WHO kêu gọi các nước giàu ngưng tiêm mũi 3, để dành vaccine cho các nước nghèo
Ở các nước giàu, cứ 100 dân thì có 100 mũi vaccine ngừa COVID-19 đã được triển khai, trong khi độ bao phủ vaccine ở các nước nghèo chỉ đạt 1,5 liều trên 100 dân.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước tạm ngưng việc triển khai mũi vaccine thứ ba để dành nguồn cung cho các nước có tỉ lệ tiêm chủng còn thấp, hãng tin AP cho hay.
Ngày 4-8, trang Twitter của WHO chia sẻ phát biểu của ông Tedros bày tỏ sự thông cảm trước việc một số nước lo ngại sự lây lan của biến thể Delta và tăng cường các biện pháp phòng, trong đó có vaccine.
Tuy nhiên, “chúng tôi không thể chấp nhận việc các quốc gia - những nước đã sử dụng hầu hết nguồn vaccine toàn cầu - dùng nhiều vaccine hơn nữa trong khi những người dễ bị tổn thương nhất trên trái đất vẫn chưa được bảo vệ” - ông Tedros bất bình.
Ông Tedros cho biết hơn 4 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được triển khai trên toàn cầu, song hơn 80% số vaccine này do các quốc gia có thu nhập cao hoặc trung bình-cao sử dụng, trong khi nhóm các nước này chỉ chiếm chưa tới một nửa dân số toàn cầu. Các nước giàu đã triển khai trung bình 100 liều vaccine cho 100 dân, trong khi tỉ lệ này ở các nước có thu nhập thấp chỉ là 1,5 liều vaccine trên 100 dân.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, ông Tedros đã nêu rõ: “WHO kêu gọi tạm ngừng mũi vaccine tăng cường (tức mũi tiêm thứ ba - PV) ít nhất cho tới hết tháng 9 để đảm bảo tối thiểu 10% dân số ở từng nước được tiêm chủng”.
Tổng Giám đốc WHO cũng kêu gọi toàn thế giới hợp tác, “đặc biệt là một số ít các nước và công ty kiểm soát nguồn cung vaccine toàn cầu”. Ông Tedros lưu ý rằng G20 - nhóm 19 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU) - chính là nhóm các nước sản xuất và sử dụng nhiều vaccine ngừa COVID-19 nhất, cũng như cung cấp nhiều lô vaccine viện trợ nhất.
Các lãnh đạo G20 đang nhóm họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Ý - nước chủ tịch luân phiên năm 2021. Ông Tedros lưu ý rằng G20. Ông Tedros thúc giục G20 đưa ra “các cam kết cụ thể để hỗ trợ các mục tiêu tiêm chủng toàn cầu”.
WHO liên tục nhắc lại rằng chưa có bằng chứng khoa học về việc tiêm mũi vaccine thứ ba sẽ giúp tăng cường miễn dịch phòng ngừa COVID-19. Thay vào đó, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước giàu hành động mạnh mẽ hơn để hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận nguồn cung vaccine.
WHO nhấn mạnh rằng chỉ khi tất cả mọi người đều được bảo vệ trước COVID-19, thế giới mới an toàn vì tồn tại nguy cơ lây nhiễm ở nhóm người chưa được tiêm chủng, có thể dẫn tới sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm hơn làm phức tạp thêm cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu.
TS Bruce Aylward, cố vấn đặc biệt của Tổng Giám đốc WHO, nói rằng tổ chức này muốn các nước hoãn kế hoạch triển khai mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba “trừ khi và cho tới khi” các nước nghèo “bắt kịp” cuộc đua chủng ngừa COVID-19 cho người dân. Ông Aylward nói rằng nếu sự chênh lệch quá lớn về độ bao phủ vaccine giữa các nước giàu và các nước nghèo vẫn còn thì “đơn giản là chúng ta sẽ không thể đạt được” mục tiêu chấm dứt đại dịch.
Sau khi Trung Quốc phát hiện các ca bệnh đầu tiên vào cuối năm 2019, dịch COVID-19 đã lan ra toàn cầu. Ít nhất 200,9 triệu người đã được phát hiện nhiễm bệnh, trong đó gần 4,27 triệu bệnh nhân đã tử vong, theo chuyên trang thống kê worldometers.info.
Trong khi một số nước châu Âu và Trung Đông đã dễ dàng tìm được nguồn cung vaccine và nhanh chóng đạt tỉ lệ tiêm chủng cao thì các nước nghèo hơn, nhất là ở châu Phi, vô cùng khó khăn trên thị trường vaccine toàn cầu. Nhiều nước nghèo chỉ biết trông chờ vào nguồn vaccine được phân bổ “nhỏ giọt” thông qua cơ chế COVAX (do WHO tham gia điều phối), khiến các nước này giảm quy mô hoặc tạm dừng tiêm chủng để chờ các lô vaccine mới.