WTO đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một sân chơi công bằng cho thương mại quốc tế

Ông Nguyễn Đức Thương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Sỹ cho rằng, xu hướng cải cách WTO sẽ có những tác động quan trọng tới Việt Nam.

Ngày 19/7, tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu tổ chức tại Italia, ông Nguyễn Đức Thương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Sỹ (kiêm nhiệm Lít-Ten-Xơ-Tên), đã có những chia sẻ về xu hướng cải cách trong WTO, những thách thức đối với hệ thống thương mại đa phương và tác động đến Việt Nam.

 Ông Nguyễn Đức Thương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giữ vai trò quan trọng như một nền tảng cho hệ thống thương mại đa phương.

Ông Nguyễn Đức Thương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giữ vai trò quan trọng như một nền tảng cho hệ thống thương mại đa phương.

Tại sao WTO cần cải cách?

WTO là nền tảng và hệ thống khuôn khổ hoàn chỉnh cho thương mại quốc tế. Các hiệp định của WTO đặt ra các điều khoản mẫu mực cho mọi phương diện của hoạt động thương mại quốc tế. Khoảng 3/4 thương mại thế giới vẫn dựa trên cơ sở thuế quan MFN của WTO thay vì sử dụng FTA vì nhiều lý do, bao gồm cả thuế MFN đã về 0% và sự phức tạp của quy tắc xuất xứ trong FTA, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với Việt Nam, 60% thương mại vẫn vận dụng thuế quan MFN của WTO.

Ông Nguyễn Đức Thương cho rằng, mặc dù đã đóng góp to lớn cho sự phát triển của thương mại toàn cầu, WTO hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cần cải cách để phù hợp với hoàn cảnh mới.

Trong bối cảnh hiện nay, sự chuyển đổi "xanh", chuyển đổi số, những bài học từ đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine đã đặt ra những vấn đề mới về chuỗi cung ứng và an ninh kinh tế. Trung Quốc, với sự trỗi dậy mạnh mẽ, đã "phá toạc" chiếc áo "Thành viên Đang phát triển" và đặt ra nhiều thách thức mới cho WTO.

Bên cạnh đó, WTO cũng bị cho là "trì trệ" trong việc thay đổi, dành rất nhiều thời gian và nguồn lực cho đàm phán nhưng kết quả đạt được lại rất ít. Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại năm 2013 là thành tựu lớn gần nhất của WTO, nhưng đã cách đây 11 năm. Dù đã có thỏa thuận bán phần như Hiệp định Trợ cấp thủy sản tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 năm 2022, WTO vẫn cần giải quyết nhiều tồn tại khác, chẳng hạn như cơ chế phúc thẩm giải quyết tranh chấp đang bị tê liệt và việc thiếu khung pháp lý cho trợ cấp công nghiệp.

Việt Nam tham gia tích cực trong tiến trình cải cách cơ chế WTO

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Thương nhận định, Việt Nam hiện đang phối hợp với các thành viên khác để triển khai các hoạt động cải cách WTO với nhiều nội dung quan trọng. Hai trong số những nội dung quan trọng nhất là đưa cơ chế giải quyết tranh chấp về trạng thái vận hành đầy đủ và thúc đẩy chức năng Đàm phán của WTO.

Đại diện Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Sỹ cho rằng, Việt Nam sẽ phối hợp với các thành viên khác để đưa cơ chế giải quyết tranh chấp về trạng thái vận hành đầy đủ. Hiện tại, cơ quan phúc thẩm giải quyết tranh chấp của WTO (AB) không thể hoạt động do Mỹ phủ quyết việc bổ nhiệm thẩm phán, dẫn tới nhiều vụ việc bị khiếu nại phúc thẩm và trở nên vô hiệu. Nếu cơ chế này tiếp tục bị tê liệt, Việt Nam có thể gặp bất lợi trong các vụ tranh chấp thương mại khi các đối tác khiếu nại phúc thẩm để vô hiệu hóa phán quyết có lợi cho Việt Nam. Việt Nam cần phối hợp với các thành viên khác để thúc đẩy cải cách cơ chế này, đảm bảo quyền lợi thương mại của mình.

Bên cạnh đó, về việc thúc đẩy chức năng Đàm phán của WTO, WTO cần có khung pháp lý mới để giải quyết các thách thức phát sinh. Tuy nhiên, nguyên tắc đồng thuận trong WTO có thể bị lạm dụng để ngăn chặn đàm phán và đạt kết quả. Từ Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 năm 2017, các thành viên đã khởi xướng nhiều sáng kiến đàm phán đa phương để phá vỡ thế bế tắc. Việt Nam đã tích cực tham gia các sáng kiến này, đánh giá lợi ích và đưa ra các đề xuất cải cách, như đồng thuận "có trách nhiệm" hoặc quy định ràng buộc nghĩa vụ đối với thành viên muốn phản đối đồng thuận.

Theo ông Nguyễn Đức Thương, ngoài việc cải cách và đàm phán, hoạt động thường kỳ của WTO cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam.

WTO đóng vai trò quan trọngtrong thương mại Việt Nam

Ông Nguyễn Đức Thương nhận định, việc giám sát thực hiện cam kết của các thành viên theo các hiệp định của WTO giúp duy trì sự công bằng và minh bạch trong thương mại quốc tế. Các phiên họp định kỳ của WTO là cơ hội để các thành viên nêu quan ngại về biện pháp của đối tác, tạo áp lực buộc đối tác phải giải thích và điều chỉnh biện pháp. Việt Nam có thể tận dụng kênh này để bảo vệ lợi ích thương mại của mình, như vụ việc giày dép của công ty Bitis bị hải quan Ukraine định giá phân biệt đối xử vào năm 2021.

Ngoài ra, nghĩa vụ định kỳ rà soát chính sách thương mại của WTO cũng giúp "vẽ ra một bức tranh toàn cảnh" về xu hướng và động thái chính sách của các thành viên. Các thành viên khác có thể chất vấn, làm rõ các biện pháp cụ thể của thành viên rà soát, tạo áp lực buộc đối tác phải xử lý quan ngại. Điều này giúp Việt Nam theo dõi và phản ứng kịp thời với các biện pháp có thể ảnh hưởng đến thương mại của mình.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể tận dụng kênh đa phương trong WTO, tập hợp lực lượng cùng các thành viên khác để nêu quan ngại chung về các biện pháp của các thành viên lớn, buộc họ phải xem xét lại. WTO là diễn đàn duy nhất mà các thành viên nhỏ hơn như Việt Nam có thể phát huy lợi thế của kênh đa phương này, bảo vệ lợi ích thương mại của mình.

Ông Nguyễn Đức Thương khẳng định, WTO đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một sân chơi công bằng cho thương mại quốc tế. Tuy nhiên, để phù hợp với hoàn cảnh mới, WTO cần cải cách và giải quyết các thách thức hiện tại. Việt Nam, với tư cách là một thành viên tích cực, cần tận dụng các cơ hội từ cải cách WTO, đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động thường kỳ để duy trì và phát triển hệ thống thương mại đa phương, mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước.

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/wto-dong-vai-tro-quan-trong-trong-viec-duy-tri-mot-san-choi-cong-bang-cho-thuong-mai-quoc-te-333778.html