WTO kêu gọi tăng cường hỗ trợ thương mại cho các nước đang phát triển
Phó Tổng Giám đốc WTO Alan Wolff cho rằng một sáng kiến tài trợ cho thương mại cần được xem như một phần quan trọng trong những nỗ lực cải thiện triển vọng phục hồi kinh tế.
Ngày 21/11, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Alan Wolff kêu gọi nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) phối hợp để cung cấp hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ thương mại cho các nước đang phát triển, nhằm đảm bảo đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra theo hình thức trực tuyến, ông Wolff nhấn mạnh điều quan trọng là tận dụng thương mại để bảo vệ nền kinh tế, tạo thuận lợi mua bán các vật tư y tế thiết yếu, cũng như cải cách các khuôn khổ thể chế phục vụ thương mại thế giới.
Ông Wolff cho rằng một sáng kiến tài trợ cho thương mại cần được xem như một phần quan trọng trong những nỗ lực cải thiện triển vọng phục hồi kinh tế. Quan chức này nêu rõ: "Khi mùa màng thất bát và các nhà máy đình trệ ở khắp các nước đang phát triển, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ bị đình trệ.".
Trước đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) từng khẳng định dịch COVID-19 đã khoét sâu hơn hố ngăn cách về tài trợ thương mại toàn cầu. Việc không được tiếp cận hỗ trợ tài chính cho thương mại đã tác động mạnh nhất tới các nước kém phát triển nhất, vốn phải chịu chi phí cao về giao dịch tài chính.
Ông Wolff cho biết hợp tác chặt chẽ giữa các thể chế tài chính quốc tế, WTO và các ngân hàng thương mại lớn sẽ rất cần thiết để giải phóng hàng nghìn tỷ USD cần để hỗ trợ thương mại.
G20 đã đóng góp hơn 21 tỷ USD để chống đại dịch, và "bơm" 11.000 tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo nhóm này đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ việc phải giúp ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của các nước đang phát triển.
Tuần trước, các bộ trưởng tài chính G20 đã tuyên bố một "nền tảng chung" cho kế hoạch tái cấu trúc nợ mở rộng dành cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề của dịch, song các biện pháp này được cho là chưa đủ.
Cũng tại hội nghị thượng đỉnh G20, Quốc vương Jordan Abdullah II kêu gọi chống lại các tác động của đại dịch đối với kinh tế và tình hình nhân đạo, đặc biệt là an ninh lương thực, nghèo đói, thất nghiệp và giáo dục. Nhà lãnh đạo này hối thúc việc bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương trên thế giới, trong đó có những người tị nạn và các gia đình đang sống trong nghèo khó.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định việc tăng cường hợp tác ứng phó với dịch COVID-19 đã nâng cao trách nhiệm và tầm quan trọng của G20.
Trong thông điệp được ghi hình gửi tới hội nghị, ông Erdogan nêu rõ: “Các quyết định mà chúng ta đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh sẽ có ý nghĩa quyết định không chỉ đối với việc giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch mà còn đáp ứng kỳ vọng đối với G20".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức vào thời điểm chúng ta hiểu rõ hơn về giá trị của hợp tác toàn cầu khi đối mặt với một vấn đề toàn cầu và đây sẽ là điều tốt cho các quốc gia của chúng ta và toàn thể nhân loại.
Ông Erdogan nhấn mạnh sự bùng phát của dịch COVID-19 đã nhắc nhở thế giới rằng "nhân loại là một gia đình không phân biệt tôn giáo, ngôn ngữ, khu vực, hay chủng tộc."./.