WHO: Chưa đủ dữ liệu đánh giá toàn diện độc lực Omicron
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12/12 cho biết những dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron dễ lây hơn chủng Delta và làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19, nhưng lại gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo rằng chưa có đủ dữ liệu để đánh giá toàn diện về độc lực của biến thể này.
Theo TTXVN, tính đến ngày 9/12, biến thể Omicron đã xuất hiện tại 63 quốc gia, trong đó tốc độ lây lan nhanh hơn được ghi nhận tại Nam Phi, nơi chủng Delta ít phổ biến hơn, và tại Anh, nơi Delta là chủng chủ đạo của các các lây nhiễm COVID-19.
Theo báo cáo kỹ thuật của WHO, Omicron gây ra “sự giảm sút về hiệu quả của vaccine trong việc chống lại sự lây nhiễm” và căn cứ vào dữ liệu hiện có, “nhiều khả năng Omicron sẽ vượt qua chủng Delta” về quy mô lây nhiễm trong cộng đồng.
Báo cáo cũng cho biết tính đến thời điểm này, các ca nhiễm biến thể Omicron chỉ bị những triệu chứng “nhẹ” hoặc hầu như không có triệu chứng.
Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo rằng chưa có đủ dữ liệu để đánh giá toàn diện về độc lực của biến thể này.
Biến thể Omicron tại "xứ sở sương mù" đang “tăng nhanh chóng”
Cùng ngày, Anh đã nâng cảnh báo từ mức 3 lên mức 4 trong thang cảnh báo dịch COVID-19 gồm 5 cấp do số ca nhiễm biến thể Omicron tại "xứ sở sương mù" đang “tăng nhanh chóng”.
Theo các quan chức phụ trách y tế của 4 vùng, gồm England, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland, quyết định nâng mức độ cảnh báo được đưa ra trên cơ sở khuyến cáo của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh, trong bối cảnh trong ngày 12/12, Anh ghi nhận thêm 1.239 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên con số 3.137, tăng 65% so với một ngày trước đó.
Mức độ 4 đồng nghĩa với việc “tình trạng lây lan cao và áp lực lớn, ngày càng gia tăng đối với hệ thống chăm sóc y tế”.
Tuyên bố chung của các quan chức y tế phụ trách vùng của Vương quốc Anh nhấn mạnh, “những bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron đang lây lan nhanh hơn Delta và hiệu quả bảo vệ của vaccine đối với các triệu chứng do Omicron gây ra bị suy giảm”.
Tuần trước, hãng sản xuất vaccine Pfizer/BioNTech cho biết việc tiêm chủng 3 liều vẫn có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Omicron. Hiện các nước có nguồn cung vaccine dồi dào như Anh, Pháp đã khuyến khích người dân đi tiêm liều tăng cường để đối phó với biến thể Omicron.
Biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta
Theo các chuyên gia y tế Nam Phi, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây các triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với các biến thể như Delta và Beta, dù tốc độ lây lan của biến thể này rất nhanh.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi của Nam Phi, ông Willem Hanekom, cho biết 3 nhóm dịch tễ học ở Nam Phi đã tiến hành theo dõi tác động của biến thể mới. Họ so sánh hai tuần đầu của làn sóng hiện nay với hai tuần đầu của các làn sóng lây nhiễm trước liên quan đến biến thể Beta và Delta. Và họ thấy rằng "bệnh nhẹ hơn ở giai đoạn này".
Tuy nhiên, ông Hanekom lưu ý rằng tỷ lệ lây lan biến thể Omicron tại Nam Phi "nhanh hơn nhiều" so với các biến thể Beta và Delta. 95% trong số 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày được phát hiện ở Nam Phi là biến thể Omicon.
Ông Hanekom cũng là đồng tác giả của một nghiên cứu cho biết Omicron có thể làm giảm 41 lần khả năng sinh kháng thể sau khi được tiêm đủ liều vaccine của Pfizer/BioNTech. Trả lời phỏng vấn tờ The Wire, ông Hanekom cho biết nhiều nghiên cứu do các nhóm khác thực hiện cũng cho thấy hiện tượng giảm sinh kháng thể tương tự ở người nhiễm Omicron sau khi đã tiêm đủ liều vaccine của AstraZeneca.
Biến thể Omicron có thể giảm hơn 30 lần hiệu quả vaccine của Pfizer
TTXVN đưa tin, các nhà nghiên cứu của Đại học Trung Văn và Đại học Hong Kong (đều tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Trung Quốc) ngày 12/12 công bố một nghiên cứu cho thấy vaccine của hãng Pfizer/BioNTech có thể giảm 32 lần hiệu quả trước biến thể Omicron so với các biến thể khác.
Nghiên cứu trên được tiến hành với các mẫu máu của 10 người, cho thấy 2 mũi vaccine của Pfizer tạo rất ít khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron. Tuy nhiên, thêm một mũi tiêm tăng cường sẽ giúp bảo vệ tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu hiện cũng đang kiểm tra mức độ hiệu quả của vaccine CoronaVac do hãng Sinovac phát triển đối với Omicron.
Trước đó, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Sheba (Israel) ngày 11/12 công bố một kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy tiêm mũi tăng cường sử dụng vaccine của Pfizer có thể giúp tăng khả năng chống chọi với Omicron, tuy nhiên so với Delta, hiệu quả phòng vệ vaccine của Pfizer trước Omicron lại thấp hơn 4 lần.
Nghiên cứu cho thấy ngay cả những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine của Pfizer và mũi tăng cường vẫn có thể nhiễm biến thể Omicron./.