cắp tài sản.
Một sĩ quan cảnh sát Capitol chết vì bị thương trong cuộc bạo loạn và một người biểu tình bị cảnh sát Capitol bắn chết. Ba người khác chết vì “bị thương nặng”.
Sau cuộc tấn công, các hạ nghị sĩ Dân chủ muốn luận tội ông Trump lần hai hoặc gây sức ép buộc Phó tổng thống Mike Pence và nội các kích hoạt Tu chính án thứ 25 để phế truất tổng thống. Phó tổng thống Pence chưa phản hồi về yêu cầu này, trong khi việc luận tội có thể không diễn ra đủ nhanh để phế truất ông Trump trước ngày 20/1. Tuy vậy, nếu bị kết tội, tổng thống sẽ không thể ra tranh cử lần nữa.
Để kích hoạt Tu chính án thứ 25, phó tổng thống và đa số thành viên nội các cần phải tuyên bố ông Trump không thể thực hiện các nhiệm vụ của tổng thống, và phế truất ông.
Trong sự kiện ngày 6/1, vai trò của ông Trump trong việc làm tổng tư lệnh cũng bị đem ra “mổ xẻ”.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller cho biết ông đã thông báo việc triển khai toàn bộ Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Washington D.C. gồm 1.100 quân với các lãnh đạo. Những người này gồm ông Pence, bà Pelosi, lãnh đạo phe đa số Hạ viện Steny Hoyer, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell và lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer.
Điều đáng chú ý là ông Miller là không đề cập đến Tổng thống Trump.
Vì Washington D.C. không phải là một tiểu bang, lực lượng Vệ binh Quốc gia của thành phố này do ông Trump chỉ huy. Tuy nhiên, tổng thống có thể giao quyền đó cho bộ trưởng Quốc phòng và bộ trưởng Quốc phòng có thể ủy quyền cho bộ trưởng Lục quân.
Tối 6/1, New York Times đưa tin chính ông Pence, chứ không phải Tổng thống Trump, ra lệnh triển khai Vệ binh Quốc gia. Các hãng tin khác cho biết ông Miller hỏi ý phó tổng thống trước khi ra lệnh.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc bác bỏ tuyên bố đó vào ngày 7/1. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman nói ông Miller là người ra lệnh và Phó tổng thống Pence “không nằm trong hệ thống chỉ huy”.
Thay vào đó, ông Miller báo cho phó tổng thống và các nhà lãnh đạo quốc hội ngay sau khi triển khai quân tiếp viện, ông Hoffman cho biết.
Tổng thống Trump vào đầu tuần cũng trực tiếp yêu cầu ông Miller nên thực hiện bất kỳ hành động cần thiết nào để hỗ trợ Điện Capitol và các cơ quan thực thi pháp luật địa phương khác, theo người phát ngôn.
Peter Feaver, chuyên gia về quan hệ dân sự - quân sự tại Đại học Duke, nói với The Hill rằng ông không lo ngại về sự phá vỡ hệ thống chỉ huy vào ngày 6/1. Ông Feaver cũng nhận định “có vẻ” ông Miller trao đổi với phó tổng thống về thẩm quyền đã được ông Trump trao cho.
"Quyền phóng vũ khí hạt nhân nằm trong tay người kích động bạo loạn"
Ngay cả trước vụ bạo loạn ngày 6/1, những người chỉ trích lo ngại ông Trump có thể lạm dụng quyền lực và thực hiện một số hành động quân sự hoặc dùng tình trạng bất ổn dân sự như cái cớ để quân đội giúp ông tiếp tục nắm quyền.
Giờ đây, những người chỉ trích đang gióng lên hồi chuông cảnh báo.
“Với quyền lực của tổng thống Mỹ, bao gồm quyền chỉ huy quân đội mạnh nhất thế giới, ông Trump vẫn nắm trong tay khả năng gây thiệt hại lớn hơn nữa cho nước Mỹ và thế giới”, tướng về hưu John Allen, người chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Afghanistan, viết trên Foreign Policy.
