Xã hội hóa để người giàu hay nghèo cũng được ngồi trên chiếc 'máy bay y tế' hiện đại
Ngành Y tế TP.HCM ủng hộ việc xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Tuy nhiên, phải công khai, minh bạch, bền vững, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng.
Sáng 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã làm việc cùng Sở Y tế TP.HCM và 25 bệnh viện, các Sở ngành liên quan và Bảo hiểm xã hội TP. Nội dung khảo sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Không để người nghèo đi máy bay “y tế” cũ
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP nhận định, sau Covid-19, ngành y tế chưa kịp phục hồi hoàn toàn đã đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Với y tế TP.HCM, biến động nhân sự trong khối công lập hiện rất nóng và chưa thấy điểm dừng.
Liên quan đến xã hội hóa y tế, ông Thượng cho biết, quan điểm của Sở Y tế TP.HCM là tiếp tục ủng hộ việc xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám chữa bệnh. “Chúng tôi lấy hình ảnh dễ hiểu nhất khi nói về xã hội hóa là một chiếc máy bay. Phải làm sao để người giàu, người nghèo cùng được đi trên một chiếc máy bay hiện đại”.
Theo ông Thượng, y tế không thể để người nghèo ngồi trên chiếc máy bay cũ, còn người giàu được ngồi trên chiếc máy bay hiện đại. Xã hội hóa y tế giúp cả 2 nhóm người trên cùng ngồi trên chiếc máy bay hiện đại. “Người giàu ngồi ghế trên, người nghèo ngồi ghế dưới”, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM ví von.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khuyến khích tư nhân xây dựng ngày càng nhiều bệnh viện tư để đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời thu hút đầu tư của tư nhân trong hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước.
“Xem đây là vũ khí hỗ trợ thêm mà vốn dĩ ngân sách công lập chưa đáp ứng được, khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng cao hơn”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, làm thế nào để xã hội hóa phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng.
Theo ông Dũng, vấn đề cốt lõi là giá khung/người kệnh/dịch vụ khám chữa bệnh dịch vụ y tế không phân biệt người bệnh của công lập và xã hội hóa. Chỉ có khác biệt về giá các dịch vụ phi y tế như phòng bệnh, căn tin, giữ xe, giặt giũ… có thể có nhiều mức giá tùy theo điều kiện kinh tế của người bệnh và đơn vị quản lý, vận hành các dịch vụ này.
Quay lại mô hình chiếc máy bay hiện đại, ông Dũng nói, nếu cơ sở khám chữa bệnh là chiếc may bay, giá vé cơ bản để lên chiếc máy bay phải là như nhau.
“Trên máy bay vẫn có ghế hạng thương gia. Ngoài những phục vụ cơ bản, ai có nhu cầu về dịch vụ cao hơn, tiện ích hơn có thể chọn thêm, tùy theo khả năng của từng người".
TP.HCM thiếu hụt nghiêm trọng điều dưỡng
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ tại một số bệnh viện công lập đang có xu hướng giảm dần làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc người bệnh. Bệnh viện gặp khó khăn trong tuyển dụng điều dưỡng mới thay thế cho số điều dưỡng đã nghỉ việc.
Để đảm bảo chăm sóc tốt cho người bệnh, phải đạt yêu cầu 3 điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ. Tuy nhiên, qua khảo sát, tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ tại các bệnh viện công lập TP.HCM là 1,86, hơn 55% tổng số khoa lâm sàng có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ dưới 2.
Nguyên nhân do chế độ, chính sách hiện nay chưa phù hợp với áp lực công việc của điều dưỡng, hộ sinh và chưa có chế độ, chính sách hỗ trợ thu nhập giữ chân được người có tay nghề, người đang cống hiến cho các đơn vị y tế công lập trực thuộc. Ngoài ra, còn do khó khăn, bất cập trong việc nâng chuẩn trình độ của điều dưỡng, hộ sinh lên trình độ cao đẳng.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, các bệnh viện đang có nhu cầu rất cao về ngành trợ lý điều dưỡng song không có nhân sự. Sở Y tế đề xuất bổ sung chức danh trợ lý điều dưỡng.
Trợ lý điều dưỡng sẽ làm các công việc như hỗ trợ người bệnh vệ sinh cá nhân, làm sạch chăn drap, giường bệnh; hỗ trợ người bệnh ăn uống, di chuyển, đi làm các xét nghiệm... Tùy mô hình đào tạo, trợ lý điều dưỡng có thể lấy dấu hiệu sinh tồn, tiếp nhận ban đầu, đánh giá các chỉ số chiều cao, cân nặng... Ở Việt Nam, một điều dưỡng phải làm tất cả công việc trên.
“Có những nơi một buổi tối có khoảng 70 bệnh nhân nhưng cao nhất chỉ có 3 điều dưỡng, rất vất cả”, ông Dũng nói.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trên thế giới, các loại hình này rất đa dạng, trong đó ngành điều dưỡng có điều dưỡng chính (thực hành có giấy phép, chứng chỉ hành nghề), trợ lý điều dưỡng (chỉ cần giấy chứng nhận, không cần chứng chỉ hành nghề, đào tạo ngắn hạn ít nhất 3 tháng).