WTO nhận định khối lượng thương mại toàn cầu tăng 2,7% trong năm 2024
Khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,7% vào năm nay, cao hơn so với dự báo trước đó của WTO là 2,6% hồi tháng 4, cho thấy kinh tế toàn cầu vẫn có sự ổn định trong ngắn hạn bất chấp các cuộc xung đột Nga – Ukraine, Trung Đông diễn biến phức tạp.
Bản cập nhật Triển vọng và Thống kê thương mại toàn cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), được công bố hôm 10/10 cho thấy, thương mại hàng hóa toàn cầu đã có xu hướng tăng trong nửa đầu năm 2024, với mức tăng theo năm là 2,3%. Sự tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng vừa phải trong suốt thời gian còn lại của năm và kéo dài đến năm 2025. Theo báo cáo, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực tế toàn cầu theo tỷ giá hối đoái thị trường dự kiến sẽ ổn định ở mức 2,7% trong cả năm 2024 và 2025.
Đến giữa năm 2024, lạm phát đã giảm đủ để các ngân hàng Trung ương có thể cắt giảm lãi suất. Sự suy giảm lạm phát này dự kiến sẽ làm tăng thu nhập hộ gia đình thực tế và kích thích chi tiêu của người tiêu dùng, trong khi lãi suất thấp hơn sẽ khuyến khích các công ty tăng chi tiêu đầu tư.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo rằng, các chính sách tiền tệ khác nhau giữa các nền kinh tế lớn có thể dẫn đến biến động tài chính và thay đổi dòng vốn, khi các ngân hàng Trung ương hạ lãi suất. Tình hình này có thể khiến việc trả nợ trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là đối với các nền kinh tế nghèo hơn.
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng, mặc dù thương mại toàn cầu dự kiến sẽ dần phục hồi, song vẫn cảnh giác với những trở ngại tiềm ẩn, đặc biệt là khả năng leo thang các xung đột khu vực như ở Trung Đông. Bà Okonjo-Iweala cũng cho biết, tác động có thể nghiêm trọng nhất đối với các quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến chi phí năng lượng toàn cầu và các tuyến đường vận chuyển, đồng thời kêu gọi những nỗ lực liên tục để thúc đẩy thương mại toàn cầu toàn diện.
Cùng chung quan điểm, ông Alvaro Pereira - Chuyên gia kinh tế trưởng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng nhấn mạnh rằng, những gì đã xảy ra kể từ quý 4 năm ngoái, như sự gián đoạn ở Biển Đỏ đã khiến chi phí vận chuyển tăng trên toàn thế giới, có lúc tăng 160% ở nhiều tuyến đường. Điều đó có tác động đến thương mại và cũng có tác động đến giá cả. Nếu tiếp tục leo thang xung đột, chắc chắn sẽ có tác động không chỉ đến thương mại mà còn đến giá năng lượng. Khi đó mục tiêu giảm lạm phát sẽ bị phá vỡ.
Theo các chuyên gia của WTO và OECD, điều cấp thiết là phải hợp tác để đảm bảo ổn định kinh tế toàn cầu và tăng trưởng bền vững, vì đây là những yếu tố cơ bản để nâng cao phúc lợi cho người dân trên toàn thế giới. Dự báo, xuất khẩu ở châu Âu sẽ giảm 1,4% và nhập khẩu giảm 2,3% trong năm nay. Trong khi đó, xuất khẩu tại châu Á trong năm nay dự kiến sẽ tăng 7,4%, vượt xa các khu vực khác do xuất khẩu của các nước có tỷ trọng kinh tế lớn như Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc đã phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay.
Triển vọng ngắn hạn đối với thương mại dịch vụ lạc quan hơn so với thương mại hàng hóa. Trong đó, thương mại dịch vụ được ghi nhận với mức tăng trưởng 8% theo năm về giá trị USD.