"Sau các sự kiện ngày 6/1, ông Trump phải bị tước quyền lực của vị trí tổng tư lệnh", theo bài viết.
Vào tuần trước, Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế - chuyên cảnh báo tình trạng bất ổn - viết rằng “tổng thống Mỹ có sức mạnh phi thường, từ quyền dùng lực lượng vũ trang để dập tắt bất ổn dân sự cho đến khả năng phóng vũ khí hạt nhân. Sức mạnh này đang nằm trong tay một tổng thống đã kích động hành động nổi dậy chống lại nhánh lập pháp của chính quyền Mỹ".
Ngoài cuộc gọi của bà Pelosi với ông Milley, các hạ nghị sĩ Dân chủ của California Ted Lieu, Salud Carbajal và Jimmy Panetta ngày 8/1 đã viết thư cho ông Miller. Họ thúc giục người đứng đầu Lầu Năm Góc thực hiện các bước để kiềm chế khả năng tấn công hạt nhân của ông Trump. Họ nhắc đến tiền lệ khi Tổng thống Nixon chuẩn bị rời nhiệm sở.
Những ngày cuối nhiệm kỳ của ông Nixon, bộ trưởng Quốc phòng khi đó, James Schlesinger, đã ra lệnh cho các chỉ huy quân sự trao đổi với ông hoặc Ngoại trưởng Henry Kissinger trước khi thực hiện lệnh phóng hạt nhân.
“Donald Trump đang xa rời thực tế, giận dữ và có những hành động tồi tệ”, Lieu, Carbajal và Panetta viết.
"Để bảo vệ đất nước của chúng ta khỏi thảm họa tiềm tàng, cần phải thực hiện các bước tương tự những gì diễn ra vào tháng 8/1974", theo bức thư.
Tổng thống là người duy nhất có quyền ra lệnh tấn công hạt nhân. Các chỉ huy quân đội có thể không tuân theo mệnh lệnh bất hợp pháp. Tuy nhiên, một số người nói rằng như vậy vẫn chưa đủ.
“Không có kiểm tra và cân bằng quyền lực, không có cách nào để quốc hội hoặc bất kỳ quan chức chính phủ nào can thiệp (vào lệnh phóng hạt nhân)”, ông Derek Johnson, Giám đốc của Global Zero, phong trào đấu tranh cho việc loại bỏ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới, tuyên bố sau cuộc bạo động ở Điện Capitol.
Ngày 5/1, một ngày trước khi xảy ra bạo loạn, người giám sát lực lượng hạt nhân của Mỹ được hỏi ông sẽ làm gì nếu Tổng thống Trump ra lệnh tấn công hạt nhân vào Iran.
Đô đốc Charles Richard, Tư lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến lược, trả lời ông sẽ "tuân theo bất kỳ mệnh lệnh đúng luật nào ông nhận được" và "không tuân theo bất kỳ mệnh lệnh bất hợp pháp nào".
Tuy nhiên, ông Richard nói thêm rằng ông đang kêu gọi “dân quản quân”, tức giao quyền quyết định tối cao các vấn đề chiến lược, trật tự xã hội và an ninh quốc gia trong tay của các chuyên gia chính trị dân sự mà không phải là các tướng quân đội chuyên nghiệp.
Ông Feaver, người cũng là cố vấn Nhà Trắng cho cựu Tổng thống George W. Bush, nhấn mạnh quân đội "sẽ không thực hiện các mệnh lệnh bất hợp pháp".
“Nếu tổng thống, bất kỳ tổng thống nào, mất kiểm soát và đưa ra những mệnh lệnh điên rồ, quân đội sẽ phải kiểm tra nhiều thứ để đảm bảo rằng những mệnh lệnh đó là hợp pháp”, ông nói với The Hill.
“Một hành động trong số đó là thảo luận với các thành viên còn lại trong đội ngũ cấp cao của tổng thống. Đó là lý do những người có vai trò quan trọng trong hệ thống chỉ huy nên tiếp tục ở lại vị trí chứ không phải từ chức vào thời điểm này", ông Feaver nói thêm.