WHO kêu gọi 1,5 tỷ USD hỗ trợ dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong khủng hoảng
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua (15/1) đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp khoản tài trợ 1,5 tỷ USD để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho hơn 87 triệu người trong năm nay đang bị ảnh hưởng bởi 41 cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên toàn cầu, bao gồm cả lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, Ukraine, Sudan, Syria và khu vực Sừng châu Phi.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác đang gây ra tình trạng mất an ninh lương thực, xung đột và di dời, khiến các tình trạng khẩn cấp về sức khỏe ngày càng phức tạp và sâu sắc hơn.
Theo WHO, “mọi cuộc khủng hoảng nhân đạo đều là một cuộc khủng hoảng sức khỏe” và mỗi USD đầu tư vào công tác cứu trợ của WHO sẽ mang lại lợi tức đầu tư ít nhất là 35 USD.
Phát biểu từ trụ sở của cơ quan LHQ tại Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nhà tài trợ và chính phủ tăng cường hỗ trợ. Đồng quan điểm, ông Martin Griffiths - Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp và nhân đạo của LHQ cũng cho rằng đây là “mức giá rất nhỏ phải trả để bảo vệ sức khỏe của những người dễ bị tổn thương nhất và ngăn chặn cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu ngày càng sâu sắc”.
Dữ liệu cho thấy 9 tháng chiến tranh ở Sudan đã khiến hệ thống y tế của nước này quá tải, ảnh hưởng đến những người phụ thuộc vào sự chăm sóc hàng ngày, cũng như thường dân bị thương trong cuộc giao tranh. Ngoài ra, việc giám sát dịch bệnh yếu kém và tỷ lệ tiêm vaccine thấp đối với các bệnh có thể phòng ngừa được đã góp phần khiến dịch sởi tái phát.
Những tình huống tương tự cũng xảy ra ở Haiti, Somalia, Yemen và nhiều quốc gia khác - nơi các bệnh truyền nhiễm như dịch tả cũng là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ước tính, khoảng 1 tỷ người trên toàn thế giới hiện có nguy cơ mắc phải căn bệnh chết người rất dễ lây lan này.
Cơ sở chăm sóc sức khỏe bị tấn công
Trong khi đó, “hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu đang bị đe dọa hơn bao giờ hết”. Năm ngoái, có 1.300 vụ tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở 19 quốc gia đã được báo cáo, khiến hơn 700 người thiệt mạng và 1.100 người bị thương, bao gồm cả nhân viên y tế và bệnh nhân.
Theo số liệu của LHQ, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột hiện nay giữa Hamas và Israel, đã có hơn 624 cuộc tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine, dẫn đến cái chết của 619 nhân viên y tế và bệnh nhân, cùng 826 người khác bị thương.
Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO, bày tỏ lo ngại về việc tấn công hệ thống chăm sóc sức khỏe dường như đã trở thành một chiến thuật chiến tranh mới, làm tăng thêm nỗi kinh hoàng và tước đi quyền được cung cấp dịch vụ y tế của những người dân cần được chăm sóc.