WHO: Chất tạo ngọt có trong các loại đồ uống ăn kiêng 'có thể gây ung thư'
WHO trong sáng 14/7 đưa ra tuyên bố cho rằng chất tạo ngọt aspartame 'có thể gây ung thư', nhưng vẫn có thể hấp thụ an toàn nếu đúng liều lượng.
WHO kêu gọi các hãng nước giải khát điều chỉnh chất tạo ngọt trong công thức các sản phẩm của họ (Ảnh: Financial Times)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại aspartame, một chất tạo ngọt nhân tạo phổ biến trong các loại đồ uống có ga, là “có thể gây ung thư”, làm tăng khả năng phản ứng của người tiêu dùng nhằm vào các tập đoàn nước giải khát lớn như PepsiCo và Coca-Cola.
WHO cho hay, việc phân loại này dựa trên một số bằng chứng hạn chế. Họ cũng thêm rằng, khuyến cáo mà họ đưa ra từ trước, trong đó nói rằng người tiêu dùng nên hạn chế lượng aspartame hấp thụ mỗi ngày không quá 40 mg/kg trọng lượng cơ thể - tương đương 9-14 lon nước giải khát kích cỡ thông thường – là không thay đổi.
Tuy nhiên, mọi sự chưa rõ ràng về khoa học liên quan tới rủi ro tiềm ẩn từ chất tạo ngọt trong thực phẩm và đồ uống đều sẽ gây ảnh hưởng tới hình ảnh của các công ty hàng hóa tiêu dùng và khiến họ chịu sức ép phải giảm lượng đường trong các sản phẩm.
Từ trước đến nay, đứng trước lời kêu gọi chống bệnh béo phì và giảm lượng đường trong các loại đồ ăn vặt và thức uống giải khát, ngành công nghiệp nước giải khát đã hướng đến các sản phẩm không calo. Aspartame là một trong số những chất tạo ngọt nhân tạo được sử dụng rộng rãi nhất trong thực phẩm và đồ uống. Nó là thành phần của nhiều sản phẩm, từ đồ uống có ga hàm lượng đường thấp như Diet Coke, Diet Fanta và Diet Pepsi cho tới kẹo cao su không đường Extra của Mars và sữa chua của Müller.
Chất tạo ngọt nhân tạo tốt hay xấu cho cơ thể người
Trong suốt nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã tranh luận về việc liệu các chất tạo ngọt nhân tạo tốt hay xấu cho cơ thể người, từ đó khiến cho người tiêu dùng hoang mang không biết coca hay coca ăn kiêng là lựa chọn lành mạnh hơn.
Đại diện của các hãng nước giải khát cho rằng tuyên bố của WHO là sự xác nhận rằng aspartame an toàn đối với con người.
Kate Loatman, giám đốc điều hành của Hiệp hội Nước giải khát Quốc tế, cơ quan thương mại nước giải khát toàn cầu, nói rằng quyết định của WHO “sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thông báo cho người tiêu dùng để họ cân nhắc tất cả lựa chọn giảm đường và calo trong khẩu phần của mình”.
PepsiCo và Coca-Cola từ chối bình luận. Müller tuyên bố họ sử dụng một lượng aspartame rất nhỏ trong một số sản phẩm của họ và thường xuyên đánh giá lại các thành phần để đảm bảo tuân thủ các quy định.
WHO chỉ ra rằng, mặc dù họ không thay đổi khuyến cáo đối với lượng aspartame hấp thụ hàng ngày, nhưng các công ty nước giải khát nên cân nhắc về việc đánh giá lại công thức thành phần của họ để tránh xa các chất tạo ngọt nhân tạo.
“Chúng tôi không khuyên các công ty thu lại sản phẩm của họ, hay khuyên người tiêu dùng ngừng tiêu thụ, chỉ là nên có một chút điều chỉnh”, Francesco Branca, giám đốc bộ phận dinh dưỡng và an toàn thực phẩm của WHO, cho hay.
“Đây là vấn đề về thay đổi công thức của các sản phẩm, và lựa chọn thành phần sao cho các bạn có thể có được những sản phẩm ngon miệng mà không cần sử dụng các chất tạo ngọt”, ông nói thêm.
Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm có khả năng sẽ không thay đổi khuyến cáo của họ sau tuyên bố mà WHO đưa ra. Giáo sư Robin May, Trưởng cố vấn khoa học của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh, cho biết báo cáo của WHO chứng minh rằng aspartame là chất an toàn khi tiêu thụ, và ông hoan nghênh việc WHO kêu gọi tiếp tục nghiên cứu để tăng cường hiểu biết về các vấn đề tiềm ẩn.
Trong quá khứ, nhiều khách hàng từng tránh xa các sản phẩm đồ uống có chứa aspartame (Ảnh: Bloomberg)
Tuy nhiên, từ trước đến nay, những hướng dẫn chính thức chưa thể khiến người tiêu dùng ngừng sử dụng các loại đồ uống ăn kiêng có chứa aspartame. Quan ngại về khả năng gây ung thư của chất tạo ngọt này đã khiến cho nhu cầu các loại soda ăn kiêng sụt giảm trong khoảng những năm 2000 và 2010.
Vào năm 2015, PepsiCo đã loại aspartame khỏi sản phẩm Diet Pepsi sau khi có nhiều khách hàng quan ngại về rủi ro gây ung thư và làm giảm nhu cầu đối với các loại đồ uống không đường, hoặc lượng đường thấp, của họ.
“Những người uống coca ăn kiêng ở Mỹ nói với chúng tôi rằng họ muốn có Diet Pepsi không chứa aspartame, và chúng tôi sẵn sàng thực hiện điều đó”, Seth Kaufman, Phó chủ tịch Pepsi thời điểm đó tuyên bố. Thế nhưng, sự thay đổi thành phần trong sản phẩm vẫn không ngăn chặn được đà giảm doanh số bán hàng, điều này khiến Pepsi sử dụng lại chất tạo ngọt trong năm sau đó.
Thông báo mới nhất của WHO cũng nhắc lại lời cảnh báo khác liên quan tới chất tạo ngọt.
Một nghiên cứu mà Viện Weizmann của Israel công bố năm 2014 đưa ra kết luận rằng sử dụng các chất tạo ngọt nhân tạo có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì. Đầu năm đó, WHO cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên tránh sử dụng các chất tạo ngọt bởi có bằng chứng cho thấy nó không làm giảm mỡ trong thể và có thể có liên quan tới rủi ro tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch và tử vong./.