WHO: 'Omicron tàng hình' đã xuất hiện tại 57 quốc gia

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Biarritz (Pháp). Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 1/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo phiên bản mới của biến thể Omicron (BA.2) mà các nhà khoa học gọi là "Omicron tàng hình" đã xuất hiện tại 57 quốc gia trên thế giới.

Trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần, WHO cho biết kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2021, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo trên toàn cầu. Hiện biến thể này đã chiếm tới 93% các mẫu xét nghiệm thu thập trong tháng qua.

Omicron có các biến thể phụ gồm BA.1, BA.1.1, BA.2 và BA.3. Trong đó, số liệu từ cơ sở dữ liệu GISAID cho thấy BA.1 và BA.1.1 hiện chiếm hơn 96% tổng số mẫu nhiễm Omicron được giải trình tự gene.

Đặc biệt, số ca nhiễm biến thể BA.2, phiên bản "tàng hình" của Omicron do khó bị phát hiện trong các xét nghiệm PCR, đang gia tăng nhanh chóng.

Đến nay, các mẫu giải trình tự gene chứa BA.2 báo cáo lên GISAID đã được ghi nhận ở 57 quốc gia. WHO cho biết tại một số nước, BA.2 đã chiếm tới hơn 50% số mẫu Omicron giải trình tự gene.

Theo WHO, hiện vẫn còn rất ít thông tin về sự khác biệt giữa các dòng phụ của biến thể Omicron và tổ chức này kêu gọi có thêm các nghiên cứu về điều này, bao gồm độc lực, khả năng lây truyền, khả năng né tránh phản ứng miễn dịch.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn so với Omicron phiên bản gốc (BA.1).

Bà Maria Van Kerkhove, một trong những chuyên gia hàng đầu của WHO về COVID-19, cho biết thông tin về "Omicron tàng hình" rất hạn chế, nhưng một số dữ liệu ban đầu cho thấy BA.2 có "tốc độ tăng nhẹ so với BA.1". Bà cũng nhấn mạnh COVID-19 vẫn là một căn bệnh nguy hiểm và người dân nên cố gắng phòng tránh lây nhiễm.

Theo trang thống kê worldometers.info, thế giới vừa ghi nhận thêm hơn 2,85 triệu ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 381.784.976 ca, trong đó có 5.704.096 ca tử vong trong 24 giờ tính đến 8 giờ 30 sáng 2/2 (theo giờ Việt Nam). Số ca bình phục là 301.563.346 ca. Hiện có 92.654 ca trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với hơn 76,5 triệu ca nhiễm và 913.904 ca tử vong. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết biến thể Omicron hiện chiếm tới 99,9% ca mắc mới hàng tuần tại Mỹ.

Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai với hơn 41,62 triệu ca, nhưng đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong với 497.996 ca. Với hơn 25,62 triệu ca mắc và 628.132 ca tử vong, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong.

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhất, với 128.376.192 ca nhiễm, trong đó có 1.620.732 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với hơn 101 triệu ca nhiễm và 1.294.774 ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 89,5 triệu ca nhiễm, trong khi Nam Mỹ ghi nhận hơn 48,9 triệu ca. Số ca nhiễm tại châu Phi hiện đã hơn 11 triệu ca, trong khi châu Đại Dương ghi nhận hơn 2,7 triệu ca nhiễm.

Biến thể Omicron đang lây lan mạnh ở châu Âu, khiến số ca mắc COVID-19 trong khu vực tiếp tục tăng vọt. Pháp dẫn đầu khu vực với 416.896 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 19.557.626 ca.

Đức ghi nhận 183.434 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 10.079.778 ca. Ý cũng ghi nhận thêm 133.142 ca mắc mới, Tây Ban Nha có thêm 77.873 ca. Anh báo cáo 112.452 ca mắc mới và thêm 219 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 17.428.345 ca và 155.973 ca.

Với 125.836 ca mắc mới được ghi nhận, số ca mắc tại Nga hiện là 11.986.913 ca, trong khi số ca tử vong vì COVID-19 là 332.012 ca sau khi có thêm 663 người không qua khỏi.

