WHO cảnh báo châu Âu trước 'bão lây nhiễm' Omicron
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu ngày 21/12 cảnh báo, các quốc gia ở khu vực này cần chuẩn bị để đối mặt với 'sự gia tăng đáng kể' các ca nhiễm Covid-19 trong bối cảnh biến thể mới Omicron đang lan rộng.
Kể từ khi lần đầu tiên xuất hiện vào cuối tháng 11, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã được phát hiện ở ít nhất 38 trong số 53 quốc gia châu Âu là thành viên của WHO. Trong đó, Omicron đã trở biến chủng vượt trội ở một số nước, bao gồm Đan Mạch, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh, theo Giám đốc WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge.
Phát biểu tại 1 cuộc họp báo ở Vienna (Áo), ông Kluge, cảnh báo: “Một “cơn bão” lây nhiễm khác sắp đến. Trong vòng vài tuần tới, Omicron được dự báo sẽ “thống trị” nhiều quốc gia hơn nữa trong khu vực, đẩy các hệ thống y tế vốn đã căng thẳng đến cực hạn”.
Dữ liệu của WHO cho thấy khu vực này trong những tuần gần đây đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao nhất so với quy mô dân số hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Ngay cả trước khi Omicron xuất hiện, WHO cũng đã cảnh báo châu Âu rất có thể sẽ phải chứng kiến thêm 700 nghìn ca tử vong vì Covid-19 cho đến tháng 3 năm sau.
Theo ông Kluge, cho đến nay, 89% các ca nhiễm Omicron ở châu Âu có các triệu chứng mắc Covid-19 phổ biến như ho, đau họng và sốt. Hầu hết các ca nhiễm được ghi nhận ở những người trưởng thành trong độ tuổi 20 và 30, chủ yếu lây lan ở khu vực đô thị, tại các sự kiện xã hội và nơi làm việc.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu cảnh báo, số lượng lớn các ca nhiễm mới có thể dẫn đến thêm nhiều ca phải nhập viện hơn, gây gián đoạn hệ thống y tế và các dịch vụ quan trọng khác. Do đó, ông Kluge khuyến cáo các chính phủ và cơ quan chức năng khu vực cần chuẩn bị sẵn sàng các hệ thống ứng phó trước sự gia tăng đáng kể các ca nhiễm sắp tới.
Theo trang thống kê worldometers.info, trong 24 giờ qua, thế giới có trên 744 nghìn ca nhiễm mới Covid-19, trong đó riêng châu Âu đã chiếm tới gần 56%. Anh, Pháp và Tây Ban Nha là 3 nước có số ca nhiễm mới cao nhất châu lục, lần lượt với 90.629 ca, 72.832 ca và 49.823 ca, xếp sau Mỹ, quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới 24 giờ qua (trên 181 nghìn ca).
Tính đến 9 giờ sáng 22/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 276,56 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 5,38 triệu người không qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục hiện là hơn 248 triệu người.
Trong bối cảnh đó, cả Mỹ và các nước châu Âu đều đang siết chặt các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng tại các quốc gia này.
Ủy ban châu Âu ngày 21/12 thông báo chứng nhận Covid-19 kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU) phục vụ mục đích đi lại của người dân các nước thành viên sẽ chỉ có thời hạn trong 9 tháng, sau khi hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19.
Quy định mới sẽ có hiệu lực đối với 27 quốc gia thành viên EU từ ngày 1/2 năm sau. Theo đó, các quốc gia EU sẽ cho phép những hành khách đã được tiêm phòng đầy đủ có thẻ thông hành hợp lệ được nhập cảnh.
Một số quốc gia EU khác gồm Italia, Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Latvia, Síp và Áo cũng đã áp dụng yêu cầu hành khách được tiêm phòng đầy đủ từ các quốc gia EU khác phải có kết quả xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cùng ngày cho biết, Chính phủ Anh sẽ không áp dụng các hạn chế mới trước Giáng sinh, nhưng không loại trừ khả năng các biện pháp nghiêm ngặt hơn sẽ được tiến hành sau đó, trước bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nước này.
Anh đã ghi nhận mức tăng cao kỷ lục các ca nhiễm Covid-19 trong tuần qua, trong đó biến thể Omicron tiếp tục lan rộng và số ca nhập viện cũng đang tăng lên nhanh chóng.
Ông Johnson nói thêm: “Không loại trừ bất kỳ biện pháp nào tiếp theo sau Giáng sinh. Chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt diễn biến của Omicron và nếu tình hình xấu đi, chính phủ sẵn sàng hành động nếu cần thiết”.
Truyền thông Anh trước đó đưa tin, các biện pháp hạn chế tạm thời kéo dài từ 2 tuần đến 1 tháng nhiều khả năng sẽ được áp dụng sau Giáng sinh, bao gồm giới hạn số người dự các sự kiện xã hội cũng như hạn chế tụ tập trong không gian kín.
