WHO 'hụt hơi' với mục tiêu miễn dịch cộng đồng trước tháng 6
Các chuyên gia y tế nhận định mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tiêm vaccine COVID-19 cho 70% dân số tại từng quốc gia trước tháng 6/2022 là không thể đạt được cũng như không mang nhiều ý nghĩa.
Mục tiêu trước đó của WHO là tiêm chủng cho 10% dân số mỗi nước trước tháng 9/2021 cũng đã không đạt được. Theo hãng tin Reuters, tính đến thời điểm hiện tại, tại các quốc gia thu nhập thấp, tỷ lệ tiêm chủng mũi đầu vaccine mới chỉ đạt 12%.
Người đứng đầu bộ phận tiêm chủng của WHO, bà Kate O'Brien cho biết mục tiêu đạt 70% dân số được tiêm không chỉ đơn thuần là lời nói suông. “Chúng tôi kêu gọi các quốc gia hãy nghiêm túc về hành động của mình để đạt được mục tiêu, trong khi chúng tôi cũng biết rõ trên cơ sở từng quốc gia, sẽ có những lý do khiến mục tiêu đề ra không phù hợp với quốc gia đó”, bà Kate O'Brien nhấn mạnh.
Về phần mình, Liên minh Vaccine (GAVI) – đối tác của WHO trong sáng kiến COVAX phân phối bình đẳng vaccine toàn cầu – đã rút lại mục tiêu chung.
Tại cuộc họp trực tuyến tuần trước với WHO châu Phi, bà Aurelia Nguyen – Giám đốc điều hành COVAX của GAVI – cho biết quan trọng là các nước đạt được mục tiêu do chính mình đề ra, bất kể mục tiêu đó thấp hay cao hơn tỷ lệ 70% của WHO.
Không mấy tự tin đạt mục tiêu 70% là một dấu hiệu nữa cho thấy chấm dứt đại dịch trên toàn cầu có thể là thách thức phức tạp hơn và kéo dài hơn so với kỳ vọng.
Các tài liệu trong cuộc họp nội bộ cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) hồi đầu tháng này đã chỉ ra 8 quốc gia cực kỳ khó đạt được mục tiêu vào tháng 6/2022, bao gồm Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Ghana, Kenya, Nigeria, Sierra Leone và Sudan. 26 nước khác, trong đó có Yemen, Uganda và Haiti, cũng đang cần hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo bà O'Brien, vẫn còn một vấn đề lớn hơn mà WHO cần tập trung. “Câu hỏi được đặt ra là, với biến thể Omicron đã và đang lây lan một cách chóng mặt đối với dân số trên toàn thế giới, liệu tỷ lệ 70% còn phù hợp”, vị chuyên gia nhận định. Đối với người đứng đầu bộ phận tiêm chủng WHO, con số đó chưa bao giờ là một “con số thần kỳ”. Nó chỉ là một mốc để đánh giá rủi ro, để đặt ra mục tiêu kiểm soát virus SARS-CoV-2.
Nhiều bằng chứng mới cho thấy các loại vaccine hiện hành chỉ có hiệu quả nhất định đối với khả năng lây nhiễm. Bên cạnh đó, Omicron lại có thể xâm nhập vào cơ thể những người mắc COVID-19 hồi phục hoặc người đã tiêm vaccine. Một số chuyên gia y tế cho rằng mục tiêu đặt ra để miễn dịch cộng đồng hiện nay chủ yếu chỉ mang tính chất tượng trưng.
"Chúng tôi đang trong quá trình xem xét các kịch bản đại dịch có thể diễn ra sau này", bà O'Brien nói. Cụ thể, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng có thể sẽ phải đặt ra cao hơn đối với các nhóm có nguy cơ cao.