Tại Ý, kể từ ngày 1/2, hầu hết các cửa hàng tại nước này yêu cầu khách hàng phải có thẻ xanh COVID-19 mới được vào cửa, trong khi thời hạn hiệu lực của siêu thẻ xanh bị giảm từ 9 tháng xuống còn 6 tháng.

Theo sắc lệnh mới đã được Thủ tướng Mario Draghi ký, khách hàng phải xuất trình thẻ xanh mới được vào ngân hàng, bưu điện, văn phòng công cộng, tiệm thuốc lá, hiệu sách, quầy bán báo (trừ gian hàng ngoài trời), trung tâm mua sắm, tiệm cắt tóc và thẩm mỹ viện. Từ ngày 1/2, thời hạn của siêu thẻ xanh - được cấp cho những người đã được tiêm phòng hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 - cũng bị giảm từ 9 xuống 6 tháng.

Tại Moldova, Thủ tướng nước này thông báo đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Bà cho biết sẽ làm việc tại nhà trong vài ngày tới.

Tại Trung Đông, Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 1/2 cho biết các bộ trưởng chuẩn bị họp bàn về phương thức giải quyết làn sóng lây lan COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra, trong đó ông nhận định "trong 10-14 ngày tới sẽ rất khó khăn".

Phát biểu với báo giới, ông Bennett nêu rõ cách tiếp cận của Israel là cân bằng và vừa phải, dựa trên số liệu và tình hình thực tế...Israel vẫn đang không ngừng nỗ lực nhằm giữ cho nền kinh tế mở cửa và mọi hoạt động được bình thường.

Mặc dù tỉ lệ sử dụng giường bệnh tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã vượt mốc 50% nhưng chính phủ nước này vẫn thận trọng trước quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 để tránh ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

Trong ngày 1/2, Nhật Bản tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới trên 80.000 ca, trong đó riêng thủ đô Tokyo ghi nhận ngày thứ 8 liên tiếp trên 10.000 ca/ngày với 14.445 ca. Đáng chú ý, tỉ lệ sử dụng giường bệnh tại các cơ sở y tế ở Tokyo là 50,7%, lần đầu tiên vượt mốc 50% kể từ khi bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 6. Đây là cơ sở để chính quyền thành phố xem xét kiến nghị chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp.

Theo Tiến sĩ Wada, thuộc Phòng khám nội khoa Wada tại thủ đô Tokyo, một trong những cơ sở y tế được chỉ định để thăm khám cho bệnh nhân mắc COVID-19, tình trạng người dân có biểu hiện đau họng, ho, sốt đặt lịch khám bệnh luôn quá tải trong những ngày gần đây.

Đối với từng trường hợp có triệu chứng nghi mắc COVID-19, phòng khám thực hiện các nội dung như xét nghiệm kháng nguyên, lấy mẫu xét nghiệm PCR, kê đơn các loại thuốc hạ sốt, giảm ho, đồng thời kê đơn thuốc Molnupirvir cho bệnh nhân đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và có nguy cơ chuyển nặng.

Tiến sĩ Wada cho biết, nếu như ở thời điểm đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm thứ 5, tỉ lệ dương tính với SARS-CoV-2 đối với bệnh nhân sốt cao chỉ là 20-30% thì những ngày qua, tỉ lệ này đạt gần 100%. Tuy nhiên, hiện Chính phủ Nhật Bản đang bày tỏ sự thận trọng trước quyết định có ban bố tình trạng khẩn cấp hay không đối với thủ đô Tokyo. Trả lời họp báo ngày 31/1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumido cho biết ông chưa xem xét đến khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm lần này tuy lây lan nhanh nhưng tỉ lệ ca bệnh nặng ở mức thấp và đã có thuốc đặc trị dạng uống, chính phủ nước này muốn tránh đưa ra quyết định có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi của các hoạt động kinh tế xã hội. Trong số 34 địa phương đang áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, có 13 địa phương, bao gồm cả thủ đô Tokyo, sẽ hết hạn vào ngày 13/2.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/270513/who--omicron-tang-hinh-da-xuat-hien-tai-57-quoc-gia.html