WHO: Thế giới phải cùng nhau chấm dứt đại dịch vào năm 2022
Hôm thứ Hai (20/12), người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra lời kêu gọi thế giới tập hợp lại và đưa ra những quyết định cần thiết để chấm dứt đại dịch Covid-19 trong vòng một năm tới.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên tại Geneva: “Năm 2022 phải là năm chúng ta chấm dứt đại dịch”.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi thế giới chung tay chấm dứt đại dịch COVID-19 vào năm 2022 - Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh rất nhiều lễ hội diễn ra vào cuối năm, người đứng đầu cơ quan y tế Liên Hợp Quốc thừa nhận rằng, "tất cả chúng ta đều muốn dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Tất cả chúng ta đều muốn trở lại bình thường".
Tuy nhiên, ông nói, để trở lại bình thường, mỗi người cần phải tự bảo vệ mình ngay bây giờ khi các ca nhiễm xảy ra liên tục, được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhanh chóng của biến thể Omicron.
Kể từ lần đầu tiên được báo cáo ở Nam Phi vào tháng 11, Omicron đã được xác định ở gần 100 quốc gia, phá tan hy vọng rằng thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch đã qua.
Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy, biến thể mới không nghiêm trọng hơn biến thể Delta vẫn đang chiếm ưu thế, Omicron đã được chứng minh trong dữ liệu ban đầu là có khả năng lây truyền cao hơn và khả năng kháng vắc xin đáng lo ngại.
Với sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm ở nhiều nơi, ông Tedros nhấn mạnh tốt hơn là nên hủy bỏ các sự kiện "ngay bây giờ và ăn mừng muộn, hơn là ăn mừng ngay bây giờ và đau buồn sau đó".
"Bây giờ chúng ta phải tập trung vào việc chấm dứt đại dịch này", Tổng giám đốc WHO chia sẻ.
Ông Tedros khẳng định thế giới có thể ngăn chặn đại dịch, nhưng nói rằng điều đó sẽ yêu cầu sử dụng tất cả các công cụ, từ vắc xin đến đeo khẩu trang và giữ khoảng cách vật lý.
Theo lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới, điều quan trọng nhất là thế giới cần phải chấm dứt sự bất bình đẳng rõ ràng trong việc tiếp cận với vắc xin.
“Nếu chúng ta muốn chấm dứt đại dịch trong năm tới, chúng ta phải chấm dứt sự bất bình đẳng về vắc xin”, ông nói.
WHO cảnh báo biến thể Omicron lây lan nhanh hơn biến thể Delta đang thống trị - Ảnh: Reuters
WHO cảnh báo Omicron lây lan nhanh
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới cho biết biến thể Omicron đang lây lan nhanh hơn biến thể Delta và gây nhiễm trùng ở những người đã được tiêm chủng hoặc những người đã khỏi bệnh COVID-19.
Nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan nói thêm sẽ là "thiếu khôn ngoan" nếu kết luận từ những bằng chứng ban đầu rằng Omicron là một biến thể nhẹ hơn so với những bằng chứng trước đó.
Bà Swaminathan cho biết, biến thể này đang thành công trong việc né tránh một số phản ứng miễn dịch, có nghĩa là các chương trình tiêm mũi tăng cường đang được triển khai ở nhiều quốc gia nên được nhắm mục tiêu đến những người có hệ miễn dịch kém hơn.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo: “Hiện đã có bằng chứng nhất quán cho thấy Omicron đang lây lan nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta”.
"Và nhiều khả năng những người được tiêm chủng hoặc phục hồi từ COVID-19 có thể bị nhiễm hoặc tái nhiễm", ông Tedros nói.
Nhận xét của lãnh đạo WHO lặp lại kết quả nghiên cứu của Đại học Imperial College London, cho biết tuần trước nguy cơ tái nhiễm cao hơn gấp 5 lần và nó không có dấu hiệu nhẹ hơn Delta.
Tuy nhiên, các quan chức của WHO cho biết các hình thức tiêm chủng miễn dịch khác có thể ngăn ngừa sự lây nhiễm và bệnh tật.
Trong khi khả năng bảo vệ của kháng thể khỏi một số hành động đã bị suy yếu, vẫn có hy vọng rằng tế bào T, trụ cột thứ hai của phản ứng miễn dịch, có thể ngăn ngừa bệnh nặng bằng cách tấn công các tế bào bị nhiễm bệnh của con người.
Chuyên gia Abdi Mahamud của WHO cho biết thêm: "Mặc dù chúng tôi thấy lượng kháng thể trung hòa giảm, nhưng hầu như tất cả các phân tích sơ bộ đều cho thấy khả năng miễn dịch qua trung gian tế bào T vẫn còn nguyên vẹn, đó là những gì chúng tôi thực sự cần".
Nguyễn Hoàng (Theo Reuters)