Xã hội hóa công tác quản lý thuế: Động lực đổi mới hay thách thức?
Phát triển và nâng cao vai trò của hệ thống đại lý thuế cũng như ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu của ngành thuế trong tương lai.
Xu hướng tất yếu
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành thuế đang có những thay đổi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế. Một trong những xu hướng nổi bật được nhắc đến là “xã hội hóa” công tác quản lý thuế - chuyển giao một số nhiệm vụ của cơ quan thuế sang khu vực tư nhân mà cụ thể là các đại lý thuế.
Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu trong việc áp dụng mô hình xã hội hóa công tác quản lý thuế. Với hệ thống thuế chặt chẽ và thường xuyên cập nhật theo bối cảnh kinh tế, các đại lý thuế đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý thuế quốc gia.

Bà Emiko Sasaki - đại diện Hội Kế toán Thuế Công chứng Kin Zei (Nhật Bản)
Chia sẻ tại tọa đàm “Phát triển bền vững, mở rộng hợp tác, hướng đến tương lai” do Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP.HCM (HTCAA) tổ chức vào ngày 22/2 tại TP.HCM, bà Emiko Sasaki - đại diện Hội Kế toán Thuế Công chứng Kin Zei (Nhật Bản) cho biết: “Hệ thống kê khai thuế điện tử tại Nhật Bản đã khá hoàn thiện và liên tục được cải tiến. Vì vậy, phần lớn công việc mà người nộp thuế phải thực hiện thường thông qua các đại lý thuế”.
Theo ước tính, hiện nay khoảng 50 - 60% doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng dịch vụ của các đại lý thuế thay vì tự thực hiện để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tuân thủ đúng quy định. Không chỉ hỗ trợ kê khai, đại lý thuế còn tư vấn các vấn đề liên quan đến thuế suất, chính sách ưu đãi, giúp doanh nghiệp tối ưu nghĩa vụ thuế của mình. Nhờ đó, hệ thống quản lý thuế trở nên linh hoạt, giảm tình trạng sai sót và gian lận.
Một trong những điểm đáng chú ý trong mô hình này là sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và đại lý thuế. Họ thường xuyên tổ chức các cuộc họp để trao đổi, giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách thuế. Điều này giúp hệ thống thuế vận hành hiệu quả và luôn cập nhật những thay đổi mới nhất.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam
Tại Việt Nam, xu hướng xã hội hóa công tác quản lý thuế đang ngày càng được quan tâm. Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho biết, Chính phủ và các nhà quản lý thuế đang đặt mục tiêu mở rộng hệ thống đại lý thuế ngoài nhà nước để nâng cao hiệu quả quản lý. “Phó Thủ tướng mong muốn phát triển đại lý thuế không phải của Nhà nước, tức là chuyển sang xã hội hóa. Mà để xã hội hóa được thì phải chuyển nhiệm vụ sang cho các đại lý thuế”, bà Cúc nhấn mạnh.
Việc xã hội hóa công tác quản thuế không chỉ giúp giảm tải áp lực cho cơ quan thuế nhà nước mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân. Đặc biệt, khi Bộ Tài chính cơ cấu lại hệ thống ngành thuế - tổ chức lại Tổng cục Thuế thành Cục Thuế và sắp xếp lại Cục Thuế các tỉnh, thành phố, vai trò của các đại lý thuế sẽ càng trở nên quan trọng hơn.
Tuy nhiên, để phát triển theo mô hình này, các đại lý thuế tại Việt Nam cần chủ động đầu tư công nghệ, cải thiện chuyên môn, nâng cao năng lực tư vấn và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nếu không có sự đầu tư bài bản, các đại lý thuế khó có thể phát triển bền vững và cạnh tranh với các đơn vị nước ngoài.

Áo dụng công nghệ cao vào quản lý thuế là yếu tố quan trọng trong tương lai
Công nghệ cao - yếu tố quyết định
Hàn Quốc là một trong những quốc gia hàng đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào quản lý thuế. Hiện tại, hệ thống thuế của nước này đã tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), chatbot và blockchain để hỗ trợ người nộp thuế một cách nhanh chóng, chính xác và minh bạch hơn.
Bà Su Yong Choi - đại diện Hội Tư vấn thuế Hàn Quốc chia sẻ: “Tại Hàn Quốc có hệ thống thuế quan trọng là NTS (National Tax Service). Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư rất lớn vào hệ thống này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giảm áp lực cho người nộp thuế. Ngoài ra, công nghệ chatbot cũng đang được ứng dụng để trả lời thắc mắc của người nộp thuế, giúp tiết kiệm thời gian và giảm bớt gánh nặng cho cơ quan thuế. Bên cạnh đó, công nghệ blockchain cũng được sử dụng để đảm bảo tính bảo mật và minh bạch của dữ liệu thuế”.
Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý thuế cũng đang được thúc đẩy, nhưng vẫn cần một lộ trình cụ thể và sự hỗ trợ từ cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp. Nếu các đại lý thuế có thể tận dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình, không chỉ giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của toàn ngành thuế.

Công nghệ cao sẽ là chìa khóa giúp ngành thuế phát triển bền vững, giảm thiểu sai sót và nâng cao tính minh bạch. Những doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sớm sẽ có lợi thế lớn, đặc biệt là trong việc tự động hóa các quy trình kê khai, nộp thuế.
Việc xã hội hóa công tác quản lý thuế và áp dụng công nghệ cao không chỉ giúp giảm tải công việc cho cơ quan thuế Nhà nước, mà còn tạo ra một hệ sinh thái thuế minh bạch, chuyên nghiệp, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và cá nhân trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Trong tương lai, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi từ mô hình thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc để xây dựng một hệ thống quản lý thuế hiện đại, vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Để làm được điều này, cần có sự đầu tư nghiêm túc từ cả phía Nhà nước lẫn khu vực tư nhân, nhằm triển khai mô hình xã hội hóa thuế một cách hiệu quả và bền vững.