Xã hội hóa các nguồn lực cho khoa học, công nghệ vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Tại Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ Vùng Trung du và miền núi phía bắc do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức ngày 10/10, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, các địa phương trong vùng chưa có giải pháp đủ mạnh để huy động được nhiều hơn các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, kết quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn giai đoạn 2022-2024 của Vùng trung du và miền núi phía bắc đã mang lại hiệu quả trong mọi lĩnh vực, kinh tế-xã hội có sự chuyển biến rõ rệt, năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi tăng đáng kể. Chỉ số năng lực cạnh tranh của ngành và chỉ số cải cách hành chính từng bước được cải thiện và nâng cao. Thông qua việc hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; chú trọng đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị… đã giúp khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tạo nên những điểm sáng trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp như tại một số tỉnh như: Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng..
Bắc Giang luôn là địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 40; xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2 năm liên tiếp (2023, 2024) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và đứng đầu Vùng trung du và miền núi phía bắc.
Thái Nguyên tiếp tục khẳng định được vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học của vùng. Năm 2023, Thái Nguyên là địa phương đứng thứ 10 cả nước và đứng đầu các tỉnh trong vùng về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương. Khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh có trình độ tiên tiến trong nước, một số lĩnh vực có trình độ tiên tiến trong khu vực, nhiều công bố quốc tế như: Công nghệ sinh học; Vật lý; Vật liệu; ứng dụng Công nghệ Viễn thám…
Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hầu hết các tỉnh trong vùng chưa tự cân đối được ngân sách dẫn đến kinh phí dành cho khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Các địa phương chưa có giải pháp đủ mạnh để huy động được nhiều hơn các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quy mô lớn và đầu tư tăng cường tiềm lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ.
Cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức khoa học và công nghệ trong vùng đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao.
Việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ tại các địa phương trong vùng còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, nhất là nhân lực có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành của từng địa phương và tổng thể toàn vùng nhìn chung còn thiếu và yếu. Một số địa phương chưa ban hành cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thị trường khoa học và công nghệ đã bước đầu hình thành và phát triển nhưng còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc, điểm nghẽn; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp trong vùng còn hạn chế; mật độ doanh nghiệp thấp nhất cả nước, số doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ không nhiều.
Liên kết vùng vẫn còn thiếu và yếu, chưa mang dấu ấn riêng, chưa thật sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng. Chưa hình thành được các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng quy mô lớn, có tính liên ngành, liên vùng để tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng lớn, tác động mạnh đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và vùng. Sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong nội vùng và ngoại vùng để cùng giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn, có tính liên ngành, liên vùng, phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, đặc trưng của vùng hướng tới sản phẩm mang thương hiệu quốc gia còn rất hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động trong khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trong vùng thời gian tới, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho rằng, các Sở Khoa học và Công nghệ trong vùng cần tiếp tục tham mưu cấp thẩm quyền ưu tiên bố trí kinh phí, tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ địa phương, tăng cường đầu tư tiềm lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho khoa học và công nghệ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tại địa phương để đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, huy động tối đa nguồn lực của xã hội cho phát triển khoa học và công nghệ. Triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong phát triển sản phẩm trọng điểm, chủ lực có lợi thế của địa phương. Tăng cường hợp tác, liên kết địa phương, liên kết vùng, tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục triển khai và nghiên cứu giải pháp cải thiện Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương,
Ngoài ra, các Sở Khoa học và Công nghệ cần khẩn trương tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình khoa học và công nghệ giai đoạn 2020-2025 nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng văn kiện đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025-2030 các cấp ở địa phương và Văn kiện đại hội đại biểu lần thứ XIV của Đảng.