Chính phủ Thụy Điển ngày 21/12 thông báo, nước này sẽ áp dụng các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn, đồng thời khuyến khích làm việc tại nhà trong bối cảnh lo ngại gia tăng các ca bệnh mới và biến thể Omicron lây lan.
Cơ quan Y tế công cộng Thụy Điển dự báo tốc độ lây nhiễm sẽ tăng lên trong những tuần tới, chủ yếu là do biến thể Omicron dễ lây lan. Dự kiến đến giữa tháng 1 năm sau, mức tăng cao nhất có thể lên tới 15 nghìn ca bệnh mỗi ngày trong kịch bản xấu nhất - con số kỷ lục tại Thụy Điển kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020.
Trong giai đoạn thứ hai của kế hoạch, Chính phủ Thụy Điển sẽ áp dụng những biện pháp hạn chế mới, bao gồm giới hạn 50 người tại các cuộc họp riêng và yêu cầu xuất trình thẻ tiêm chủng khi đến các sự kiện công cộng có quy mô hơn 500 người. Các quán bar và nhà hàng chỉ phục vụ số lượng giới hạn khách, trong khi các cửa hàng cũng được yêu cầu giới hạn số lượng khách hàng để tránh tình trạng đông đúc.
Trước đó, đầu tháng này, Thụy Điển đã tái áp dụng trở lại một số biện pháp hạn chế, bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Chính phủ Thụy Điển cũng đã cảnh báo các biện pháp thắt chặt tiếp theo có thể phải áp dụng nếu tình hình xấu đi.
Bồ Đào Nha ngày 21/12 ban hành quy định phòng dịch mới, trong đó yêu cầu đóng cửa các hộp đêm và quán bar, cũng như bắt buộc làm việc tại nhà ít nhất 2 tuần kể từ thứ bảy tới, nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ.
Theo Thủ tướng Antonio Costa, các cửa hàng cũng phải hạn chế số lượng khách, trong khi người dân cũng cần có xét nghiệm âm tính khi sử dụng dịch vụ lưu trú khách sạn hoặc dự các sự kiện công cộng. Nhà chức trách cũng sẽ giới hạn tụ tập ngoài trời ở mức 10 người/nhóm vào thời điểm ngày cuối năm, cùng với yêu cầu bắt buộc có xét nghiệm âm tính khi đến các nhà hàng hoặc tham dự các sự kiện ở không gian công cộng.
Cũng theo ông Costa, hầu hết các biện pháp trên ban đầu dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 1 năm sau, nhưng tình hình dịch bệnh hiện nay buộc chính phủ phải thực hiện trước thời hạn.
Trong 1 báo cáo đưa ra cùng ngày, Viện Y tế quốc gia Bồ Đào Nha cho biết, gần 50% trường hợp nhiễm Covid-19 mới ở Bồ Đào Nha là do biến thể Omicron. Theo Bộ trưởng Y tế Marta Temido, số ca nhiễm Omicron ở nước này hiện tăng gấp đôi cứ sau 2 ngày và có thể chiếm 80% tổng số ca mắc mới vào cuối tháng.
Tại Đức, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết sẽ áp dụng các biện pháp phòng dịch mới, bao gồm hạn chế các cuộc tụ tập xuống tối đa 10 người trước đêm đón năm mới. Ông Scholz cũng nhất trí với giới chức của 16 bang bang nước này rằng các sự kiện lớn, bao gồm cả các trận đấu bóng đá sẽ không đón khán giả.
Theo ông Scholz, mặc dù các biện pháp đưa ra chủ yếu nhằm mục đích khuyến khích người dân tiêm phòng, nhưng làn sóng lây nhiễm thứ năm đang đe dọa nước Đức, đặc biệt là do biến thể Omicron. Thủ tướng Scholz cũng bày tỏ lo ngại Omicron sẽ sớm “thống trị” ở Đức chỉ trong vài tuần nữa.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden ngày 23/12 thông báo, nước này sẽ mở thêm nhiều điểm tiêm chủng và xét nghiệm để ứng phó với sự gia tăng ca nhiễm do biến thể Omicron. Bên cạnh đó, 500 triệu kit xét nghiệm nhanh miễn phí tại nhà sẽ được cung cấp cho người dân bắt đầu từ tháng 1 năm sau.
Theo kế hoạch, các phòng tiêm chủng mới do Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang điều hành và các điểm xét nghiệm sẽ bắt đầu mở cửa từ tuần này, bao gồm cả ở “điểm nóng” New York, nơi đang chứng kiến số ca nhiễm biến thể Omicron tăng lên nhanh chóng.
Ông Biden cũng cho biết, khoảng 1.000 bác sĩ quân y, y tá và nhân viên y tế đã được triển khai để hỗ trợ các bệnh viện quá tải trong điều trị bệnh nhân Covid-19 ở một số khu vực.
Hối thúc người dân Mỹ chưa tiêm phòng nhanh chóng tiêm ngừa Covid-19, Tổng thống Biden cũng cảnh báo những rủi ro cao đối với khoảng 1/4 người Mỹ trưởng thành chưa được tiêm chủng đầy đủ, bao gồm có nguy cơ phải nhập viện hoặc thậm chí tử vong cao hơn đáng kể.
