WHO: Chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 chậm hơn tốc độ lây lan của biến thể
Bờ Biển Ngà nhận lô vaccine ngừa Covid-19 được phân bổ thông qua cơ chế COVAX, ngày 25-2. (Ảnh: AP)
WHO đánh giá, việc chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 đang diễn ra “nhỏ giọt và bị các biến thể vượt trước”. Đến nay, biến thể Delta đã xuất hiện tại ít nhất 98 quốc gia.
Biến thể Delta xâm nhập 98 quốc gia
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, các nước giàu đang chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 với các nước có thu nhập thấp với tốc độ quá chậm. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc ngăn chặn sự lây lan biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, đe dọa hàng triệu tính mạng.
Ông Ghebreyesus cho rằng, các nhà lãnh đạo thế giới cần bảo đảm rằng ít nhất 10% dân số tại tất cả các quốc gia sẽ được tiêm phòng Covid-19 trước khi tháng 9-2021 kết thúc, do đó những người dễ bị lây nhiễm và các nhân viên y tế sẽ được bảo vệ trước sự tấn công của Covid-19.
“Biến thể Delta rất nguy hiểm và tiếp tục phát triển, đột biến, đòi hỏi chúng ta phải liên tục đánh giá và cẩn thận điều chỉnh nỗ lực ứng phó để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Delta đã được phát hiện tại ít nhất 98 quốc gia, đang lây lan nhanh ở cả quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp và cao”, ông Ghebreyesus nói.
Tại Mỹ, biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Số ca mắc Covid-19 đã tăng 10% trong tuần qua.
Tổng thống Joe Biden ngày 2/7 bày tỏ: “Tôi lo lắng những người vẫn chưa tiêm chủng có nguy cơ bị nhiễm và lây biến thể sang những người chưa tiêm vaccine khác”.
“Tôi không lo sẽ xuất hiện đợt bùng phát lớn hay dịch bệnh trên toàn quốc. Nhưng tôi lo sẽ có nhiều mạng sống bị lấy đi"
Tính đến ngày 1/7, 66,8% người trưởng thành tại Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Tổng cộng 54,6% người dân nước này tiêm ít nhất một liều.
“Chúng ta cần hướng tới mục tiêu cao hơn, hơn 70% dân số được tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng”, Tổng thống Mỹ nói.
Nhà khoa học David Bauer (Viện Francis Crick, Anh) lưu ý, từ góc độ nghiên cứu virus học, có thể khẳng định rằng biến thể Delta đang thay thế tất cả các biến thể đang tồn tại. Delta chỉ mất khoảng tám tuần để thay thế biến thể Alpha tại Anh. Biến thể Delta cũng đang trong quá trình "thế chỗ" biến thể Beta tại Nam Phi và đà bùng phát tương tự có thể xảy ra tại Mỹ.
Ưu tiên tiêm chủng cho phần còn lại của thế giới
Người đứng đầu WHO đưa ra cảnh báo nêu trên sau khi Giáo sư Dame Sarah Gilbert (Đại học Oxford, người dẫn dắt đội ngũ phát triển vaccine của Oxford/AstraZeneca) kêu gọi Chính phủ Anh thận trọng với đề xuất tiêm chủng cho trẻ em.
(Ảnh minh họa: AP)
“Chúng ta cần cân bằng giữa đề xuất tiêm chủng cho trẻ em ở các nước thu nhập cao với việc tiêm chủng cho phần còn lại của thế giới vì chúng ta cần chặn đà lây lan của chủng virus này trên phạm vi toàn cầu", báo Observer dẫn lời bà Gilbert nói.
Giáo sư Gilbert cho biết thêm, thế giới vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi nguy hiểm, đó là lý do vì sao bà lo lắng về việc tiêm phòng Covid-19 cho phần còn lại của thế giới. “...bởi vì chúng ta cần ngăn chặn virus lây lan và tiếp tục đột biến. Biến thể này phát biển có thể khiến một biến thể mới xuất hiện và thật sự khó giải quyết”, bà Gilbert cảnh báo.
Giáo sư James Naismith, Giám đốc Viện Rosalind Franklin, tại Oxford, Anh cho biết: “Tại các nước đang phát triển, có quá ít người được tiêm chủng, thời điểm nguy hiểm nhất của họ đang ở phía trước. Nếu biến thể Delta tiếp tục lây lan, nó sẽ lấn át các hệ thống chăm sóc sức khỏe rất nhanh chóng trừ phi chương trình tiêm chủng được cải thiện”.
Tuần trước, Quỹ Tiền thế quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cùng kêu gọi hành động khẩn cấp để tăng nguồn cung vaccine ngừa Covid-19. Hai tổ chức này đề nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đẩy nhanh các nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu tiêm chủng.
Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh cần khẩn cấp tiêm chủng trên toàn thế giới, bởi vì các loại vaccine đang được sử dụng cho thấy ít hiệu quả hơn trong việc phòng chống biến thể Delta so với các biến thể khác.