WHO và UNICEF khuyến khích các nỗ lực tại Việt Nam để đảo ngược tình trạng sụt giảm tiêm chủng
Trong Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới năm 2023 (từ ngày 24 đến ngày 30/4), WHO và UNICEF khuyến khích các nỗ lực tại Việt Nam để bắt kịp chương trình tiêm chủng định kỳ cho trẻ em.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) khuyến khích các nỗ lực cấp bách tại Việt Nam nhằm đảo ngược tình trạng sụt giảm đáng kể tỷ lệ tiêm chủng các mũi vaccine thiết yếu khiến nhiều trẻ em không được bảo vệ trước các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine.
Đại dịch COVID-19 là thách thức đối với tất cả các quốc gia, nhưng với sự lãnh đạo mạnh mẽ và quyết liệt của chính phủ cùng với những nỗ lực của cộng đồng tại Việt Nam đã giúp bảo vệ cuộc sống của người dân, duy trì phát triển kinh tế xã hội.
Theo WHO, Việt Nam được công nhận trên toàn cầu là đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 liều cơ bản một cách nhanh chóng và an toàn trên quy mô lớn. Việt Nam đã đảm bảo vaccine đến được khắp mọi nơi trên toàn quốc để bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất.
Tuy nhiên, chính trong giai đoạn thử thách này đã xảy ra những trở ngại đáng kể đối với việc bao phủ tiêm chủng định kỳ cho trẻ em, do các dịch vụ y tế bị gián đoạn, các trung tâm y tế phải đóng cửa, các gia đình thực hiện giãn cách xã hội, và việc xuất nhập khẩu vaccine, bơm kim tiêm cũng như các vật tư y tế khác cho tiêm chủng định kỳ cũng gặp nhiều gián đoạn.
"Điều này đã dẫn đến việc gần 67 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị lỡ lịch tiêm các loại vaccine định kỳ, vốn bảo vệ trẻ trước những căn bệnh chết người. Thật không may, điều này cũng xảy ra tại Việt Nam, quốc gia đã trải qua sự sụt giảm liên tục về tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em nhiều nhất kể từ khi Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia được thành lập. Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số lượng trẻ em chưa được tiêm chủng cao nhất trên toàn thế giới" - WHO cho biết.
Do sự gián đoạn trong việc tiêm chủng định kỳ trên toàn cầu, các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine như sởi và bại liệt đang bùng phát ở một số quốc gia – đòi hỏi Bộ Y tế các nước phải có sự quan tâm khẩn cấp. Tại Việt Nam, WHO và UNICEF đang kêu gọi các nỗ lực bắt kịp tiêm chủng ở quy mô lớn cho tất cả những trẻ em đã bỏ lỡ lịch tiêm chủng định kỳ trong khoảng thời gian xảy ra đại dịch, khôi phục độ bao phủ thiết yếu ít nhất là bằng với mức của năm 2019 để tránh bùng phát các căn bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine trong thời gian sắp tới. Về lâu dài, hệ thống y tế cơ sở cũng cần được tăng cường để hỗ trợ việc tiêm chủng định kỳ.
Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt phát biểu: "Năm nay là cơ hội quan trọng để Việt Nam bắt kịp các mục tiêu tiêm chủng định kỳ bị gián đoạn do đại dịch. Đây cũng là thời điểm thích hợp để giải quyết các thách thức mang tính hệ thống bằng việc tiêm chủng, nhằm củng cố toàn bộ hệ thống. Tổ chức Y tế Thế giới đang làm việc cùng với các đối tác, bao gồm cả Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc để hỗ trợ chính phủ Việt Nam để đảm bảo mọi trẻ em bỏ lỡ tiêm chủng sẽ được tiêm bù đủ liều nhằm phòng tránh các đợt bùng phát dịch bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine. Chúng tôi cũng đang tích cực làm việc để tăng cường năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm đảm bảo mọi trẻ em trên cả nước được tiêm chủng định kỳ đầy đủ trong cả thời điểm hiện tại và tương lai".
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: "Vaccine vẫn là một trong những câu chuyện thành công đáng chú ý nhất của nhân loại – chúng giúp loại bỏ được hoàn toàn bệnh tật và cứu sống vô số người. Trong ba thập kỷ qua, vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Vaccine bảo vệ con người chống lại hơn 20 căn bệnh – ví dụ như sởi, bạch hầu, HPV và bại liệt – những căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Những rủi ro đối với trẻ em là có thật và thực sự là mối quan ngại sâu sắc. UNICEF, cùng với WHO, sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Việt Nam để khẩn trương đảm bảo rằng mọi trẻ em ở Việt Nam đều được tiếp cận với các loại vaccine thiết yếu".
Việc bắt kịp kế hoạch tiêm chủng định kỳ có thể xây dựng được sự bảo vệ lâu dài trong cộng đồng và đưa Việt Nam trở lại đúng hướng để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch Tiêm chủng Toàn cầu đến năm 2030 (Immunization Agenda 2030 hay IA2030). Đây là kế hoạch Việt Nam và các Quốc gia Thành viên khác đã thông qua tại Đại hội đồng Y tế Thế giới năm 2020.