Hiện biến thể Omicron chiếm khoảng 73% số ca bệnh mới ở Mỹ. Theo WHO, biến chủng này đang khiến số ca nhiễm mới tăng gấp đôi sau 1,5 đến 3 ngày.
Ở New York, Washington và các thành phố lớn khác của Mỹ, người dân đổ xô đi xét nghiệm trước khi kỳ nghỉ lễ cuối năm. Trước sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm mới, giới chức địa phương cũng đang thực hiện các biện pháp khuyến khích tiêm ngừa Covid-19, cũng như tăng cường xét nghiệm cùng các biện pháp giảm thiểu lây nhiễm khác.
Thị trưởng New York Bill de Blasio cùng ngày công bố khoản trợ cấp trị giá 100 USD cho người dân tiêm liều vaccine tăng cường tại các địa điểm tiêm chủng của thành phố.
Giới chức thành phố Chicago cũng yêu cầu xuất trình chứng nhận tiêm ngừa Covid-19 khi đến các nhà hàng, quán bar, phòng tập thể dục và một số địa điểm công cộng trong nhà khác. Yêu cầu này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3/1 năm sau.
Hiện số ca mắc Covid-19 mới ở Mỹ đã tăng 19% trong tuần qua và tăng 72% kể từ đầu tháng 12. Số bệnh nhân Covid-19 nhập viện cũng tăng 27% trong tháng này, trong bối cảnh các bệnh viện ở một số khu vực vốn đã lâm vào tình trạng căng thẳng trước làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta.
Cùng ngày, Israel thông báo kế hoạch tiêm liều vaccine phòng Covid-19 tăng cường thứ tư cho người trên 60 tuổi, trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron.
Mặc dù kế hoạch này vẫn cần giới chức y tế cấp cao phê duyệt chính thức, Thủ tướng Naftali Bennett kêu gọi người dân Israel nhanh chóng tiêm ngừa càng sớm càng tốt.
Quyết định này được đưa ra sau khi Israel ghi nhận ca tử vong đầu tiên trên nền nhiễm biến thể Omicron.
Theo thông tin từ Trung tâm y tế Soroka ở thành phố Beersheba, bệnh nhân nam giới ở độ tuổi 60 này đã tử vong hôm thứ hai, chỉ 2 tuần sau khi được đưa vào khu điều trị Covid-19 tại đây.
Thông báo cho biết, bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền nghiêm trọng, và nguyên nhân tử vong được xác định chủ yếu xuất phát từ những căn bệnh đã mắc trước đó, chứ không phải do nhiễm trùng đường hô hấp phát sinh từ virus SARS-CoV-2.
Theo Bộ Y tế Israel, nước này đã ghi nhận ít nhất 340 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron cho đến nay. Nước này cũng đã đưa thêm Mỹ, Đức, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada vào danh sách các quốc gia người dân Israel bị hạn chế đến thăm, nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus.
Ở Đông Nam Á, Bộ Y tế Philippines ngày 21/12 thông báo giảm thời gian chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 liều tăng cường xuống còn 3 tháng sau liều thứ hai, trước lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron. Bên cạnh đó, những người đã tiêm 1 liều có thể tiêm liều thứ 2 sau 2 tháng.
Quốc gia này đã phát hiện 3 trường hợp nhiễm biến thể Omicron đều nhập cảnh từ nước ngoài.
Theo dữ liệu chính thức từ chính phủ, Philippines đã nhận được hơn 192 triệu liều vaccine Covid-19 và đã tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 44,2 triệu người trong tổng dân số 110 triệu. Vào tháng 11, nước này bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường cho nhân viên y tế và người cao tuổi.
Cùng ngày, Ấn Độ yêu cầu chính quyền các bang chủ động các biện pháp đề phòng sự gia tăng các ca nhiễm do biến thể Omicron, sau khi các ca bệnh nhiễm biến chủng này tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 1 tuần qua ở nhiều bang.
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, nước này hiện đã ghi nhận 200 ca nhiễm Omicron, chủ yếu ở bang phía tây Maharashtra và thủ đô New Delhi.
Theo Bộ trưởng Y tế Rajesh Bhushan, các bang có thể chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, bao gồm lệnh giới nghiêm ban đêm và hạn chế số người làm việc tại các văn phòng và phương tiện giao thông công cộng, nếu các ca nhiễm tiếp tục gia tăng.
Các bang của Ấn Độ được phép áp dụng các hạn chế nếu ca nhiễm mới tăng 10% hoặc cao hơn trong 1 tuần, hoặc khi 40% số giường có hỗ trợ thở oxy hoặc giường ICU được sử dụng. Nhưng trước khả năng lây lan cao của biến thể Omicron, ông Bhushan khuyến khích các bang áp dụng các biện pháp trên ngay cả khi mức tăng chưa cao như quy định.