WHO cho biết một số người dân Gaza phải 'uống nước thải' và 'ăn thức ăn gia súc'
Một số người dân ở Gaza hiện đang phải uống nước thải và ăn thức ăn gia súc, theo lời cảnh báo của Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào thứ Ba (4/6).
Bà Hanan Balkhy, Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO, đã kêu gọi tăng cường khả năng tiếp cận viện trợ ngay lập tức cho vùng lãnh thổ bị bao vây này.
Bà Balkhy cũng cảnh báo rằng cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã có tác động dây chuyền đến hệ thống y tế trong khu vực rộng lớn hơn. Bà cho biết tình hình tại Gaza, nơi trẻ em đang gặp khó khăn lớn về sức khỏe, sẽ có những ảnh hưởng lâu dài nghiêm trọng.
Bên trong Gaza "có người hiện đang ăn thức ăn cho động vật, ăn cỏ, và uống nước thải", bà Balkhy nói. "Trẻ em hầu như có gì có thể ăn được, trong khi các xe tải chở viện trợ đang đứng bên ngoài cửa khẩu Rafah".
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã cảnh báo từ lâu rằng nạn đói đang đe dọa Gaza, với 1,1 triệu người (khoảng một nửa dân số) đối mặt với mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc OCHA hôm thứ Ba cho biết các hạn chế về truy cập "tiếp tục làm suy yếu việc cung cấp viện trợ nhân đạo cứu sống trên khắp Gaza", và điều kiện đã "tiếp tục xấu đi" trong tháng 5.
Chỉ một lượng viện trợ nhỏ đã được chuyển Gaza trong những tháng qua, vào chủ yếu qua cửa khẩu Kerem Shalom với Israel, do chiến sự diễn ra ác liệt và Israel đã phong tỏa gần như toàn bộ dải đất chật hẹp này.
Bà Balkhy cho biết Gaza cần "hòa bình, hòa bình, hòa bình", cùng với việc tăng cường đáng kể việc tiếp cận viện trợ bằng đường bộ. Sau chuyến thăm gần đây đến cửa khẩu Rafah từ Ai Cập vào dải Gaza phía nam - một con đường quan trọng cho viện trợ đã bị lực lượng Israel đóng cửa vào đầu tháng trước - bà đã kêu gọi Israel "mở cửa những biên giới đó".
Bà Balkhy nói rằng chỉ cửa khẩu Kerem Shalom là "không đủ", và các nỗ lực tại các hành lang hàng hải và các cuộc thả viện trợ từ trên không là không hợp lý khi có các con đường bộ ít tốn kém và hiệu quả hơn đã tồn tại và "các xe tải đang xếp hàng" ở bên ngoài.
Bà Balkhy bày tỏ sự thất vọng đặc biệt với việc ngăn chặn các thiết bị y tế, các vật dụng mà Israel cho rằng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. "Chúng tôi đang nói về các máy thở, các hóa chất để lọc nước", bà cho biết.
Bà Balkhy nhấn mạnh nhu cầu cấp bách của các bệnh nhân ở Gaza, với khoảng 11.000 người bị bệnh nặng và bị thương cần được chăm sóc y tế. "Các bệnh nhân đang đến đây với những chấn thương cực kỳ phức tạp: gãy xương phức hợp, nhiễm trùng kháng thuốc, trẻ em bị tổn thương nặng", bà nói.
"Cần có hệ thống y tế rất phức tạp để phục hồi và điều trị cho những người này", bà Balkhy nhấn mạnh sự căng thẳng có tính dây chuyền lên hệ thống y tế mong manh ở các nước láng giềng tiếp nhận, đặc biệt là Ai Cập.
Tuần trước, WHO cảnh báo rằng đã có sự "dừng đột ngột" đối với các cuộc di tản y tế kể từ khi Israel bắt đầu cuộc tấn công ở Rafah vào đầu tháng 5, cảnh báo rằng sẽ có nhiều người chết trong khi chờ đợi được chăm sóc.
Là một bác sĩ nhi khoa chuyên về bệnh truyền nhiễm, bà Balkhy nói về các tác động ngắn hạn và dài hạn của xung đột đối với trẻ em. Bà cho biết cuộc chiến đã có tác động tàn phá đến các biện pháp y tế công cộng cơ bản như nước sạch, thực phẩm lành mạnh và tiêm chủng định kỳ, khiến trẻ em dễ bị mắc các bệnh như sởi, thủy đậu, tiêu chảy và các bệnh về đường hô hấp.
"Nó sẽ có tác động lớn đến sức khỏe tinh thần. Nó sẽ gây ra các hội chứng căng thẳng sau chấn thương lớn", bà cảnh báo. "Tôi nghĩ rằng đối với những trẻ em đã nghe thấy tiếng pháo và sự hủy diệt, và đã sống qua nó, sẽ cần rất nhiều nỗ lực để giúp chúng vượt qua".
Về việc phục hồi hệ thống y tế bị phá hủy của Gaza một ngày nào đó, bà Balkhy nói rằng "sự đòi hỏi tài trợ là rất cao. Nhưng nếu không có hòa bình thì điều đó là không thể".
Cao Phong (theo CNA, Reuters)