WHO đánh giá nguy cơ đối với con người từ dịch cúm gia cầm
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước cảnh giác sau khi phát hiện trường hợp nhiễm cúm gia cầm ở động vật có vú thời gian gần đây.
Việc phát hiện bệnh cúm gia cầm ở một số loài động vật có vú, bao gồm cáo, rái cá, chồn, sư tử biển và thậm chí cả gấu xám Bắc Mỹ, trong thời gian gần đây đang làm dấy lên mối lo ngại rằng con người có thể đối mặt với nhiều nguy cơ hơn.
Phát biểu với báo giới, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nêu rõ: "Sự lây lan của dịch bệnh này trong thời gian gần đây sang động vật có vú cần phải được theo dõi chặt chẽ". Hiện tại, WHO đánh giá rủi ro đối với con người là thấp".
Ông Tedros cũng cho biết kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, virus H5N1 rất hiếm khi lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, ông cảnh báo điều này có thể thay đổi trong tương lai và con người cần phải có sự chuẩn bị cho mọi tình huống. Tổng Giám đốc WHO kêu gọi các quốc gia "tăng cường giám sát ở những nơi con người, động vật nuôi hoặc động vật hoang dã có tương tác". Ông cũng khẳng định rằng: “WHO đang nỗ lực hợp tác với các nhà sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine và thuốc kháng virus sẽ có sẵn để sử dụng trên toàn cầu trong trường hợp cần thiết”.
Tổng số người nhiễm virus cúm gia cầm A/H5 tại Việt Nam lên 128 trường hợp; trong đó có 64 (chiếm 50%) trường hợp tử vong do virus cúm gia cầm A/H5N1 trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 10/2022.
Theo số liệu của WHO, trong 20 năm qua, thế giới ghi nhận 868 trường hợp nhiễm virus H5N1 ở người, trong đó 457 người đã tử vong. Riêng trong năm 2022, có 4 người đã được xác nhận nhiễm virus này, trong đó 1 người tử vong.
Bà Sylvie Briand, Giám đốc của WHO phụ trách phòng chống và chuẩn bị cho đại dịch và dịch bệnh, cho biết: “Việc lây truyền dịch cúm gia cầm từ động vật sang người là rất hiếm và khi virus này xuất hiện ở người, việc lây truyền tiếp theo giữa người với người là không dễ dàng, do virus này không thích nghi tốt với con người".
Tuy nhiên, bà cho rằng vẫn cần cảnh giác để đảm bảo ngăn chặn sự lây lan ở động vật. Virus lưu hành ở động vật càng nhiều đồng nghĩa nguy cơ đối với con người càng cao, vì virus lưu hành ở động vật có thể tiến hóa thành các dạng dễ lây lan hơn.
Tại Châu Âu, cuối năm 2021đã phải đối mặt đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất chưa từng có, trong khi khu vực Bắc và Nam Mỹ cũng trải qua những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng. Dịch cúm gia cầm đã dẫn đến việc tiêu hủy hàng chục triệu con gia cầm trên toàn thế giới, trong đó nhiều gia cầm nhiễm chủng virus H5N1. Sự bùng phát của dịch bệnh này trên toàn cầu cũng là nguyên nhân gây ra cái chết của hàng chục nghìn con chim hoang dã.
Tại Việt Nam, cuối năm 2022 hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có báo cáo kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H5) từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nữ 5 tuổi (ở tỉnh Phú Thọ). Đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A(H5).
Ngay sau khi xác định được ca bệnh này, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cử đội phòng chống cơ động lên tỉnh Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống để phối hợp với Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương cùng điều tra dịch tễ. Đội đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A(H5). Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
Việc phát hiện kịp thời, khoanh vùng, kiểm soát ngay đã giúp cho ca bệnh không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Liên quan đến bệnh cúm gia cầm, theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển.
Để phòng chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp:
Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
Không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ.
Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương.
Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/who-danh-gia-nguy-co-doi-voi-con-nguoi-tu-dich-cum-gia-cam.htm