WB khẳng định không nên tích trữ lương thực và xăng dầu
Một cơ sở khai thác dầu tại khu vực al-Khurj, phía nam thủ đô Riyadh, Ả-rập Xê-út. Ảnh: AFP/TTXVN
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass khẳng định người dân và doanh nghiệp không nên tích trữ lương thực và xăng dầu trong bối cảnh giá các mặt hàng này tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Phát biểu ngày 14/3 tại một sự kiện trực tuyến do báo Washington Post tổ chức, Chủ tịch Malpass nhận định các biện pháp trừng phạt sẽ có tác động lớn hơn đối với sản lượng kinh tế toàn cầu so với chính cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, dựa trên các đánh giá hiện nay, ông không cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ đặt dấu chấm hết cho đà phục hồi kinh tế và làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Chủ tịch WB hy vọng các nhà sản xuất trên thế giới sẽ phản ứng mạnh mẽ để tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu thực tế và người dân không cần phải tích trữ lương thực.
Ông cũng dự báo nguồn cung năng lượng bên ngoài Nga và nguồn cung lương thực bên ngoài Nga và Ukraine sẽ tăng mạnh, qua đó giảm thiểu tác động của việc giá cả leo thang và giúp duy trì đà phục hồi kinh tế.
Chủ tịch Malpass tin tưởng nguồn cung năng lượng có thể tăng nhanh hơn nguồn cung lương thực do việc điều chỉnh trong ngành nông nghiệp thường mất khoảng một năm. Chủ tịch WB nhấn mạnh việc cần làm trong tình hình hiện nay không phải là đi mua lương thực và xăng để dự trữ, mà mỗi người dân trên thế giới cần nhận thức được rằng nền kinh tế toàn cầu hết sức năng động và sẽ phản ứng phù hợp, đảm bảo đủ nguồn cung.
Trong khi đó, giá dầu thế giới giảm hơn 5% trong phiên ngày 14/3 xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần trong bối cảnh thị trường hy vọng về một tiến triển ngoại giao nhằm chấm dứt căng thẳng giữa Nga - Ukraine, một diễn biến sẽ thúc đẩy nguồn cung toàn cầu.
Trong khi đó, lệnh cấm đi lại liên quan đến dịch COVID-19 tại Trung Quốc đang làm dấy lên nghi ngại về vấn đề nhu cầu. Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 5,77 USD/thùng (5,1%) xuống 106,90 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 6,32 USD/thùng (5,8%) xuống 103,01 USD/thùng. Đây là mức đóng phiên thấp nhất của dầu WTI kể từ ngày 28/2 và của dầu Brent kể từ ngày 1/3.
Giá hai loại dầu chủ chốt này đã bắt đầu tăng mạnh kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2 và đã tăng gần 36% kể từ đầu năm đến nay. Kaushal Ramesh, nhà phân tích thuộc công ty dịch vụ năng lượng Rystad Energy (Na Uy) cho biết giá dầu giảm do kỳ vọng về những diễn biến tích cực trong cuộc đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine.
Các phái đoàn của Nga và Ukraine đã tổ chức một cuộc đàm phán trực tuyến hôm 14/3 song không có tiến triển mới nào được đưa ra. Các nhà phân tích tại tập đoàn tư vấn năng lượng EBW Analytics (Mỹ) lưu ý rằng một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới tại Trung Quốc đang dẫn đến tình trạng phong tỏa tại một tỉnh ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc, điều này có thể làm giảm nhu cầu năng lượng trên toàn cầu do Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than lớn nhất thế giới.
Hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) dẫn nguồn tin thân cận cho biết sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga tính đến thời điểm này đã tăng lên 11,12 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2022, bất chấp các lệnh trừng phạt.
Cũng theo Reuters, ngày 14/3, Liên minh châu Âu đang chuẩn bị đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty dầu mỏ của Nga là Rosneft, Transneft và Gazpromneft, nhưng sẽ tiếp tục mua hàng từ các công ty này.
Ba công ty kể trên dự kiến sẽ phải đối mặt với lệnh cấm đầu tư, đóng băng nguồn tài trợ cho các dự án phát triển và thăm dò của họ đối với tất cả các loại nhiên liệu có nguồn gốc từ EU. Mặc dù vậy, theo nguồn tin của Reuters, nhiều chính phủ các nước thành viên EU đã yêu cầu quyền miễn trừ cho phép các công ty EU tiếp tục mua dầu từ Nga.
Chính yêu cầu này đã dẫn đến sự chậm trễ trong việc phê duyệt các biện pháp trừng phạt mới, vốn ban đầu được cho là thông qua trong ngày 13/3.