WHO bỏ ba biến thể nCoV khỏi danh sách cần quan tâm

Ba biến thể Eta, Iota và Kappa được phát hiện vào cuối năm ngoái, đã bị Delta lấn át trên khắp thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hạ cấp ba biến thể virus SARS-CoV-2 từ "biến thể cần quan tâm" xuống "biến thể đang theo dõi" sau khi sự phổ biến của chúng bị cản trở bởi các biến thể khác, đặc biệt là Delta.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Eta, Iota và Kappa từng được phân loại là biến thể cần quan tâm do khả năng dễ lây lan và gây bệnh nặng. Sự hiện diện của ba biến thể này trên khắp thế giới khiến các quan chức WHO tin rằng chúng gây nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng.

Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO, cho biết: "Các biến thể được quan tâm trên bị lấn át bởi các biến thể gây lo ngại".

Biến thể Kappa được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10, tiếp theo là biến thể Iota ở Mỹ vào tháng 11 và sau đó là Eta ở nhiều quốc gia vào tháng 12. Eta và Iota dường như lây lan nhanh hơn Kappa, được ghi nhận là biến thể cần quan tâm vào tháng 3. Kappa được đưa vào danh sách trong tháng 4.

Iota đã được chứng minh là phổ biến nhất trong 3 biến thể, nhưng vẫn chỉ đạt mức cao nhất là 3% của tất cả các mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene. Kappa đạt đỉnh 1% và Eta chưa bao giờ phá vỡ mốc 1%.

Cả ba đã có sự suy giảm đáng kể trong việc lây truyền, cho thấy có rất ít hoặc biến mất khỏi ở các khu vực trước đây ghi nhận nhiều ca mắc.

Mặc dù WHO không còn coi các biến thể Kappa, Iota và Eta là nguy cơ toàn cầu, nhưng chúng có thể vẫn nằm trong danh sách của một quốc gia. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hiện không chỉ định các biến thể được quan tâm.

Với sự thay đổi liên quan tới Kappa, Iota và Eta, hiện danh sách biến thể cần quan tâm của WHO chỉ còn Lambda và Mu.

Để được coi là một biến thể cần quan tâm, chủng virus phải dễ lan hơn, nguy hiểm hơn, khó phát hiện khi xét nghiệm, khó điều trị và có khả năng lây truyền đáng kể ở một khu vực hoặc nhiều quốc gia.

Biến thể Mu và Lambda đều được đánh giá có những đặc điểm giúp chúng kháng lại vắc xin. Tuy nhiên, cả hai đều không phải là chủng vượt trội ở bất kỳ quốc gia nào và cũng đang bị Delta lấn át.

Khoảng 6.600 mẫu bệnh phẩm được ghi nhận có biến thể Lambda, 80% được tìm thấy ở Nam Mỹ. Khoảng 30% trong 6.000 mẫu chứa biến thể Mu cũng ở khu vực này.

Theo bà Van Kerkhove, sự chậm trễ trong việc giải mã trình tự gene virus SARS-CoV-2 đặt ra thách thức trong việc xác định sự hiện diện của một biến thể có đang tăng lên hay không. Điều đó đồng nghĩa có khả năng mất vài tuần trước khi các nhà nghiên cứu biết được tác động của Lambda và Mu.

Các nhà nghiên cứu không chỉ theo dõi sự tiến hóa của các biến thể so với chủng ban đầu, mà còn chú ý đến mức độ lưu hành của chúng.

WHO lưu ý, sự phân loại thay đổi dựa trên khả năng một biến thể đang lây lan. Kappa, Iota và Eta cũng có thể được đưa trở lại biến thể của danh sách quan tâm vào một thời điểm nào đó.

An Yên (Theo Newsweek)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/who-bo-ba-bien-the-ncov-khoi-danh-sach-can-quan-tam-777324.html