WB: GDP Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6,1% và nhích lên 6,5% vào năm 2025

Ngân hàng Thế giới dự báo, GDP Việt Nam năm 2024 có thể đạt mức tăng trưởng 6,1%. Trong 2 năm 2025 và 2026, mức tăng trưởng sẽ nhích lên 6,5%.

Sáng 26/8, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức họp báo công bố báo cáo điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và dự báo kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và năm 2026.

Theo báo cáo của WB, trong nửa đầu năm 2024, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,4%, cao hơn mức 5% so với cùng kỳ năm 2023. Một số động lực hỗ trợ kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong thời gian qua, đó là xuất nhập khẩu tăng mạnh hơn so với dự kiến, thương mại trong nước từng bước hồi phục. Đồng thời, chỉ số sản xuất công nghiệp, đặc biệt ở trong lĩnh vực chế biến chế tạo tăng mạnh.

 Họp báo công bố báo cáo điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và dự báo kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và năm 2026. (Ảnh:S T)

Họp báo công bố báo cáo điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và dự báo kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và năm 2026. (Ảnh:S T)

Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm sáng” của nền kinh tế, WB cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn chưa phục hồi như trước đại dịch.

Đơn cử, mặc dù lãi suất hiện nay tương đối thấp, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, điều này cho thấy nhu cầu đầu tư trong nước vẫn còn yếu. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang tăng trở lại, nhưng áp lực trả nợ lại gia tăng. Chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là một mối quan ngại kể từ năm 2023 khi tỷ lệ nợ xấu và dự phòng tổn thất tín dụng tăng lên.

Trước thực tế này, WB nhận định, năm 2024, GDP Việt Nam có thể đạt mốc tăng trưởng 6,1% và tăng lên 6,5% vào các năm 2025 và năm 2026. Đồng thời, WB kiến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công để vừa kích cầu ngắn hạn, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, giao thông - logistics, vốn đang là những nút thắt cản trở tăng trưởng. Bên cạnh đó cần theo dõi sát sao chất lượng tài sản của các ngân hàng do nợ xấu gia tăng.

"Trong nửa đầu năm nay nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi do nhu cầu hàng xuất khẩu phục hồi. Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trong thị trường tài chính”, ông Sebastian Eckardt, Trưởng Ban Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới cho biết.

Báo cáo của WB nhấn mạnh, phát triển các thị trường vốn sẽ tạo ra nguồn vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam cần có khung chính sách mạnh mẽ hơn, trong đó bảo hiểm xã hội sẽ trở thành một nhân tố chính đẩy mạnh sự phát triển của thị trường vốn.

Các chính sách cần tạo điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Kết hợp với những cải cách nhằm nâng cao minh bạch thị trường và bảo vệ các nhà đầu tư, giúp thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài.

Sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong khu vực tài chính là một yếu tố quan trọng góp phần đạt được những mục tiêu đó.

"Hàng tỷ USD của các quỹ đầu tư trên toàn cầu sẽ được rót vào vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi. Việt Nam cần từng bước đa dạng hóa kênh đầu tư quỹ của bảo hiểm xã hội để cải thiện lợi nhuận dài hạn; tăng nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư vào khu vực doanh nghiệp", ông Ketut Ariadi Kusuma - chuyên gia cao cấp về khu vực tài chính của WB khuyến nghị.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/wb-gdp-viet-nam-nam-2024-co-the-dat-61-va-nhich-len-65-vao-nam-2025-post309279.html