WHO đưa cảnh báo sau khi phát hiện chú chó đầu tiên mắc đậu mùa khỉ
WHO kêu gọi người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tránh tiếp xúc với động vật để hạn chế nguy cơ virus tiếp tục bị phát tán.
Cách đây ít ngày, thế giới ghi nhận động vật đầu tiên lây nhiễm đậu mùa khỉ từ người. Trường hợp này được báo cáo trong tạp chí y khoa The Lancet, chú chó săn Italy lây virus từ chủ là một người đàn ông sống tại Paris, Pháp.
Ngay khi sự kiện này xảy ra, bà Rosamund Lewis, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về bệnh đậu mùa khỉ cho biết: "Đây là trường hợp đầu tiên về sự lây truyền virus đậu mùa khỉ từ người sang động vật. Chúng tôi tin đây cũng là trường hợp con chó đầu tiên mắc bệnh này", AFP dẫn lời.
Cách ly người bệnh với vật nuôi
Các chuyên gia của WHO nhận định đây có thể là rủi ro khi virus đang nhảy từ loài này sang loài khác. Điều này chúng ta đã chứng kiến với SARS-CoV-2. Do đó, WHO khuyến cáo người bệnh cách ly với vật nuôi.
Bà Rosamund Lewis nhấn mạnh: "Quản lý chất thải rất quan trọng để giảm nguy cơ gây ô nhiễm cho các loài gặm nhấm và các động vật khác bên ngoài hộ gia đình".
Khi virus nhảy qua hàng rào loài, nó có thể đột biến theo cách rất nguy hiểm. Đây chính là điều khiến các chuyên gia lo lắng. Hiện tại, không có trường hợp đậu mùa khỉ nào được tìm thấy ở khỉ. Nhưng bà Lewis thừa nhận "ngay sau khi virus di chuyển đến môi trường khác trong một quần thể khác, rõ ràng có khả năng nó sẽ phát triển và đột biến theo cách khác".
Mối quan tâm chính hiện nay là các động vật bên ngoài hộ gia đình. "Tình huống nguy hiểm hơn là đậu mùa khỉ sẽ đột biến thành loại virus có thể di chuyển vào quần thể động vật có vú nhỏ với mật độ động vật cao. Điều này thông qua quá trình một con vật bị nhiễm virus và sau đó phát tán tiếp sang các con khác. Đây chính là sự tiến hóa nhanh chóng của virus", Michael Ryan, Giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO, nói với phóng viên.
Vị chuyên gia cũng cho biết điều không mong đợi nhất chính là virus tiến hóa nhanh hơn ở chó so với người. Chúng ta cần phải cảnh giác dù vật nuôi không phải một nguy cơ.
Bệnh đậu mùa khỉ ban đầu được xác định trên những con khỉ được nuôi để nghiên cứu ở Đan Mạch vào năm 1958. Tuy nhiên sau đó, nó được tìm thấy thường xuyên nhất ở loài gặm nhấm. Căn bệnh này được phát hiện lần đầu tiên ở người vào năm 1970, từ đó chủ yếu giới hạn ở một số quốc gia Tây và Trung Phi.
Nhưng vào tháng 5, các ca bệnh bị sốt, đau nhức cơ bắp và các tổn thương da giống mụn nhọt lớn bắt đầu lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới, chủ yếu là ở những đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Cũng từ đây, dịch đậu mùa khỉ "vượt biên", phát tán ra toàn cầu.
Từ đầu năm nay đến ngày 19/8, theo WHO, hơn 35.000 trường hợp đã được xác nhận tại 92 quốc gia và 12 người đã tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã xếp đợt bùng phát hiện tại là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Không có "viên đạn bạc"
Với số ca toàn cầu tăng 20% chỉ trong tuần qua, WHO kêu gọi tất cả quốc gia hành động nhiều hơn nữa để kiểm soát sự lây lan, đảm bảo các nhóm dân số có nguy cơ tiếp cận được với dịch vụ, thông tin về mối nguy hiểm và cách bảo vệ bản thân.
Vaccine ban đầu được phát triển cho bệnh đậu mùa giờ đây cũng được sử dụng cho người mắc đậu mùa khỉ. Nhưng nó đang bị thiếu hụt trầm trọng.
Bà Lewis nhấn mạnh vó rất ít dữ liệu về hiệu quả của vaccine trong việc bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát hiện nay. Vị chuyên gia tiết lộ chưa có thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, nhưng đã có báo cáo cho thấy ngay cả người tiêm vaccine cũng vẫn mắc đậu mùa khỉ. Điều đó cho thấy vaccine không thể bảo vệ chúng ta 100%.
Các nghiên cứu hạn chế trong những năm 1980 cho thấy vaccine đậu mùa được sử dụng vào thời điểm đó có thể bảo vệ 85% chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Chính vì vậy, các ca mắc bệnh sau tiêm vaccine không thực sự bất ngờ. "Nó nhắc nhở chúng ta vaccine không phải là viên đạn bạc", bà Lewis nhấn mạnh.
Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện tuyến nội dung “Bệnh truyền nhiễm mùa hè”, nhằm cập nhật thông tin và giúp các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức phòng chống bệnh truyền nhiễm ở trẻ trong thời điểm giao mùa.
Nutifood GrowPLUS+ Sữa non với công thức được phát triển bởi Viện nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển, xây dựng nền tảng FDI đề kháng khỏe, tiêu hóa tốt, giúp trẻ hấp thu tối ưu các dưỡng chất. Sản phẩm được bổ sung 100% sữa non 24 giờ tự nhiên từ Mỹ với hàm lượng kháng thể IgG 1000+, đã được chứng nhận lâm sàng giúp nhân đôi đề kháng, tạo nền tảng vững chắc cho bé cao lớn và thông minh hơn. Độc giả tìm hiểu thêm về sản phẩm tại đây hoặc liên hệ hotline (028)38255777.