WB: Sự phục hồi kinh tế Nam Á sau đại dịch vẫn còn 'bấp bênh'

Sự phục hồi kinh tế của khu vực Nam Á được duy trì nhờ nhu cầu hàng hóa phục hồi trên toàn cầu và các biện pháp hiệu quả đã giúp giảm thiểu tác động kinh tế từ các đợt bùng phát dịch COVID-19.

Tuy vậy, đà phục hồi này vẫn còn khá mong manh và không đồng đều, với hầu hết các quốc gia hiện vẫn còn cách xa xu hướng phát triển trước đại dịch.

WB dự báo tăng trưởng kinh tế Nam Á sẽ đạt 7,1% trong năm 2021 và 2022. Ảnh minh họa: AFP

WB dự báo tăng trưởng kinh tế Nam Á sẽ đạt 7,1% trong năm 2021 và 2022. Ảnh minh họa: AFP

Đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) được nêu ra trong báo cáo về Tiêu điểm kinh tế Nam Á mới nhất có tiêu đề "Xu hướng chuyển dịch: Sự phát triển được dẫn dắt bởi số hóa và dịch vụ".

Trong báo cáo cập nhật hai lần trong một năm, WB dự báo tăng trưởng kinh tế Nam Á sẽ đạt 7,1% trong năm 2021 và 2022.

Mặc dù con số này cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ từ sự suy yếu kinh tế khu vực này trong năm 2020, song nó lại diễn ra không đồng đều giữa các quốc gia và các lĩnh vực.

WB dự báo tăng trường kinh tế Nam Á sẽ đạt mức trung bình 3,4% trong giai đoạn năm 2020-2023, thấp hơn ba điểm phần trăm so với giai đoạn bốn năm trước đại dịch.

Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất Nam Á, dự kiến sẽ tăng trưởng 8,3% trong năm tài chính 2021-2022, được hỗ trợ bởi việc đẩy mạnh đầu tư công và các biện pháp khuyến khích sản xuất.

Tại Bangladesh, xuất khẩu và tiêu dùng tiếp tục phục hồi sẽ giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này đạt 6,4% trong năm tài chính 2021-2022.

Còn tại Maldives, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ đạt 22,3% vào năm 2021, nhờ sự phục hồi của ngành du lịch.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Nam Á Hartwig Schafer cho biết, đại dịch đã có những tác động sâu sắc đến nền kinh tế Nam Á.

Trong tương lai, khu vực này sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tiêm chủng, sự xuất hiện tiềm ẩn các biến thể mới của virus SARS-COV-2, cũng như bất kỳ sự chậm lại đáng kể nào trong đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ông Schafer nhấn mạnh, mặc dù sự phục hồi trong ngắn hạn là quan trọng, nhưng các nhà hoạch định chính sách Nam Á cũng nên nắm bắt cơ hội để giải quyết những thách thức sâu xa và theo đuổi một con đường tăng trưởng xanh, với khả năng chống chịu tốt và toàn diện.

Đại dịch COVID-19 đã để lại những “vết sẹo” lâu dài đối với nền kinh tế của khu vực, những tác động của nó có thể kéo dài đến quá trình phục hồi.

Nhiều quốc gia đã đối mặt với tình trạng dòng vốn đầu tư giảm mạnh, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực hao hụt, cũng như mức nợ tăng đáng kể. Theo ước tính, đại dịch đã khiến 48 -59 triệu người ở Nam Á rơi vào cảnh nghèo đói trong năm 2021.

Báo cáo của WB lưu ý, khi các quốc gia vực dậy mạnh mẽ hơn, họ có thể xem xét lại các mô hình phát triển dài hạn của mình. Với sự xuất hiện của nhiều công nghệ kỹ thuật số mới, Nam Á có cơ hội chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống dựa vào sản xuất và tận dụng tiềm năng của lĩnh vực dịch vụ./.

Minh Trang (Theo THX)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/wb-su-phuc-hoi-kinh-te-nam-a-sau-dai-dich-van-con-bap-benh/216032.html